Chuyên gia nhận định về thiệt hại từ việc Chính phủ Mỹ đóng cửa

Theo Nguyễn Hằng/bnews.vn

Ngày 12/1, tình trạng Chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần đã bước sang ngày thứ 22 và là đợt đóng cửa kéo dài nhất trong lịch sử nước này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) tới đồi Capitol để dự cuộc họp với giới lãnh đạo nghị sĩ Quốc hội ngày 9/1/2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) tới đồi Capitol để dự cuộc họp với giới lãnh đạo nghị sĩ Quốc hội ngày 9/1/2019.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định điều này đang gây hao tổn cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông Beth Ann Bovino, Kinh tế trưởng của hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P, cho biết với khoảng 1/4 số nhân viên liên bang bị ảnh hưởng, ước tính việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần khiến nền kinh tế này thất thoát khoảng 1,2 tỷ USD/tuần và dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng nếu thời gian còn kéo dài.

Với mức này, trong 2 tuần nữa, nền kinh tế Mỹ sẽ thiệt hại nhiều hơn khoản 5,7 tỷ USD mà Tổng thống Donald Trump yêu cầu cho bức tường biên giới với Mexico.

Ông Bovino nhận định việc chính phủ đóng cửa một phần đã bắt đầu tác động đến mọi khía cạnh đời sống của người dân “xứ cờ hoa”. 380.000 nhân viên liên bang nghỉ việc không lương và 420.000 người trong các cơ quan chính phủ làm việc không lương đang chật vật với các khoản thanh toán.

Công ty bất động sản Zillow ước tính những người này nợ 438 triệu USD/tháng tiền thuê nhà và các khoản vay thế chấp khác. Tại Washington, nơi tập trung khoảng 20% số nhân viên liên bang, các nhà hàng đang “dậm chân tại chỗ”, dịch vụ taxi đình trệ cũng như hoạt động giao thông “im ắng” bất thường.

Ngành du lịch tại đất nước với 400 công viên quốc gia thường báo cáo doanh thu 18 triệu USD/ngày, song nhiều nhà hàng, khách sạn và cửa hàng đang mất khách khi một số công viên tạm đóng cửa và nhiều dịch vụ tạm ngừng hoạt động.

Trong khi đó, những người nông dân chưa thể nhận được các khoản trợ cấp giúp họ giảm thiệt hại do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ cũng chưa nhận được các khoản chính phủ cho vay để trồng trọt và chăn nuôi, trong khi không thể lên kế hoạch cho vụ mùa sắp tới do Bộ Nông nghiệp chưa công bố số liệu về sản lượng và giá nông sản như mọi năm.

Các công ty gia đình đang tìm cách đầu tư, thuê nhân công và phát triển kinh doanh cũng buộc phải tạm dừng kế hoạch do Cục Quản lý doanh nghiệp nhỏ hoãn cho vay. Trong khi đó, các khoản hoàn thuế và hoạt động xác minh thu nhập của người đi vay thế chấp vẫn chưa được giải quyết với hàng tỷ USD có nguy cơ “mất trắng”.

Theo ước tính của hãng Bloomberg, các nhà thầu của chính phủ hiện mất 200 triệu USD/ngày, dẫn đến doanh thu của những “ông lớn” trong ngành quốc phòng như Boeing, General Dynamics và Leidos sụt giảm.

Chuyên gia kinh tế Chicago, ông Constantine Yannelis, người từng nghiên cứu đợt Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần hồi năm 2013, cảnh báo tác động của đợt đóng cửa lần này sẽ còn lớn hơn.

Năm 2013, một phần Chính phủ Mỹ tạm ngừng hoạt động trong 16 ngày dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Trước đó, Nước Mỹ năm 1995-1996 dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng đóng cửa một phần chính phủ trong 21 ngày.

Từ cuối tháng 12/2018, khoảng 1/4 Chính phủ Mỹ đã bị đóng cửa, theo đó khoảng 800.000 nhân viên liên bang phải nghỉ phép hoặc làm việc không lương trong 3 tuần qua do Quốc hội không thể thông qua một dự luật chi tiêu dành cho chính phủ liên bang.

Nguyên nhân chủ yếu là do Tổng thống và phe Dân chủ không thể thống nhất về vấn đề bức tường biên giới Mỹ-Mexico.

Tổng thống Trump yêu cầu khoản chi hơn 5 tỷ USD cho bức tường biên giới phải có trong dự luật ngân sách liên bang, song phe Dân chủ kiên quyết phản đối và tới nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ vấn đề này.

Ngày 10/1, Hạ viện Mỹ đã thông qua 2 dự luật giúp khôi phục hoạt động của Bộ Nông nghiệp, Bộ Giao thông và nhiều cơ quan chính phủ khác vốn đã phải đóng cửa trong gần 3 tuần qua vì không có ngân sách hoạt động.