Cứu nền kinh tế, Trung Quốc giảm thuế 850 mặt hàng, mở cửa thị trường điện, viễn thông
Theo thông tin từ Bộ Tài chính Trung Quốc, nước này sẽ giảm thuế nhập khẩu áp trên hàng loạt sản phẩm, từ thịt heo đông lạnh cho tới quả bơ và thiết bị bán dẫn, kể từ đầu năm tới.
Cụ thể, Ủy ban Thuế quan của Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 23/12 thông báo, Trung Quốc sẽ điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với 850 mặt hàng từ ngày 1/1/2020, trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa, khi nền kinh tế đang trên đà giảm tốc dưới sức ép từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
"Nhằm tích cực xúc tiến mở rộng nhập khẩu, tăng cường tiềm năng và tối ưu hóa cơ cấu nhập khẩu, từ ngày 1/1/2020, Trung Quốc sẽ áp mức thuế tạm thời đối với hơn 850 danh mục hàng hóa. Mức thuế mới sẽ thấp hơn mức thuế dành cho các nước đang hưởng quy chế thuế quan tối huệ quốc (MFN)", thông báo nêu rõ.
Được biết, trong năm 2019, Trung Quốc đã áp dụng thuế quan tạm thời thấp hơn thuế MFN đối với 706 nhóm sản phẩm. Còn trong đợt điều chỉnh lần này, thuế quan đối với quả bơ đông lạnh sẽ giảm từ 30% còn 7%, và mức thuế đối với thịt heo đông lạnh nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ giảm còn 8%, từ mức 12% theo thuế MFN.
Giải pháp này được cho là sẽ giúp hỗ trợ tích cực nguồn cung cho thị trường Trung Quốc, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ nạn dịch tả heo châu Phi. Hãng tin Reuters dẫn số liệu cho biết, 40% lượng heo nuôi tại nước này đã bị tiêu hủy từ năm 2018 do dịch tả heo châu Phi, đẩy giá thịt heo lên cao ngất ngưởng.
Đặc biệt, thuế quan đối với một số loại thuốc chữa bệnh hen suyễn, tiểu đường và nhiều sản phẩm bán dẫn đa linh kiện sẽ giảm về 0%. Một số mặt hàng gỗ và giấy cũng sẽ được giảm thuế.
"Để giảm giá thành thuốc chữa bệnh, kích thích sản xuất các loại thuốc mới, thuế suất bằng 0 sẽ được áp dụng đối với chất alcaloid được sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn, cũng như nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất thuốc tiểu đường", thông báo viết.
Thời gian qua, Trung Quốc luôn khẳng định quan điểm giảm thuế nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Và, theo thông báo nói trên, hàng hóa từ các nước như New Zealand, Costa Rica, Thụy Sỹ, Iceland, Singapore, Australia, Hàn Quốc, Georgia, Chile hay Pakistan thậm chí sẽ có mức thuế quan còn thấp hơn nữa nhờ thỏa thuận tự do thương mại đàm phán lại với Trung Quốc. Ngoài ra, một số sản phẩm công nghệ thông tin cũng sẽ được giảm thuế nhiều hơn kể từ ngày 1/7/2020.
Đợt điều chỉnh thuế quan lần này, tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc chiến thương mại với Mỹ, song cũng phần nào thể hiện cam kết của Bắc Kinh về việc sẽ tiếp tục mở cửa thị trường trong tiến trình đi đến một thỏa thuận thương mại chung với Washington, nhất là sau khi hai bên đạt "thỏa thuận thương mại giai đoạn một".
Cùng ngày, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ mở cửa hơn nữa các thị trường điện, viễn thông và dầu mỏ cho nhà đầu tư tư nhân. Theo đó, chính phủ cam kết sẽ đối xử với các công ty tư nhân bình đẳng như với các doanh nghiệp nhà nước trong nhiều ngành công nghiệp.
Cam kết cũng bổ sung một loạt biện pháp mở cửa thị trường và giảm thuế để giúp thúc đẩy kinh tế Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vừa lần đầu trải qua thời điểm tăng trưởng thấp nhất suốt 27 năm qua vào quý III/2019. Dù vậy, thông báo không cho biết những thay đổi này có được áp dụng với doanh nghiệp nước ngoài hay không.
Bắc Kinh cam kết sẽ cho phép cạnh tranh thị trường trong một số ngành công nghiệp chủ chốt như điện, viễn thông, đường sắt, dầu mỏ và khí tự nhiên. Theo đó, doanh nghiệp tư nhân lần đầu tiên sẽ được phép xây dựng các dịch vụ viễn thông cơ bản cũng như đầu tư vào lĩnh vực phân phối và phát điện.
Tuy nhiên, Chính phủ chưa đưa ra chi tiết về mức sở hữu hoặc các giới hạn khác đối với doanh nghiệp tư nhân, cũng như việc liệu nhà đầu tư nước ngoài có được phép tham gia hay không, mà chỉ nói rằng lộ trình đang được soạn thảo.
Trước đó, Trung Quốc đã chấm dứt các hạn chế đối với quyền sở hữu hoàn toàn của doanh nghiệp nước ngoài trong ngành chế tạo ô tô điện và khẳng định sẽ mở rộng sửa đổi này cho toàn bộ ngành công nghiệp ô tô vào năm 2021. Chính phủ cũng cam kết cho phép doanh nghiệp nước ngoài quyền sở hữu 100% trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và nhiều hoạt động tài chính khác.