Cứu nền kinh tế: Ưu tiên số 1 trong 100 ngày đầu cầm quyền của Obama

Theo TTXVN

Một thái độ điềm tĩnh, những khả năng nổi trội và lời hứa về những ý tưởng mới đã góp phần đưa ông Barack Obama trở thành vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ, trong bối cảnh người dân nước này đặt trọn niềm tin vào khả năng của ông có thể đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Và giờ đây dư luận cũng như các thị trường tài chính đang chờ xem liệu ông có thể thực hiện được điều này.

Khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1, ông Obama sẽ chính thức kế thừa từ người tiền nhiệm một nền kinh tế đang ngày càng lún sâu vào suy thoái, một hệ thống tài chính đang vỡ vụn, một thị trường nhà đất ảm đạm và khoản thâm hụt ngân sách lên tới hàng nghìn tỷ USD. Nhận thức rất rõ rằng việc chặn đứng đà suy giảm kinh tế là ưu tiên số 1 trong 100 ngày đầu của nhiệm kỳ Tổng thống, ông Obama ngay từ bây giờ đã bắt tay vào thực hiện sứ mệnh này. Trong chưa đầy một tuần trước khi chính thức tiếp quản Nhà trắng thay Tổng thống George W. Bush, ông Obama đã làm việc với các nhà lập pháp để soạn thảo ra một gói kích thích tài chính trị giá 825 tỷ USD và đã vận động thắng lợi cho việc chi nốt 350 tỷ USD trong gói cứu trợ 700 tỷ USD, vốn được Quốc hội Mỹ thông qua trong thời kỳ cầm quyền của ông Bush. Ông Obama cam kết sẽ hành động nhanh chóng để cải cách hệ thống điều chỉnh Phố Uôn hiện đang hoạt động lệch lạc, vốn bị cho là nguồn gốc của sự đổ vỡ trên thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn, và gây ra một loạt vấn đề dẫn đến sự đổ vỡ của nhiều công ty đầu tư từng một thời lớn mạnh, như Lehman Brothers.

Một thách thức đáng nói hơn của ông Obama lúc này là đảm bảo sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ đối với ứng cử viên cho chức Bộ trưởng Tài chính, Timothy Geithner, trong bối cảnh sự bổ nhiệm của ông này đang vấp phải trở ngại là một loạt sai sót về thuế thu nhập cá nhân của ông cũng như những nghi vấn về thẻ làm việc của một người quản gia. Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng khác mà ông Obama đang phải đối mặt là đạt tới những gì mà dư luận hy vọng ở ông, khi mà những hy vọng này đang có chiều hướng lung lay. William Keylor, Giáo sư sử học thuộc trường Đại học Boston nói: "Những hy vọng dành cho chính quyền của Tổng thống Obama đang ngày càng đi xuống. Theo nhiều cách, ông Obama được coi là người có khả năng đưa đất nước thoát khỏi những khó khăn hiện nay. Nhưng bất kể điều gì ông đạt tới cũng sẽ không được như mong đợi mà người ta đặt ở nơi ông". Ross Baker, nhà khoa học kinh tế thuộc trường Đại học Rutgers, cho rằng ngay cả khi kế hạch kích thích kinh tế được nhanh chóng phê chuẩn, nó cũng không thể mang lại kết quả trong ít nhất nhiều tháng. Ông Baker nói: "Nền kinh tế không có phản ứng với những kích thích này. Mọi người cho rằng ông có thể cứu sống nó và đưa nó phục hồi trở lại nhưng điều đó khá là không thực thế".

