EU hỗ trợ tài chính thúc đẩy bầu cử tại Libya

Theo Dương Thái/thanhtravietnam.vn

Phái bộ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định hỗ trợ 5 triệu euro (khoảng 6,1 triệu USD) cho Ủy ban Bầu cử quốc gia Libya.

Bà Bettina Muscheidt Trưởng Phái đoàn EU tại Libya. Nguồn: internet
Bà Bettina Muscheidt Trưởng Phái đoàn EU tại Libya. Nguồn: internet

Bà Bettina Muscheidt (Bét-ti-na Ma-xchi-ít), Trưởng Phái đoàn EU tại Libya, và ông Sultan Hajiyev (Xun-tan Ha-gi-vép) - Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), đã ký một thoả thuận tại Văn phòng UNDP Libya ở thủ đô Tunis của Tunisia. Thông qua thoả thuận này, EU đã dành khoản kinh phí 5 triệu euro cho dự án “Hỗ trợ Bầu cử cho người dân Libya (Pepol)” do Liên Hợp quốc chủ trì. Dự án này sẽ cung cấp các chương trình đào tạo cho nhân viên của Ủy ban Bầu cử quốc gia Libya về những trường hợp điển hình nhất của quốc tế trong hệ thống bầu cử và trong thúc đẩy nhận thức cộng đồng tham gia bầu cử.

Phát biểu tại lễ ký, bà Muscheidt khẳng định EU và Liên Hợp quốc đã thêm một lần nữa tích cực hỗ trợ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế để giúp Libya đạt được nền dân chủ, hòa bình và ổn định. Ông Hajiyev cũng nhấn mạnh cam kết của UNDP giúp đỡ Libya trên con đường tái thiết và xây dựng dân chủ. Thông qua Pepol, cả Liên Hợp quốc và EU đang cung cấp cho Uỷ ban Bầu cử quốc gia Libya những công cụ cần thiết để thu hút sự tham gia tích cực của người dân Libya vào tiến trình chuyển đổi dân chủ của đất nước.

Trước đó, hồi tháng 9/2017, ông Ghassan Salame (Ga-xan Xa-la-mê)  - người đứng đầu UNSMIL - đã đề xuất một kế hoạch hành động để chấm dứt khủng hoảng chính trị tại Libya. Kế hoạch này bao gồm sửa đổi thoả thuận chính trị hiện hành (do Liên Hợp quốc bảo trợ) và tổ chức các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội vào cuối năm 2018. Libya rơi vào bất ổn sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi (Mô-am-mơ Ga-đa-phi) hồi năm 2011.

Quốc gia này bị chia rẽ thành 2 chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) có trụ sở tại Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Sarraj (Phay-ét Xê-rai) lãnh đạo và một chính quyền đối lập do Tướng Khalifa Haftar (Kha-li-pha Háp-ta) hậu thuẫn đóng tại miền Đông. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị giữa Quốc hội miền Đông và chính quyền miền Tây.