Cơn chấn động “Hồ sơ Paradise”

Theo YÊN PHÚC (BIÊN DỊCH)/nhandan.com.vn

Một năm rưỡi sau vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama”, thế giới tiếp tục chấn động khi các nhà báo điều tra quốc tế vừa công bố một hồ sơ khác tiết lộ các cách thức trốn thuế của những người giàu nhất thế giới, và của các công ty đa quốc gia. Với tên gọi “Hồ sơ Paradise”, khoảng 13,4 triệu tài liệu được cho là sẽ gây chấn động không kém gì “Hồ sơ Panama”, có thể làm lung lay nhiều chiếc ghế quyền lực, hay ảnh hưởng đến uy tín của những nhân vật nổi tiếng.

Quần đảo Cayman được xem là một trong những địa điểm trốn thuế hàng đầu. Ảnh: GETTY IMAGES
Quần đảo Cayman được xem là một trong những địa điểm trốn thuế hàng đầu. Ảnh: GETTY IMAGES

Khai màn cuộc chiến chống trốn thuế

Tờ báo khai màn cho vụ tiết lộ gây chấn động lần này là Suddeutsche Zeitung, tờ báo từng có công lớn trong nỗ lực đưa “Hồ sơ Panama” ra ánh sáng cách đây hơn một năm. Sau đó, tờ báo này đã chia sẻ các thông tin nắm được trong “Hồ sơ Paradise” cho Hiệp hội báo chí điều tra quốc tế (ICIJ). Sau đó, Suddeutsche Zeitung cùng ICIJ và gần 100 đối tác truyền thông khác như The Guardian, BBC, The New York Times, Le Monde,… đã tiến hành điều tra thông qua các tài liệu, từ đó phát giác những hành vi giấu tiền ở các “thiên đường thuế” của nhiều công ty đa quốc gia và không ít nhân vật quan trọng ở châu Âu cũng như Bắc Mỹ.

Theo Le Monde, số tài liệu chủ yếu đến từ Appleby, công ty luật có văn phòng tại quần đảo Bermuda, một vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh và một số địa điểm khác. Tổng lượng dữ liệu trong vụ “Hồ sơ Paradise” lên tới 1,4 TB. So tổng dữ liệu vụ “Hồ sơ Panama” với 2,6 TB, con số này nhỏ hơn nhiều song lại lớn hơn những vụ rò rỉ thông tin trước đây, như vụ WikiLeaks hồi năm 2010 (1,7 GB dữ liệu), vụ các tài khoản hải ngoại bí mật năm 2013 (260 GB) hay vụ hồ sơ thuế Luxembourg năm 2014 (4,4 GB).

“Hồ sơ Paradise” bị rò rỉ từ Appleby cung cấp dữ liệu khách hàng của công ty này từ năm 1993 đến 2014, bao gồm tên của hơn 120.000 cá nhân và doanh nghiệp, nhưng không phải tất cả đều liên quan việc chuyển thuế. Ngoài ra, dữ liệu của Appleby ghi nhận khoảng 25.000 “công ty bình phong” (offshore). Nơi phổ biến nhất để thành lập công ty vỏ bọc là các “thiên đường thuế” ở Bermuda và quần đảo Cayman (lãnh thổ hải ngoại của Anh). Cùng với đó, còn có quần đảo British Virgin và Isle of Man. Các tài liệu trên đã phát giác những cách thức né tránh thuế đang rất phổ biến trên quy mô thế giới.

Hé lộ những góc khuất

Trong số tài liệu báo chí vừa phát giác, người ta thấy có tên của một số chính trị gia và lãnh đạo trên thế giới. Hãng tin Reuters của Anh dẫn thông tin hồ sơ rò rỉ cho biết, những chính khách này có nhiều khoản đầu tư nằm trong vài quỹ đặt ở nước ngoài, tại các địa điểm vẫn bị xem như “thiên đường thuế” thấp. Qua các quỹ hải ngoại này, tiền của họ chảy vào một số công ty đang gây tranh cãi. Theo bà Cécile Prieur, Trưởng bộ phận biên tập của báo Le Monde, người tham gia cuộc điều tra trên, trong danh sách các nhân vật liên quan còn có tên của khoảng 110 chính trị gia và tỷ phú người Nga Yuri Milner - nhà đầu tư lớn của hai mạng xã hội Twitter và Facebook...

Ngoài các chính khách, một số tập đoàn lớn như Nike hay Apple cũng bị các nhà điều tra sờ gáy. Theo hãng tin Pháp AFP, khi tuyên bố trả các khoản thuế một cách hợp lý, Apple đã chuyển phần lợi nhuận hải ngoại không bị đánh thuế về Jersey, trên quần đảo Channel của Anh. Từ trước năm 2014, Apple đã đưa toàn bộ doanh thu của các chi nhánh nước ngoài (chủ yếu là châu Âu) về các chi nhánh tại Ireland để được hưởng ưu đãi thuế và giảm thiểu khoản thuế phải đóng. Do sức ép của Chính phủ Mỹ và các quốc gia châu Âu về cách hoạt động như vậy, Apple đã tìm đến sự tư vấn của Appleby, công ty luật có văn phòng tại Bermuda và một số địa điểm khác, vốn đang là tâm điểm của vụ rò rỉ lần này.

Trong khi đó, hãng sản xuất đồ thể thao nổi tiếng của Mỹ Nike bị các tài liệu tố giác đã lợi dụng kẽ hở trong luật pháp Hà Lan để giảm thiểu khoản thuế phải đóng tại châu Âu. Theo báo Le Monde, Nike đã tập trung toàn bộ doanh thu trên thị trường châu Âu về hai công ty có trụ sở tại Hà Lan để được hưởng mức thuế 2% thay vì phải trả mức thuế lên đến 25% theo mức trung bình của các công ty hoạt động tại châu Âu. Theo ước tính các nhà báo tham gia điều tra, với phương thức này, từ năm 2014 đến nay, hãng Nike đã giảm được mức thuế trung bình phải trả toàn cầu từ 24% xuống 16%. Tuy nhiên, đại diện của Nike khẳng định việc làm này hoàn toàn dựa trên các quy định luật pháp tại Hà Lan.

Theo nhận định của giới phân tích, vụ rò rỉ “Hồ sơ Paradise” cho thấy, giới quyền lực và giới siêu giàu trên thế giới đã bí mật đầu tư một khoản tiền mặt lớn vào “thiên đường trốn thuế” ở nước ngoài như thế nào. Hiện chưa biết vụ rò rỉ tài liệu này sẽ đi đến đâu. Ngày 6-11, Liên hiệp châu Âu (EU) đã chỉ trích mạnh mẽ hoạt động trốn thuế mới bị phanh phui trong vụ “Hồ sơ Paradise”. Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici cho rằng, vụ bê bối mới cho thấy các cá nhân và tổ chức luôn sẵn sàng tìm cách trốn thuế, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên nhanh chóng lập danh sách các “thiên đường trốn thuế” và có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

EU đang thảo luận một số biện pháp để giải quyết vấn đề trốn thuế. Năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã xác định 81 quốc gia và lãnh thổ có khả năng liên quan lớn trong việc hỗ trợ trốn thuế, trong đó Luxembourg, Malta và Ireland là những nơi trú ẩn về thuế ưa thích của doanh nghiệp. Dự kiến, những biện pháp này sẽ được công bố trong nay mai.