Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung: Cục diện có thay đổi?

Theo An Chi/enternews.vn

Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong cuộc đua giành quyền thống trị tại các thị trường thiết bị công nghệ cao.

Theo một phân tích gần đây của Nikkei, Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách giữa nước này và Mỹ trong cuộc đua giành quyền thống trị tại các thị trường công nghệ cao.

Theo dữ liệu được thu thập từ nhiều cơ sở nghiên cứu khác nhau, trong năm 2018, các công ty Trung Quốc đã mở rộng thị phần của họ trong chín lĩnh vực bao gồm cả cơ sở hạ tầng di động, trong khi đó Mỹ chỉ ghi nhận đà tăng trưởng trong tám lĩnh vực.

Theo giới chuyên gia, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang vùi dập nền kinh tế toàn cầu, mà cụ thể là cuộc chiến này đã gây ra những chấn động đặc biệt trong thị trường công nghệ cao.

Nếu Mỹ đã nổi tiếng toàn cầu với những cái tên như Google, Amazon và Facebook, Trung Quốc cũng có bộ ba tương ứng với thành công không kém: Baidu, Alibaba và Tencent, thường được gọi là nhóm “BAT”.

Với người dùng phương Tây, ba cái tên này có thể không thật nổi tiếng. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là BAT đã đạt được những bước tiến đáng chú ý trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng nhất hiện nay, vốn trước đó là cuộc chơi của Thung lũng Silicon - từ tìm kiếm, thanh toán, nhắn tin đến video, thương mại điện tử và trò chơi trực tuyến.

Và có thể người tiêu dùng phương Tây không nghe đến cái tên BAT, nhưng họ vẫn đang sử dụng rất nhiều sản phẩm công nghệ Trung Quốc mà không biết. Chẳng hạn có thể ít người biết DJI, công ty được gọi là “Apple của thiết bị bay không người lái”, là một công ty Trung Quốc có trụ ở sở Thâm Quyến.

Thâm Quyến là thủ phủ của nhiều công ty Trung Quốc trong top 20 hãng công nghệ hàng đầu thế giới kể trên như Tencent, Huawei, ZTE, DJI và Makeblock, công ty sản xuất các bộ kit để lắp ráp robot. Một cái tên khác từ Thâm Quyến: Anker, một trong những nhà sản xuất sạc dự phòng hàng đầu thế giới hiện nay với doanh thu năm 2017 lên đến 500 triệu USD và sản phẩm được bán rộng rãi trên Amazon và Walmart, các nền tảng của Mỹ.

Hình ảnh Thâm Quyến ngày nay thật sự là cú “đại nhảy vọt” so với hình ảnh làng chài của chính nó cách đây 35 năm. Thâm Quyến cũng không bằng lòng với vai trò là “thủ đô phần cứng của thế giới” mà muốn trở thành trung tâm công nghệ toàn cầu với các phát minh, công nghệ mới nhất.

Trên lưng mỗi chiếc iPhone ngày nay đều có dòng chữ “Thiết kế bởi Apple tại California. Lắp ráp tại Trung Quốc”. Bắc Kinh đang định hướng chuyển từ “sản xuất tại Trung Quốc” sang “thiết kế tại Trung Quốc”. Giới phân tích đánh giá đây hoàn toàn không phải là một kế hoạch bất khả thi, với những gì đang diễn ra ở Thâm Quyến.

Trong số 74 sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao được khảo sát, với kết quả phân tích về 5 cổ phiếu hàng đầu tại 25 thị trường chính cho thấy các công ty Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện của mình trong hầu hết các lĩnh vực như điện thoại thông minh, máy tính bảng, camera hay dịch vụ điện toán đám mây.

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung: Cục diện có thay đổi? - Ảnh 1

Bất chấp lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với các mặt hàng của Tập đoàn công nghệ Huawei Technologies xuất khẩu sang Mỹ - quốc gia đang đẩy mạnh phát triển công nghệ mạng di động thế hệ thứ năm (5G) - nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc đã tăng thị phần của mình trong lĩnh vực viễn thông lên 3 điểm phần trăm.

Theo ISH Markit, lợi thế này đã củng cố vị thế của Huawei với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới. Bảng xếp hạng này cũng xếp Tập đoàn công nghệ ZTE - đồng hương của Huawei tại vị trí thứ tư.

Số liệu thị trường cũng ghi nhận trong thị trường điện thoại thông minh, Huawei đứng thứ ba, thu hẹp khoảng cách với Apple đứng thứ hai. Xiaomi và Oppo - một nhà sản xuất khác của Trung Quốc - lần lượt chiếm vị trí thứ tư và thứ năm.

“Các hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc rồi sẽ phát triển đến mức lớn hơn các đối thủ Mỹ của họ, đặc biệt là Tencent và Alibaba, hai công ty đang làm vua trong lĩnh vực của mình” - James Crabtree, phó giáo sư Trường chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) nhận xét.

Tại Hội nghị G20 vừa được tổ chức vào tháng 6 vừa qua, với việc Mỹ và Trung Quốc đồng ý sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã hoãn áp dụng đợt thuế quan thứ tư đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Nhưng chính quyền của ông dự kiến vẫn sẽ duy trì áp lực đối với các công ty công nghệ cao của Trung Quốc.

Khi Tổng thống Donald Trump theo đuổi chính sách cứng rắn nhằm ngăn chặn sự gia tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao, điều này đã ảnh hưởng đến nền công nghiệp sản xuất điện thoại thông minh nói riêng và các lĩnh vực công nghệ khác nói chung. Và chắc chắn, cục diện cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung sẽ còn nhiều thay đổi.