EU cảnh báo không thể tránh khỏi sự gián đoạn hậu Brexit

Theo H.Thủy (Theo AFP)

EU đang lên kế hoạch xây dựng các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ quyền tiếp cận một số dịch vụ tài chính của nước Anh hậu Brexit, đồng thời cảnh báo về "sự gián đoạn không thể tránh khỏi".

EU cảnh báo không thể tránh khỏi sự gián đoạn hậu Brexit.
EU cảnh báo không thể tránh khỏi sự gián đoạn hậu Brexit.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/7 thông báo khối này đang lên kế hoạch xây dựng các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ quyền tiếp cận một số dịch vụ tài chính của nước Anh sau giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit, đồng thời cảnh báo về "sự gián đoạn không thể tránh khỏi" ngay cả khi EU đạt được một thỏa thuận với London.

Theo đó, Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, cho biết khối này sẽ công nhận các nhà thanh toán bù trừ phái sinh có trụ sở tại Vương quốc Anh. Đây là một “mắt xích” thiết yếu trong hệ thống tài chính của City of London, nơi thường thực hiện lượng giao dịch trị giá hơn 1.000 tỷ USD mỗi ngày.

Theo đề xuất của EU, những tổ chức hoàn tất các giao dịch này sẽ có giấy phép tiếp tục làm việc với các thương nhân EU sau ngày 31/12.

EC cho hay để giải quyết các rủi ro có thể xảy ra đối với sự ổn định của hệ thống tài chính, Ủy ban đang xem xét việc thông qua quyết định tương đương trong thời hạn nhất định dành cho Vương quốc Anh trong lĩnh vực này.

Hiện chưa rõ các biện pháp trên sẽ kéo dài bao lâu, nhưng Brussels cho biết cho phép các công ty châu Âu có thêm thời gian xử lý những dịch vụ quan trọng hiện đang được Sở giao dịch chứng khoán London và các nhà thanh toán bù trừ khác thực hiện.

London là “thủ đô” toàn cầu của các công cụ phái sinh. Các nhà đầu tư thường mua những công cụ này để bảo vệ bản thân trước sự thay đổi lãi suất hoặc tỷ giá hối đoái đột ngột. Trong năm 2018, thị trường phái sinh của EU được định giá ở mức 660.000 tỷ euro (tương đương 750.000 tỷ USD) - gần gấp 300 lần quy mô của toàn bộ nền kinh tế

Bên cạnh đó, thông báo của EC cũng cảnh báo rằng ngay cả khi Brussels đạt được thỏa thuận về mối quan hệ đối tác đầy tham vọng trong tương lai với London, sự gián đoạn từ ngày 1/1/2021 sẽ là không thể tránh khỏi.

EC cho hay sẽ có những thay đổi sâu rộng, mang tính tự động và dẫn tới nhiều hậu quả cho người dân, người tiêu dùng, doanh nghiệp, chính quyền, nhà đầu tư, sinh viên và nhà nghiên cứu của các bên. Do vậy, chính phủ các nước EU cần chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Theo EC, thời gian kiểm tra hải quan đối với các doanh nghiệp trong giai đoạn hậu Brexit có thể dài hơn, đồng nghĩa thời gian giao hàng trong chuỗi cung ứng cũng tăng lên và sẽ có nhiều điều luật kiểm soát hơn.

Khách du lịch Anh đến EU cũng sẽ phải trải qua "quy trình kiểm tra kỹ lưỡng" tại biên giới và sẽ không còn có thể sử dụng làn đường dành cho người có hộ chiếu EU tại các sân bay. Hộ chiếu thú cưng được cấp cho vật nuôi của người Anh cũng sẽ không còn hiệu lực.