Dân phản ứng vì vụ tỷ phú Trung Quốc mua 2.700 hecta đất, Tổng thống Pháp hành động như thế nào?

Theo Thu Phương/nhadautu.vn

“Đối với tôi, đất nông nghiệp của Pháp là tài sản đầu tư chiến lược, liên quan tới chủ quyền của chúng ta. Vì vậy, không thể để các cường quốc bên ngoài mua hàng trăm héc ta đất mà không rõ mục đích của những thương vụ này”, Tổng thống Macron phát biểu trước khoảng 1.000 nông dân tại Điện Elysee hồi tháng 2.

 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định đất nông nghiệp của nước này là tài sản đầu tư chiến lược. Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định đất nông nghiệp của nước này là tài sản đầu tư chiến lược. Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 2/2018 đã cam kết áp dụng mọi biện pháp nhằm ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài mua đất nông nghiệp ở nước sau khi dư luận Pháp phản ứng trước vụ nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua 2.600 hecta đất tại vùng Allier và Indre.

“Đối với tôi, đất nông nghiệp của Pháp là tài sản đầu tư chiến lược, liên quan tới chủ quyền của chúng ta. Vì vậy, không thể để các cường quốc bên ngoài mua hàng trăm héc ta đất mà không rõ mục đích của những thương vụ này”, Tổng thống Macron phát biểu trước khoảng 1.000 nông dân tại Điện Elysee.

Ngay từ cuối năm ngoái, Hiệp hội nông nghiệp Safar của Pháp đã lên tiếng kêu gọi chính phủ can thiệp sau khi tỷ phú Hồ Khắc Cần - Chủ tịch tập đoàn Reward Group của Trung Quốc, mua đứt dần 2.600 ha đất nông nghiệp tại các vùng Indre (1.700 ha) và Allier (900 ha) ở miền trung của Pháp lần lượt chỉ trong hai năm 2016 và 2017.

Ông Macron nhấn mạnh chính quyền sẽ áp dụng các quy định bảo vệ và sẽ phối hợp với người nông dân để chấm dứt các thương vụ kiểu này.

Chỉ một ngày sau cam kết của ông Macron, Bắc Kinh đã ra tuyên bố kêu gọi Paris "tạo một sân chơi bình đẳng cho các vụ đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc".

Tỷ phú Hồ Khắc Cần hy vọng rằng những cánh đồng lúa mì ở miền trung nước Pháp sẽ giúp cung cấp bột cho 1.500 lò bánh mì ở Trung Quốc, phục vụ cho tầng lớp trung lưu nổi lên ngày càng nhanh của đất nước tỉ dân này.

Trước làn sóng chỉ trích, vị tỷ phú 57 tuổi biện hộ: "Chúng tôi đang chăm sóc khá tốt đất đai của chúng tôi và chúng tôi chỉ dùng lao động người Pháp".

Ông cũng tỏ ra bất bình trước sự phản ứng mạnh của nông dân Pháp. "Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang mua đất ở Pháp. Lẽ nào chúng tôi lại khác với người Đức hay người Anh hay sao? Chẳng phải chúng tôi, cũng như những người khác, nên khuyến khích kinh tế địa phương phát triển à?", tỷ phú Hồ Khắc Cần trả lời phỏng vấn tại Bắc Kinh.

Số liệu của Viện Doanh nghiệp Mỹ và quỹ Heritage Foundation cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực nông nghiệp ở nước ngoài đã tăng vọt kể từ năm 2010, lên tới ít nhất là 94 tỉ USD. Trong đó, đầu tư của hai năm 2016 và 2017 chiếm gần một nửa.

Các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước của Trung Quốc đã đổ tiền đầu tư để mua 9 triệu ha đất ở các quốc gia phát triển tính từ năm 2012. Tuy nhiên, sự chú ý đổ dồn nhiều nhất vào Úc, Mỹ và châu Âu trong những năm gần đây.

Năm 2016, Trung Quốc đứng vị trí thứ năm xét về những quốc gia sở hữu đất canh tác lớn nhất tại Úc. Tuy nhiên, đến năm 2017, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ hai chỉ sau Anh. Trong khi đó, Mỹ đứng ở vị trí thứ ba, theo báo ABC của Úc.

Theo một nghiên cứu được công bố hồi năm 2014 trên tạp chí Environmental Research Letters, Trung Quốc đứng đầu bảng xếp hạng những quốc gia năng động nhất trên thế giới xét về buôn bán đất. Nước này mua đất từ 33 quốc gia trong khi chỉ bán đất cho 3 quốc gia.

Không chỉ ở Pháp, đầu tháng 2 này, Australia đã thông báo một loạt quy định mới hạn chế việc người nước ngoài mua đất nông nghiệp, trong bối cảnh khắp thế giới - từ châu Phi đến Canada, đều bày tỏ lo ngại sự mở rộng của các công ty Trung Quốc ra nước ngoài.

Theo đó, đất nông nghiệp phải được chào bán cho người Úc ít nhất 30 ngày trước khi có thể được bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo người dân bản địa có đủ cơ hội để sở hữu đất.