Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Mịt mờ lối ra

Theo Đỗ Cao/sggp.org.vn

Trong lúc cả thế giới đang dõi theo cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc với kỳ vọng căng thẳng sớm xuống thang, các thông tin trái ngược mà các nhà lãnh đạo hàng đầu của Chính phủ Mỹ đưa ra khiến nhiều người tin rằng chưa có lối thoát cho xung đột.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Mịt mờ lối ra.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Mịt mờ lối ra.

Gáo nước lạnh

Theo Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, nếu các cuộc điện đàm giữa 2 bên đạt kết quả tốt trong 10 ngày tới, Washington có thể khôi phục thực sự các cuộc đàm phán, với việc phái đoàn Trung Quốc tới Mỹ. Ông Kudlow cũng nhấn mạnh cuộc điện đàm hồi tuần trước diễn ra tích cực hơn nhiều so với những gì được truyền thông đưa tin.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross thông báo sẽ hoãn lệnh cấm tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei mua các thiết bị từ doanh nghiệp Mỹ thêm 90 ngày. Tuy nhiên, Mỹ bổ sung thêm 46 công ty con của Huawei vào danh sách các thực thể bị cấm, nâng tổng số thực thể bị hạn chế lên 100. Hạn chót để thực hiện lệnh cấm này là ngày 19/11 tới. 

Theo hãng tin Reuters, trong lúc cấp dưới công bố thông tin được xem là có đôi chút tích cực, ông chủ Nhà Trắng Donald Trump lại dội một gáo nước lạnh khi tuyên bố “chưa sẵn sàng cho thỏa thuận thương mại” với Trung Quốc.

Tổng thống Donald Trump tin rằng Trung Quốc mong tiến đến một thỏa thuận với Mỹ nhưng ông muốn thấy Bắc Kinh xử lý vấn đề Hồng Công trước khi tính đến thỏa thuận thương mại. Giới quan sát nhận định, nếu như Tổng thống Donald Trump thực sự coi Hồng Công là một điều kiện để thỏa thuận, lối ra cho căng thẳng giữa 2 cường quốc sẽ rất chông gai.

Trước đó, theo một số nguồn tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đang cân nhắc thay đổi mức thuế bổ sung 10% đối với số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc dự kiến có hiệu lực lần lượt vào ngày 1/9 và 15/12 tới, sau khi ông có cuộc trao đổi với CEO Tim Cook của Apple về tác động của biện pháp thuế quan với Trung Quốc.

Ông Donald Trump cho biết, trong cuộc trao đổi, ông Tim Cook đã hối thúc ông cân nhắc lại mức thuế này do sẽ đẩy Apple, vốn có nhiều sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, vào tình trạng bất lợi thế trong cạnh tranh với Samsung.

Suy thoái trong 2 năm tới?

Trong lúc nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ gặp khó, 2 ông Donald Trump và Larry Kudlow đều thể hiện sự lạc quan khi nhận định nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì phong độ khá tốt và không có dấu hiệu suy thoái. Tuy nhiên, đa số chuyên gia kinh tế dự báo viễn cảnh ảm đạm sẽ xảy ra trong 2 năm tới.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến do Hiệp hội Quốc gia các nhà kinh tế kinh doanh Mỹ (NABE) công bố ngày 18/8, chỉ 2% trong số 226 chuyên gia được hỏi nhận định về khả năng xảy ra một đợt suy thoái trong năm nay, so với 10% trong cuộc khảo sát hồi tháng 2. Tuy nhiên, 38% số chuyên gia cho rằng nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ suy giảm trong năm tới, trong khi 34% nhận định đợt suy thoái sẽ diễn ra vào năm 2021. 

Cuộc thăm dò cũng chỉ ra ngày càng có nhiều nhà kinh tế nhận định về viễn cảnh kinh tế suy thoái trong năm 2021 do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ hạ lãi suất cơ bản tối thiểu 1 lần trong năm nay, trong khi 1/3 số người được hỏi cho rằng Ngân hàng Trung ương vẫn giữ nguyên mức lãi suất hiện tại là 2,25% đến 2,5%.

Trong bối cảnh ông Donald Trump không ngừng chỉ trích và kêu gọi FED cắt giảm lãi suất, khảo sát của NABE cũng cho thấy 55% số chuyên gia kinh tế nhận định các tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng không ảnh hưởng tới quyết định của FED song làm “tổn hại niềm tin của công chúng đối với Ngân hàng Trung ương”. 

Đối với chính sách tài khóa, đa số nhà kinh tế được hỏi nói rằng chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ nhìn chung tác động tiêu cực đối với hoạt động nhà đất trong 18 tháng qua. Các chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ hoài nghi về khả năng đạt được một giải pháp cho cuộc cạnh tranh thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc, mặc dù 64% cho rằng có thể có một thỏa thuận hời hợt.