Dịch viêm phổi Vũ Hán ảnh hưởng gì đến kinh tế Trung Quốc và thế giới?
Sự cô lập của Trung Quốc trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan ngày càng nhanh, đang ảnh hưởng mạnh đến kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng về y tế của Trung Quốc đang là một 'phép thử' cho toàn bộ hệ thống kinh tế toàn cầu.
Dịch viêm phổi do virus Corona - hiện đã lây nhiễm cho hơn 17.000 người, đã phá vỡ chuỗi cung ứng và thương mại trên toàn thế giới đồng thời buộc các công ty đa quốc gia phải đưa ra những quyết định khó khăn trong bối cảnh thông tin liên quan bị hạn chế.
Các chính phủ ở Châu Âu, Châu Á và Mỹ đang thực thi các quy định mới nhằm ngăn chặn du khách từ Trung Quốc, trong khi các hãng hàng không lớn đình chỉ các chuyến bay đến nước này. Ngoài ra, các công ty đa quốc gia cũng đã rút các giám đốc điều hành nước ngoài và nhân viên của họ ra khỏi Trung Quốc.
Mới đây, Apple đã cho biết họ sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng và văn phòng công ty tại Trung Quốc cho đến ngày 9/2. Điều này sẽ khiến công ty phải đối mặt với việc ngừng hoạt động các nhà máy sản xuất linh kiện cho các sản phẩm mà họ bán trên toàn thế giới.
Cuộc khủng hoảng về y tế của Trung Quốc đang là một 'phép thử' cho toàn bộ hệ thống kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia kinh tế cho rằng cuộc khủng hoảng này cũng là một bài kiểm tra sức mạnh của Trung Quốc và khả năng vượt lên của Mỹ khi Trung Quốc có khả năng bị tụt lại.
Levi Strauss & Co., vào tháng 10 đã mở cửa hàng lớn nhất Trung Quốc tại thành phố Vũ Hán, trung tâm của đại dịch. Nhưng giờ thì đây cũng chính là một trong những thương hiệu quốc tế, bao gồm cả McDonald và Starbucks đóng hàng ngàn cửa hàng trên khắp đất nước, nhằm tuân thủ các yêu cầu của chính phủ Trung Quốc.
Các nhà máy tại Trung Quốc đúng ra sẽ chỉ ngưng nghỉ vài ngày trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, giờ thì những doanh nghiệp có nhà máy tại nước này đang phải xem xét tới kế hoạch đóng cửa nhà máy trong nhiều tuần. Đó là viễn cảnh mà các ông lớn sẽ không hài lòng vì nó sẽ đe dọa đến các kế hoạch sản xuất của Apple, cũng như Tesla và Anheuser-Busch InBev SA.
Nhu cầu về dầu thô đã giảm kể từ khi Trung Quốc thông báo dịch bệnh do virus Corona gây ra. Trước tình hình đang ngày càng căng thẳng, Ả Rập Xê-út - lãnh đạo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, đã buộc các thành viên khác phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào thứ tư, các quan chức OPEC nói.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và thành phố Vũ Hán - khởi nguồn của dịch bệnh, cũng là một trong những trung tâm dầu khí quan trọng của nước này. Hai khách hàng lớn của Ả Rập Xê-út, China National Chemical Corp và công ty lọc hóa dầu Hengli đang giảm nhu cầu mua hàng của họ trong thời gian gần đây.
Thị trường chứng khoản Trung Quốc đã giảm mạnh khi mở cửa trở lại vào sáng thứ hai kể từ ngày 23/1, sau thời gian nghỉ Tết kéo dài. Tại sàn Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite giảm 7,31% trong ngày giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý. Tại sàn Thẩm Quyến, chỉ số Shenzhen Component sụt giảm 7,48% còn chỉ số Shenzhen Composite mất 7,749%. Ngoài ra, các ngành bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng và vận tải cũng đã dẫn đầu danh sách những cổ phiếu bị sụt giảm nhiều nhất.
Các thị trường bên ngoài Trung Quốc, bao gồm Mỹ, cũng đã bị ảnh hưởng trước sự bùng phát của dịch bệnh và những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu. Vào thứ sáu, chỉ S&P 500 đã chứng kiến ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 8, trong khi chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm mạnh khoảng 600 điểm.
Trong một động thái mạnh mẽ, các hãng hàng không bao gồm American Airlines, Delta Air Lines và United Airlines vào ngày thứ sáu đã tạm thời đình chỉ các chuyến bay đến Trung Quốc, khi khách du lịch đã hủy bỏ kế hoạch đi du lịch của họ.