Ông Obama đang cố gắng để dư luận không đặt hy vọng quá lớn vào ông. Trong bài phát biểu gần đây để kêu gọi việc khẩn trương đưa ra quyết định về gói kích thích kinh tế, ông Obama đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm, cảnh báo về tỷ lệ thất nghiệp ở 2 con số, và nói với người dân Mỹ rằng cuộc khủng hoảng kinh tế lần này "không giống như những gì chúng ta từng chứng kiến", trong khi nhấn mạnh rằng những vấn đề hiện nay không thể sớm giải quyết. Thổi bùng những hy vọng dành cho ông Obama còn là sự so sánh giữa ông và Tổng thống Franklin Delano Roosevelt, người lên nhậm chức đúng vào thời điểm cuộc Đại Suy thoái đang ở thời kỳ ảm đạm nhất và đã làm được một sự thần kỳ trong "100 ngày đầu cầm quyền". Roosevelt đã thúc đẩy để 15 dự luật được thông qua tại Quốc hội ngay trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ, như một phần trong kế hoạch "New Deal", vốn giúp đưa tới phần lớn sự an toàn trong xã hội hiện đại của nước Mỹ. Giống như Roosevelt, ông Obama được ủng hộ bởi những đảng viên Dân chủ chiếm đa số trong Quốc hội và một nhiệm vụ thông thường sẽ đưa tới động lực cho chương trình hành động của ông.

Tuy nhiên, ông Keylor và các nhà sử học khác cho rằng phép so sánh với Roosevelt là quá cường điệu. Leo Ribuffo, Giáo sư sử học thuộc trường Đại học George Washington, cho rằng "nó quá khập khiễng", và lưu ý rằng khi ông Roosevelt lên nắm quyền vào năm 1933, cuộc Đại Suy thoái đã trải qua 3 năm rưỡi và tỷ lệ thất nghiệp lúc đó là 25% -cao hơn rất nhiều so với mức 7,2% hiện nay, hoặc thậm chí là cả mức dự báo 10%. Ông Ribuffo cho rằng sự suy thoái kinh tế cuối thập niên 1970-đầu 1980 có nhiều nét tương đồng với cuộc khủng hoảng hiện nay hơn là cuộc Đại Suy thoái, và cho rằng có thể các đảng viên Dân chủ coi đây là lợi ích chính trị của họ khi ngầm khuyến khích sự so sánh tình hình hiện nay với những năm 1930, để giành sự ủng hộ của dư luận đối với chương trình kinh tế của ông Obama.

Ông Obama đã đặt thời hạn giữa tháng 2/09 làm mục tiêu để thông qua gói các chương trình công tác công cộng, giảm thuế, hỗ trợ thất nghiệp và các biện pháp khác, nhằm khởi động lại nền kinh tế. Một ủy ban trong Thượng viện Mỹ đã lên kế hoạch ngày 21/1 sẽ thảo luận về đề nghị ứng cử ông Geithner làm Bộ trưởng Tài chính và trong nhiều ngày tới sẽ thảo luận về yêu cầu của ông Obama nhằm chi nốt nửa còn lại trong gói cứu trợ tài chính 700 tỷ USD. Các nhà phân tích tin rằng những ưu tiền này sẽ đẩy những vấn đề hàng đầu khác ra khỏi chương trình hành động trong nước hiện nay của ông Obama, như cải tổ hệ thống chăm sóc sức khoẻ và thông qua dự luật lớn nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, mặc dù một số đề xuất của ông Obama nhằm khuyến khích sử dụng tiết kiệm năng lượng cũng được gói gọn vào gói kích thích kinh tế.

Những cuộc thảo luận về kế hoạch kích thích kinh tế của ông Obama đã gặp phải một vài trở ngại hồi tuần trước, khi các đảng viên Dân chủ hối thúc sửa đổi lại một số đề xuất về thuế và đưa ra những dự đoán mới về mức thâm hụt ngân sách khổng lồ, vốn làm tăng thêm mối lo ngại của một số nhà lập pháp. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng gói kích thích này rốt cuộc cũng sẽ được thông qua và ông Obama đang đưa ra những tính toán chính xác trong việc đặt một số ưu tiên khác của mình về hàng sau vào thời điểm hiện nay. Ông Ribuffo cho rằng ông Obama, nổi tiếng là người có uy tín lớn, phải xác định được rõ ràng những điều có thể làm được trong khả năng của mình và tránh những hy vọng quá lớn. Nếu ông có thể làm được điều này, thông qua kế hoạch kích thích và tránh những sai sót lớn, 100 ngày đầu cầm quyền của ông sẽ được coi là thành công.