Cuộc tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump rơi vào thế "ngàn cân treo sợi tóc"

Theo Thanh Thắng/nhadautu.vn

Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái và cuộc đối đầu với Trung Quốc đang là những vấn đề đe dọa trực tiếp đến khả năng tái đắc cử tổng thống của ông Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.   Ảnh: CNN
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN

Đến giữa tháng 5, khoảng một phần tư lao động Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Đại dịch COVID-19 và hệ quả của nó đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho các nền kinh tế. Không chỉ vậy, đại dịch còn chấm dứt quãng thời gian tăng trưởng kinh tế dài nhất ở Mỹ.

Các chuyên gia nhận định rằng, những thành tựu về kinh tế của ông Trump vốn được sử dụng cho cuộc tái cử sẽ bị đại dịch COVID-19 phá vỡ hoàn toàn. Chỉ còn hơn 5 tháng nữa là đến cuộc bầu cử, song nền kinh tế nước Mỹ vẫn không thể trở lại mức tăng trưởng việc làm và thu nhập trước khi COVID-19 bùng phát ở Mỹ, ngay cả khi nền kinh tế sớm mở cửa trở lại.

Mối đe dọa thực sự đối với cuộc tái đắc cử của ông Trump không chỉ nằm ở những 'bước nhảy vọt đáng sợ' về tỷ lệ thất nghiệp, mà chính là việc những người thất nghiệp đó đang sinh sống tại đâu. Theo số liệu thống kê, các bang chiến trường hiện là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với số lượng người thất nghiệp ngày càng tăng.

Các bang chiến trường chính là những nơi sẽ quyết định kết quả của cuộc bầu cử vào tháng 11. Phần lớn những người ủng hộ ông Trump đều sống ở những bang này. Và tất nhiên, để tái đắc cử, ông Trump phải dành phần thắng từ các bang này.

Vì vậy, mọi thứ đã thay đổi sang mức đáng báo động cho Tổng thống Donald Trump. Đến giữa tháng 5, theo dữ liệu từ Bộ Lao động, các bang chiến trường này đang có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất. Ví dụ, tỷ lệ thất nghiệp của Wisconsin đạt hơn 13%, trong khi tại Ohio là hơn 14%. Các con số thậm chí còn cao hơn ở Pennsylvania và Georgia, nơi tỷ lệ thất nghiệp chiếm khoảng 25% lực lượng lao động.

Khi mức độ nghiêm trọng của sự suy thoái kinh tế trở nên rõ ràng, phản ứng của ông Trump đã thay đổi từ sốc sang giận dữ. Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rằng Mỹ không bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát COVID-19, bác bỏ các cảnh báo về sự nguy hiểm của nó và cuối cùng bắt đầu 'trò chơi' đổ lỗi sau khi virus lây lan trên toàn quốc.

Ông Trump đã tấn công WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và tuyên bố sẽ cắt nguồn tài trợ của Mỹ cho tổ chức này. Tổng thống tiếp tục gọi các công ty Mỹ bán thiết bị y tế cho nước ngoài là không yêu nước, và quyết định ngăn cản họ xuất khẩu bất cứ thứ gì được coi là đồ dùng thiết yếu.

Nhưng rõ ràng nhất, đó chính là việc ông Trump đã tấn công Trung Quốc. Tổng thống Mỹ công khai gọi COVID-19 là virus Trung Quốc và tán thành thuyết âm mưu rằng virus này được sản xuất trong phòng thí nghiệm vũ khí sinh học ở Vũ Hán.

Ông cũng so sánh sự bùng phát COVID-19 với Trân Châu Cảng, với ý nghĩa rằng COVID-19 cũng là một cuộc tấn công có chủ đích vào Mỹ. Vào ngày 12/5, ông Trump đã ra lệnh cho quỹ hưu trí chính phủ liên bang không đầu tư vào các công ty Trung Quốc, với lý do ảnh hưởng đến các lệnh trừng phạt trong tương lai đối với Bắc Kinh.

Giới chuyên gia cho rằng, trên thực tế, ông Trump đang hướng dư luận sang một kẻ thù bên ngoài nhằm đánh lạc hướng cử tri, qua đó giấu diếm sự thất bại của chính quyền trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Một chiến thuật như vậy liệu có thể thành công? Việc tập trung vào Trung Quốc sẽ có lợi thế về tính liên tục. Ông Trump đã phát động một cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc ngay sau khi trở thành tổng thống. Và nếu cộng đồng có thể tin rằng Trung Quốc đang tìm cách làm suy yếu nền kinh tế Mỹ bằng cách thao túng thương mại toàn cầu, thì việc nước này tiếp tục nhắm vào Mỹ cũng là điều không quá ngạc nhiên.

Tuy nhiên, việc tập trung mạnh cuộc tấn công vào Trung Quốc sẽ đi kèm với những rủi ro mới. Trước đây, ông Trump đã tuyên bố mình đang chiến đấu để bảo vệ Mỹ khỏi các mối đe dọa và các mục tiêu của ông luôn thay đổi từ ngày này sang ngày khác.

NATO đã bị Tổng thống Donald Trump cáo buộc về việc liên minh đang chất mọi gánh nặng chi tiêu quốc phòng lên Mỹ. Sau đó, đến lượt các nhà sản xuất ô tô châu Âu và Nhật Bản trở thành mục tiêu liên quan đến vấn đề cạnh tranh không lành mạnh với các đối tác Mỹ…

Và tất nhiên, ông Trump cũng đã quyết định đổ lỗi cho Trung Quốc về những tai ương của Mỹ. Nhưng điều này sẽ khó thành công nếu không có một kết quả cụ thể.

Khi chỉ có Trung Quốc 'so găng' với Mỹ, việc so sánh giữa hai bên là rất dễ thực hiện và xác minh. Mặc dù vậy, những người ủng hộ ông Trump sẽ khó có thể hiểu được tại sao Trung Quốc có số ca tử vong COVID-19 được báo cáo ít hơn so với Mỹ, mặc dù dân số của nước này lớn hơn gấp bốn lần.

Ngoài ra, họ cũng sẽ đặt câu hỏi là tại sao lại thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm y tế và thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) ở Mỹ, trong khi Trung Quốc đang xuất khẩu hàng tỷ USD vật tư y tế trên toàn thế giới.

Trong vài tháng nữa, các cử tri sẽ nhận thấy sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc so với Mỹ và điều này chắc chắn sẽ gây thêm bối rối cho nhiều người ủng hộ ông Trump về những gì tổng thống đã hứa. Ngoài ra, Trung Quốc cũng không có dấu hiệu lùi bước trước một cuộc đối đầu căng thẳng với Mỹ.

Ông Trump sẽ ngày càng khó giấu diếm những người ủng hộ cốt lõi của mình về việc ông không thể đối đầu với Trung Quốc, cùng với thực tế tỷ lệ thất nghiệp đang làm tổn thương hầu hết đến những cử tri vốn trông cậy vào Tổng thống Trump để bảo vệ họ

Thậm chí, khi tập trung cuộc tấn công vào Trung Quốc, ông Trump có thể đã vô tình cung cấp các bằng chứng rõ ràng về thất bại của mình trong việc làm cho "nước Mỹ vĩ đại trở lại", qua đó phá hỏng cơ hội tái đắc cử của ông.