Chính phủ Singapore cho biết họ sẽ cấm tất cả du khách đến từ Trung Quốc, trong khi gây áp lực lên Hong Kong trong việc đóng cửa biên giới với đại lục.
Kể từ khi virus xuất hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, thành phố lớn nhất ở miền trung Trung Quốc vào cuối tháng 12, nó đã giết chết hơn 362 người, chủ yếu ở Trung Quốc. Trường hợp tử vong đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đã được báo cáo ở Philippines vào cuối tuần này.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết chủng virus mới này dường như ít gây chết người hơn SARS - loại virus đã giết chết khoảng 10% số người nhiễm bệnh. Cho đến nay, chỉ khoảng 2% số người nhiễm virus Corona mới đã chết.
Vào ngày thứ 7 tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và các cơ quan khác đã cam kết sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế. Phó chủ tịch của Ủy ban điều tiết bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc đã chỉ ra những nền tảng kinh tế vững chắc ở nước này và dự đoán bất kỳ sự yếu kém nào của thị trường sẽ chỉ là ngắn hạn và tạm thời.
Một thập kỷ rưỡi trước, khi dịch SARS gây chấn động thế giới, Trung Quốc tại thời điểm đó chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong nền kinh tế toàn cầu. Ngày nay, nước này chịu trách nhiệm cho gần một phần năm GDP toàn cầu.
Nền kinh tế của Trung Quốc từ lâu đã bị chậm lại. Gần đây, các nhà kinh tế đã lạc quan dự đoán về sự tăng trưởng của Trung Quốc khi Washington và Bắc Kinh đã kêu gọi đình chiến trong cuộc chiến thương mại hai năm của họ. Tuy nhiên, tình hình hiện đang thay đổi nhanh chóng khi các hoạt động công nghiệp và nhu cầu chi tiêu của người dân Trung Quốc chậm lại.
Mười nhà kinh tế được khảo sát bởi Tạp chí Phố Wall đã hạ thấp kỳ vọng của họ đối với tăng trưởng quý đầu tiên của Trung Quốc hơn 1% xuống mức trung bình 4,9%. Những dự báo trên đã được thực hiện vài giờ trước khi các hãng hàng không Mỹ ra thông báo đình chỉ chuyến bay đi Trung Quốc.
Các nhà kinh tế còn lưu ý rằng, tăng trưởng quý đầu tiên của Mỹ sẽ chịu những ảnh hưởng không hề nhỏ do mất một lượng lớn khách du lịch từ Trung Quốc. Tuy nhiên virus này có thể không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng trong thời gian dài hạn đối với Mỹ.
Nhưng điều đó có thể thay đổi nếu sự bùng phát của virus Corona không sớm được ngăn chặn và dịch bệnh lây lan rộng hơn.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu vào ngày 23/1, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra lệnh phong tỏa giao thông vô thời hạn xung quanh trung tâm tỉnh Hồ Bắc như một biện pháp cứng rắn để ngăn chặn chủng virus mới có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán. Lệnh phong tỏa bao gồm một khu vực rộng lớn với khoảng 60 triệu dân, trong khi các quy định khác trên toàn quốc nhằm mục đích giữ người dân ở trong nhà.
Vào ngày 31/1, Chính phủ Mỹ đã tuyên bố rằng họ sẽ tạm thời cấm người nước ngoài nhập cảnh vào Mỹ nếu họ đã từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua. Quyết định này của chính quyền ông Donald Trump sẽ ngăn chặn hiệu quả bất kỳ công dân nước ngoài nào đã đến Trung Quốc trong vòng hai tuần qua, ngoại trừ các công dân Mỹ thường trú và gia đình của họ.
Tạp chí Phố Wall cho biết, một số giám đốc điều hành thuộc các công ty đa quốc gia đã thông báo cho nhân viên của họ về việc lưu ý những cảnh báo của WHO và hạn chế đi lại đến Trung Quốc. Các công ty tư vấn như Ernst & Young và KPMG đều khuyên nhân viên của họ nên ở nhà trong vài tuần sau khi đi du lịch về từ Trung Quốc.
Những dự báo về chi phí tổn thất của cuộc khủng hoảng là không thể. Năm ngoái, WHO cho biết trong một báo cáo rằng họ đã theo dõi 1.483 sự kiện dịch bệnh ở 172 quốc gia trong giai đoạn 2011-2018. Những tổn thất "tốn kém nhất" lịch sử gần đây bao gồm 40 tỷ USD do SARS năm 2003 và 55 tỷ USD trong năm 2009 do đại dịch cúm lợn khi cả hai đều liên quan đến Trung Quốc. Ngoài ra, WHO còn cho biết dịch Ebola ở Tây Phi từ 2014 đến 2016 đã gây thiệt hại 53 tỷ USD trong các tác động về kinh tế và xã hội.
