Dự báo triển vọng thị trường toàn cầu

PV.

“Fed có khả năng tăng lãi suất ba lần trong năm 2018; ECB tiếp tục rút gói kích cầu chính sách; BoJ không thay đổi ở thời điểm hiện tại; Trung Quốc giữ chính sách tổng thể ổn định và tập trung giảm đòn bẩy dư thừa”, là những dự báo của Standard Chartered Bank đưa ra tại Báo cáo Triển vọng thị trường toàn cầu công bố mới đây.

Khẳng định thị trường toàn cầu đã và đang dần “ấm lên”, tiếp tục chuyển đổi từ kịch bản trì trệ sang phục hồi chính sách tiền tệ, Standard Chartered Bank kỳ vọng thị trường tài chính tiền tệ thế giới năm 2018 sẽ có nhiều diễn biến tích cực.

Cắt giảm thuế giúp Mỹ tăng lạc quan

Theo Standard Chartered Bank, chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ đã thúc đẩy đáng kể tốc độ tăng trưởng và kỳ vọng lạm phát năm 2018 và dự báo tăng trưởng cho năm 2019.

Nhấn mạnh việc cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và thị trường lao động tiếp tục tốt sẽ khích thích tăng trưởng tiêu dùng trong năm 2018, tuy nhiên, Standard Chartered Bank cũng cho rằng, việc giảm thuế để nâng cao tăng trưởng và năng suất của Mỹ khó có thể duy trì lâu trong thời gian dài. Bởi vì, yếu tố quyết định là liệu đầu tư của doanh nghiệp có được đẩy nhanh và mở rộng ra ngoài lĩnh vực năng lượng sau khi đã phục hồi vào năm 2017.

Dự báo về phản ứng của Fed đối với vấn đề này, Báo cáo của Standard Chartered Bank đồng thuận với thị trường về dự báo sẽ có 03 lần tăng lãi suất với khoảng 25% trong năm 2018. “Có khả năng Fed dưới quyền của tân Chủ tịch Powell sẽ thắt chặt nhanh hơn để bù lại tác động của kích cầu tài chính”, Báo cáo phân tích.

Châu Âu tiếp tục tăng trưởng tốt

Trên cơ sở khảo sát thị trường, Standard Chartered Bank nhận định đây sẽ là năm thứ hai khu vực châu Âu tăng trưởng trên 2%. Điều kiện tiền tệ nới lỏng đang thúc đẩy tiêu dùng trong nước và đầu tư của doanh nghiệp, trong khi môi trường kinh tế toàn cầu mạnh mẽ tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu.

Báo cáo nhận định, ECB đã tự tin hơn về đà hồi phục và giới chức châu Âu đã ít lo lắng hơn về rủi ro. Tín hiệu này làm tăng khả năng ECB sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu của mình trong nửa cuối năm 2018. Tuy nhiên, Standard Chartered Bank cảnh báo, lạm phát khu vực vẫn thấp, có nghĩa là triển vọng tăng lãi suất từ mức 0% hiện tại trong năm 2018 là thấp.

Anh gia tăng triển vọng tăng lãi suất

Báo cáo của Standard Chartered Bank cho rằng, tăng trưởng của Anh có thể sẽ chậm lại trong năm thứ tư liên tiếp do lạm phát cao, điều này làm tổn hại đến sức mua và tiêu dùng – động lực chính của nền kinh tế nước này.

“Kết quả của cuộc đàm phán Brexit là yếu tố quyết định đối với bất kỳ sự hồi phục nào. Các thị trường đang đánh giá xác xuất 60% tăng lãi xuất vào tháng 5/2018, khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) chuyển trọng tâm quan sát sang lạm phát. Tuy nhiên, tiến độ đàm phán Brexit và sự ổn định của Chính phủ Anh là yếu tố chính cần theo dõi”, Standard Chartered Bank nhấn mạnh.

Năm thứ hai liên tiếp Nhật Bản tăng trưởng mạnh mẽ

Nêu quan điểm này, Hội đồng đầu tư toàn cầu của Standard Chartered Bank cho hay, các dự báo cho thấy Nhật Bản sẽ có năm thứ hai tăng trưởng trên mức tiềm năng dài hạn. Triển vọng xuất khẩu mạnh mẽ vẫn là động lực chính cho nền kinh tế và đầu tư của doanh nghiệp có khả năng ở mức cao khi các ngành công nghiệp đối mặt với rào cản tăng sản lượng.

Với việc áp lực giảm phát đã suy yếu, lạm phát vẫn đang thấp hơn mục tiêu, Standard Chartered Bank phủ nhận việc BoJ sẽ thay đổi chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm 2018.

Trung Quốc tiếp tục giảm đòn bẩy

Standard Chartered Bank tin rằng việc từ bỏ chiến lược tăng trưởng nhờ đầu tư và những nỗ lực nhằm giảm đòn bẩy trong khu vực doanh nghiệp có thể giúp Trung Quốc tăng trưởng bền vững hơn. Dự báo tăng trưởng Trung Quốc sẽ chậm lại trong năm 2018 và được hỗ trợ bởi tiêu dùng mạnh mẽ, Standard Chartered Bank kỳ vọng PBoC sẽ duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ hiện tại trong lúc tập trung vào ổn định tài chính.

Thị trường mới nổi tiếp đà hồi phục

Theo Hội đồng đầu tư toàn cầu của Standard Chartered Bank, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại trên mức 7% vào năm 2018, khi nền kinh tế nước này phục hồi từ cú sốc thay đổi hệ thống tiền tệ và ban hành thuế hàng hóa và dịch vụ.

Tuy nhiên, Báo cáo triển vọng thị trường toàn cầu cũng cho rằng, lạm phát tại quốc gia này sẽ quay trở lại và tài khóa thâm hụt có thể dẫn đến chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn. Các nợi khác tại châu Á, thị trường đang dự báo tăng lãi suất 50-60% ở Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc vào năm 2018.

Lạm phát Brazin có thể đã tạo đáy sau sóng giảm kể từ năm 2016. Điều này hạn chế khả năng cắt giảm mạnh lãi suất. Ngược lại, lạm phát của Nga tiếp tục chậm lại, cho phép ngân hàng trung ương nước này tiếp tục cắt giảm lãi suất.