Cuộc chiến thương mại sẽ diễn ra trên nhiều mặt trận?

Theo Thái Hồng/thoibaonganhang.vn

Những tuyên bố đáp trả về chính sách thuế áp lên hàng hóa nhập khẩu của cả Mỹ và Trung Quốc gần đây đã làm cho thị trường quan ngại, nhất là các nước và khu vực vốn là đối tác thương mại lớn của Mỹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đánh giá của giới quan sát, việc cần phải xem xét lại những thông lệ thương mại mà tổng thống Trump cho rằng không công bằng đã khiến ông phải đối diện với những khó khăn trong quá trình định hình lại các quan hệ thương mại của nước Mỹ.

Vào đầu tuần này, Trung Quốc đã tuyên bố quyết định tăng mức thuế lên 25% đối 60 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ - đây là đòn trả đũa sau khi chính quyền Trump quyết định tăng thuế áp vào 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện nay, nước Mỹ đã áp thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đã đáp trả đối với 110 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ.

Người ta cho rằng, xung đột có thể sẽ còn đi xa hơn sau đòn trả đũa vừa qua. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng đã đe dọa sẽ áp mức thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hiện vẫn chưa được áp thuế. Chính quyền Mỹ hy vọng rằng, chính sách thuế sẽ buộc Trung Quốc phải có được một thỏa thuận thương mại. Bởi xung đột càng kéo dài thì doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ sẽ càng bị tổn thương, cụ thể là những người nông dân – hiện đang phải gánh chịu thiệt thòi khi giá nông sản đang ngày một thấp hơn trong cuộc xung đột thương mại giữa 2 cường quốc lớn.

Theo ông John Heisdorffer – Chủ tịch Hiệp hội đậu nành Mỹ cho rằng, khu vực nông thôn đang bị ảnh hưởng tồi tệ, sự kiên nhẫn của những người nông dân đang giảm sút mạnh; tình hình tài chính đang bị ảnh hưởng, căng thẳng ngày một gia tăng. Chính vì vậy, chính quyền Trump đang hy vọng sẽ cứu vãn được tình thế bằng một thỏa thuận thương mại, khi ông Trump sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại diễn đàn G20 tại Nhật trong tháng tới.

Trong năm ngoái, Chính quyền Trump quyết định miễn trừ việc tăng thuế áp 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ các nước láng giềng. Sự việc đó buộc cả Canada và Mexico thực hiện các biện pháp trả đũa. Theo đó, Canada đã áp thêm thuế lên hơn 12 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm rượu whisky và syro maple. Mexico cũng áp thuế đối với khoảng 3 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ. Và cả 2 nước này đều tuyên bố rằng sẽ cân nhắc thêm về các giải pháp đáp trả để tạo áp lực buộc Mỹ phải dỡ bỏ thuế đối với mặt hàng thép và nhôm.

Theo đánh giá của giới quan sát thì Mỹ đã vội vàng trong việc cố gắng phê chuẩn những điểm cập nhật của NAFTA khi cả Mỹ, Mexico và Canada đều sẽ sớm thúc đẩy việc phê chuẩn trong mùa hè này. Theo Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ - Chuck Grassley, những kết quả bất lợi trong quá trình đàm phán để đạt được thỏa thuận đã buộc Tổng thống Mỹ phải dỡ bỏ các loại thuế, mặc dù cho đến nay tổng thống Trump vẫn tỏ ra miễn cưỡng với điều này.

Hiện tại Mỹ và EU đang cố gắng để tránh xung đột thương mại leo thang. Năm ngoái, sau khi Tổng thống Trump áp thuế lên mặt hàng thép và nhôm từ khu vực châu Âu, EU cũng đã tăng thuế trên 2,4 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, cụ thể là đối với mặt hàng rượu whisky và xe máy. Tổng thống Trump hiện đang phải đương đầu với quyết định có tăng thuế đối với 53 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu đối với mặt hàng ô tô vào ngày 18/5 tới hay không.

Theo bà Cecilia Malmstroem - ủy viên thương mại EU thì Mỹ có thể trì hoãn kế hoạch này khi đang phải tập trung giải quyết các vấn đề với Trung Quốc. EU cũng đã chuẩn bị giải pháp trả đũa mới nếu Trump quyết định tăng thuế. Mặc dù vậy, nước Mỹ vẫn muốn đạt được thỏa thuận thương mại với EU, các quan chức của EU cũng vẫn thể hiện rõ quan điểm là họ không muốn điều này được đặt dưới sự đe dọa về thuế quan.

Trước đó, Tổng thống Trump đã chủ động trong việc đàm phán để đạt được thỏa thuận trực tiếp với Nhật Bản sau khi rút khỏi thỏa thuận TPP của 12 nước thành viên ngay sau khi nhậm chức vào năm 2017. Ông hy vọng đạt được thỏa thuận thương mại song phương với Nhật để có thể tăng khả năng tiếp cận thị trường của các mặt hàng nông nghiệp vào nước Nhật và chấm dứt khả năng áp thuế đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản.

Đồng thời, chính quyền Mỹ cũng hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận thương mại mới với Anh và Tổng thống Trump sẽ đề cập đến vấn đề này trong chuyến thăm nước Anh vào tháng 6 tới.