Khi dịch SARS tấn công, nền kinh tế Trung Quốc lúc đó đang trên đà phát triển, với số lượng khách du lịch nước ngoài và giao dịch tăng trưởng nhanh, nhưng đây chỉ là nền kinh tế lớn thứ sáu. Trong khi ngày nay, Trung Quốc lại đứng thứ 2 về GDP và thứ nhất về thương mại thế giới. Chính phủ nước này cho biết hiện có khoảng 150 triệu chuyến tàu vận chuyển quốc tế hàng năm. Bảy trong số 10 cảng bận rộn nhất trên thế giới là ở Trung Quốc, theo số liệu của Liên Hợp Quốc.
Trong thời gian bùng phát dịch SARS, hầu hết các nhà máy và trường học Trung Quốc vẫn mở, và đóng góp của quốc gia này vào GDP toàn cầu chỉ dưới một nửa giá trị của nó ngày nay, theo dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Một số thảm họa trong quá khứ, bao gồm lũ lụt ở Thái Lan vào năm 2011 và trận động đất cùng năm đó ở Fukushima, Nhật Bản, đã dẫn đến những thay đổi lâu dài đối với chuỗi cung ứng, ngay cả sau khi các vấn đề đã được khắc phục tức thời.
Một số công ty quốc tế thậm chí đã tìm cách rút ra khỏi Trung Quốc trước khi virus bùng phát, do căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đã nóng lên trong những năm gần đây và chi phí lao động ở Trung Quốc đã tăng lên.
Hiện tại, hàng trăm triệu người Trung Quốc đang phải miễn cưỡng rời khỏi nhà của họ, qua đó làm sụt giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước. Nỗi sợ hãi đang gia tăng khiến các công ty đứng ngoài cuộc có thể gặp khó khăn, đặc biệt là nếu công nhân không quay trở lại, hoặc chính phủ gia tăng thêm thời gian đóng cửa các nhà máy và làm trì trệ các hoạt động kinh doanh.
Cuộc tấn công cùng lúc đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng chắc chắn sẽ làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu, mặc dù chính phủ nước này đã cam kết thỏa thuận mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong hai năm tới như một điều kiện bắt buộc.
Ông Chen Long, thuộc công ty nghiên cứu Plenum có trụ sở tại Bắc Kinh đã dự đoán rằng tăng trưởng của Trung Quốc thậm chí sẽ giảm xuống 2% trong quý đầu tiên. "Sự ảnh hưởng trong quý đầu tiên sẽ là rất đáng kể", ông Chen cho biết.
Tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2020 nói chung đã được dự báo sẽ chậm hơn so với năm ngoái ở mức 6.1%, mức thấp nhất trong ba thập kỷ, khi nhiều nhà phân tích phát biểu sau thời điểm thỏa thuận thương mại được hoàn tất.
Doanh số bán lẻ hiện có thể mở rộng chỉ 3% đến 4% trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn mức tăng trưởng 8% hàng năm trong tháng 12, theo chuyên gia kinh tế ING Iris Pang.
Ngoài ra, thất nghiệp và lạm phát có thể sẽ xảy ra. Hồ Bắc là một trong sáu tỉnh miền trung cung cấp một phần ba số lao động di cư đến các vùng khác của đất nước, và bây giờ nhiều người trong số đó không thể di chuyển ra ngoài khu vực sinh sống.
Huang Yiping, cựu cố vấn ngân hàng trung ương Trung Quốc, cảnh báo rằng nếu chỉ 5% nhân viên của ngành dịch vụ Trung Quốc mất việc, điều đó có nghĩa là mất 20 triệu việc làm. Giá tiêu dùng cao hơn sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát thực phẩm vốn đã bị ảnh hưởng bởi cơn sốt thịt lợn, ông Zhang Ming, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cảnh báo.
Những thách thức về nguồn cung thực phẩm của Trung Quốc lại tiếp tục được gia tăng khi cúm H5N1 được báo cáo vào chủ nhật bởi Bộ Nông nghiệp. Dịch bệnh này đã xuất hiện ở tỉnh Hồ Nam, gây nhiều khó khăn cho các nhà chăn nuôi gia cầm gần Vũ Hán.