Đầu tư ‘lướt sóng’ sẽ lên ngôi

Đầu tư chứng khoán

Phương pháp đầu tư dài hạn của Warren Buffett có thể đã lỗi thời và các NĐT cần phải tìm cho mình một cách đầu tư mới...

Chuyên gia tài chính Marc Faber, người đã khuyên các khách hàng của mình bán cổ phiếu chỉ một tuần trước khi TTCK Mỹ sụp đổ năm 1987 nói rằng, phương pháp đầu tư chứng khoán mua và nắm giữ cổ phiếu dài hạn (buy & hold) có thể sẽ không còn tồn tại nữa và bây giờ thị trường thuộc về những người mua - bán (trader) ngắn hạn. 

"Các NĐT sẽ phải chứng kiến TTCK biến động mạnh và thường xuyên, nên cố gắng không nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài từ 1 - 2 năm", Marc Faber dự đoán. "Sẽ có nhiều đợt hồi phục mạnh và cũng sụt giảm mạnh. Bạn cần hiểu rõ chu kỳ của giá. Thị trường có thể giảm 10%, nhưng sau đó có thể tăng 20%".

"Lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp là quan trọng, nhưng cũng cần phải nhận thấy phương pháp mua và nắm giữ dài hạn đang gây nhiều khó khăn cho bạn", Joe Barrato, Chủ tịch kiêm Giám đốc kinh doanh của Công ty Quản lý quỹ Arrow Funds nói. 

Thực tế, Warren Buffett đã mất rất nhiều tiền trong vòng 12 tháng qua. Giá cổ phiếu hạng A của Công ty Quản lý quỹ đầu tư Berkshire Hathaway của ông đã giảm rất mạnh, xuống dưới 100.000 USD/cổ phiếu vào cuối tháng 11, so với mức 145.000 USD/cổ phiếu một năm trước đó.

Liệu NĐT có thể tin tưởng vào Warren Buffett khi mà gần đây ông nói rằng, đã đến lúc mua vào cổ phiếu Mỹ, trong khi TTCK Mỹ lại đầy bất ổn, nhiều ngân hàng đang khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ gia tăng và nhiều tin xấu vẫn chưa bộc lộ hết? 

Sở dĩ nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, phương pháp đầu tư mang nhãn hiệu Warren Buffett đã trở lên lỗi thời là do trong nhiều tháng gần đây, giá cổ phiếu đã giảm rất mạnh cộng với sự bất ổn lớn của các TTCK, khiến nhiều NĐT tư coi việc nắm giữ dài hạn đang ngày càng không phát huy hiệu quả.

Với nhiều NĐT chứng khoán, thời gian này là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời họ, khi mà thị trường luôn bất ổn và những khoản tiết kiệm đầu tư vào cổ phiếu của họ có thể sẽ bốc hơi.

Theo các chuyên gia phân tích, một điều khá thú vị là hiện nhiều NĐT đang cố gắng tìm các lý do để giải thích cho việc vì sao cổ phiếu ngành tài chính lại mất giá quá nhiều như vậy trong 12 tháng qua. Khái niệm mua và nắm giữ, một "phát minh" của Warren Buffett, lại bị làm cho phức tạp hơn bởi nhiều NĐT, những người luôn mù quáng tin rằng, cứ mua và nắm giữ mà không quan tâm xem liệu họ đã mất bao nhiêu tiền.

Trong khi đó, Whitney Tilson, một NĐT giá trị, vẫn cho rằng, phương pháp đầu tư của Warren Buffett vẫn có ý nghĩa của nó. "Tôi cho rằng, trong bối cảnh thị trường nhiều biến động mạnh, việc nắm giữ dài hạn dựa trên giá trị công ty sẽ tốt nhất. Không ai có thể dự báo được biến động trong ngắn hạn nhưng tại thời điểm này, bạn có thể tìm thấy nhiều công ty tốt đang bị định giá thấp và rõ ràng cơ hội vượt qua sóng gió trong ngắn hạn là rất lớn", Tilson nói.

Rất nhiều bài báo và nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu, phân tích xem Warren Buffett đã lựa chọn đầu tư cổ phiếu như thế nào? Thực ra, phương pháp của Warren Buffett cũng không có gì huyền bí và chỉ dựa trên ba yếu tố cơ bản: triển vọng kinh tế, đội ngũ quản lý và giá cổ phiếu.

Thực tế, kể từ năm 1949, TTCK Mỹ đã chứng kiến 13 lần suy thoái với mức điều chỉnh giảm hơn 20% và sau mỗi lần như vậy, thị trường lại tăng mạnh hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia đều khuyên NĐT không nên áp dụng một cách máy móc, vì những gì trong quá khứ có thể sẽ không thể hiện những gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Theo thống kê, tỷ lệ bán khống trên TTCK Mỹ trong nửa cuối tháng 11/2008 đã tăng 2,2% trên sàn NYSE và tăng 1,17% trên sàn Nasdaq so với nửa đầu tháng 11, do các NĐT tin rằng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Các nhà bán khống là những người vay cổ phiếu và bán chúng thời điểm đó, vì họ tin rằng, giá cổ phiếu sẽ còn giảm và khi đó sẽ mua lại với giá rẻ hơn và trả cho người cho vay.