Đông Nam Á và tham vọng "công xưởng thế giới"


Khi làn sóng các doanh nghiệp tháo chạy khỏi Trung Quốc thì các quốc gia Đông Nam Á lại đang có một cuộc cạnh tranh ngầm nhằm thu hút FDI.

ASEAN – Ngư ông đắc lợi!

Khi làn sóng các doanh nghiệp tháo chạy khỏi Trung Quốc nhằm tránh những tác động từ cuộc chiến thương mại, thì các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam....có một cuộc cạnh tranh ngầm với mong muốn trở thành "công xưởng của thế giới" thay cho Trung Quốc.

Các quốc gia này đã không ngần ngại đưa ra các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn. Chẳng hạn Thái Lan hay Malaysia ưu đãi cụ thể về thuế quan, trong khi Indonesia cũng đang xem xét để áp dụng các biện pháp tương tự. Những nỗ lực của các quốc gia này có khả năng sẽ thay đổi mạnh mẽ mạng lưới chuỗi cung ứng tại châu Á trong thời gian tới.

Vào tháng 9 vừa qua, Thái Lan đã phê duyệt gói ưu đãi giảm một nửa thuế dành cho các tập đoàn nước ngoài  - những tập đoàn hứa sẽ đầu tư ít nhất 1 tỷ baht (33 triệu USD) vào các lĩnh vực quan trọng của quốc gia này như điện tử, công nghệ cao hay hoá sinh. Ngoài ra, các dự án này phải được triển khai trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2021.

Thái Lan đã tung ra các ưu đãi mới để thu hút các nhà sản xuất nước ngoài.
Thái Lan đã tung ra các ưu đãi mới để thu hút các nhà sản xuất nước ngoài.

Đây là những lĩnh vực đang được xem là trọng điểm trong Hành lang kinh tế phía Đông (EEC), khu vực phục hồi công nghiệp đang được hình thành trên vùng biển phía đông của Thái Lan. EEC là một trong những đại dự án nằm trong Chiến lược phát triển quốc gia 20 năm, nhằm tạo ra bước đột phá để đưa nước này thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp nội địa Trung Quốc cũng đang chuyển hướng đến Thái Lan để tránh tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Thái Lan đã ngay lập tức có những động thái đón chào làn sóng này. Theo dự báo của chính phủ Thái Lan, nguồn đầu tư từ Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 30% trong năm nay, lên mức 71.5 tỷ baht.

Cụ thể, Thái Lan đã cho xây dựng một khu công nghiệp nhằm phục vụ các doanh nghiệp Trung Quốc. CP Land - đơn vị bất động sản của tập đoàn lớn nhất Thái Lan Charoen Pokphand Group sẽ hợp tác cùng với nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Quảng Tây nhằm xây dựng khu vực này. Trước đó, vào tháng 4, nhà sản xuất lốp xe Prinx Chengshan đã quyết định xây dựng một nhà máy trị giá 600 triệu đô la tại Trung Quốc.

Không chịu thua kém, Malaysia tháng trước đã thông qua một loạt các gói ưu đãi  thuế và tài chính có trị giá lên tới 1 tỷ ringgit (240 triệu đô la) dành cho các tập đoàn và các công ty khởi nghiệp lớn của nước ngoài đầu tư tại quốc gia này. Các gói ưu đãi này sẽ có giá trị trong vòng năm năm.

Theo số liệu của chính phủ Malaysia, trong nửa đầu năm 2019, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Malaysia tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, lên 49,5 tỷ ringgit, Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ được cho là một yếu tố chính của sự đột biến này.

Ngay lập tức, Malaysia chớp thời cơ và đưa ra các ưu đãi bổ sung được thiết kế riêng nhằm thúc đẩy các khoản FDI, từ đó tạo cơ hội đưa Malaysia trở thành một quốc gia phát triển. Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng cho biết, dòng vốn FDI này sẽ làm phong phú chuỗi cung ứng và tạo ra khoảng 100.000 việc làm chất lượng cao trong vòng 5 năm.

Indonesia - thành viên đông dân nhất trong khối ASEAN, cũng đang tìm cách tham gia cuộc chiến thu hút đầu tư này. Vào cuối tháng 10, Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh cho một thứ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề kinh tế nghiên cứu và tham vấn các chính sách nhằm tối đa hóa vị thế của Indonesia trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.

Việt Nam cần làm gì để tận dụng ưu thế của mình?

Việt Nam vốn được xem là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung. Theo một khảo sát của Ngân hàng Thế giới, trong số 33 công ty Trung Quốc đã công bố kế hoạch chuyển sản xuất ra nước ngoài trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 vừa qua, có tới 23 công ty đã chọn Việt Nam.

Tập đoàn bán lẻ Lotte là một trong những cái tên rời Trung Quốc đến Việt Nam
Tập đoàn bán lẻ Lotte là một trong những cái tên rời Trung Quốc đến Việt Nam

Dòng vốn đầu tư ồ ạt của doanh nghiệp Trung Quốc đã giúp tổng sản phẩm quốc dân của Việt Nam tăng trưởng hơn 7% trong quí III so với cùng kì năm ngoái. Trong khi xuất khẩu từ Đài Loan và Malaysia đều chững lại thời gian gần đây, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 7,31% trong quí III, cao hơn mức 6,73% trong quí II.

Một phần sức hấp dẫn của Việt Nam đến từ chi phí lao động thấp. Đối với công nhân trong lĩnh vực sản xuất, vào tháng 1/2014, chi phí lao động ở Bangkok đã cao gấp 2,4 lần so với ở Hà Nội, theo Tổ chức Thương mại Đối ngoại Nhật Bản. Còn Kuala Lumpur cao gấp 2,8 lần so với Hà Nội.

Mặc dù Việt Nam có nhiều thế mạnh về giá thành nhân công rẻ, hay thể chế chính trị ổn định, nhưng so với các nước trong khu vực thì việc liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam lại khá hạn chế. Thống kê cho thấy, hiện chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 30% và ở Malaysia là 46%.

Theo ông Nguyễn Hoa Cương - Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì ngoài việc thiếu vốn thì doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam còn nhiều điểm yếu như: Kế hoạch kinh doanh thiếu tính chiến lược lâu dài, thiếu tính minh bạch nên khó tiếp cận với nguồn hỗ trợ. 

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Thịnh - Giám đốc Công ty TNHH Tiến Thịnh cho biết, các tổ chức lớn đều có chuỗi cung ứng riêng, khi di dời nhà máy sang Việt Nam, họ đều dịch chuyển cả chuỗi, cũng như không muốn chấp nhận nhà cung cấp mới. Nếu chấp nhận nhà cung cấp dịch vụ mới, họ phải đánh giá lại từ đầu và thường mất từ 2-3 năm để hoàn tất các thủ tục.

Để được tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn, doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua 2 yếu tố là chất lượng và giá thành. Các đơn vị mua hàng thường lấy giá tại Trung Quốc, gần như rẻ nhất thế giới để mua giá toàn cầu.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ, chuỗi cung ứng bị đứt nhiều đoạn, không đạt yêu cầu về giá. Để phát triển sản xuất phải vay vốn ngân hàng, mà các ngân hàng Việt Nam chỉ cho vay khi có tài sản thế chấp.

Trong bối cảnh đó, việc mở rộng tài trợ chuỗi cung ứng được xem là một giải pháp hữu ích, không chỉ giúp các thành viên trong chuỗi cải thiện khả năng cạnh tranh, thu được lợi ích tối đa, mà còn tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kiểm soát được dòng tiền, làm cơ sở mở rộng tín dụng với khách hàng tham gia chuỗi cung ứng.