EU và Mỹ: Tái khởi động đàm phán thuế quan

Theo Thái Hồng/thoibaonganhang.vn

2 nội dung chính trong tiến trình đàm phán sẽ tập trung vào vấn đề xóa bỏ các mức thuế đối với hàng hóa công nghiệp và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực pháp lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Liên minh châu Âu (EU) được xem là nút thắt thương mại cuối cùng trong hàng loạt các hiệp định thương mại đa phương và song phương mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump được yêu cầu phải xem xét, đàm phán lại với mục tiêu giảm thâm hụt thương mại. Trong đó có 2 hàng hóa mà ông Trump không ít lần nêu ra đối với các sản phẩm từ EU nhập vào Mỹ là nhôm, thép và ôtô.

Tuy nhiên, Mỹ và EU đã đạt được một thỏa thuận đình chiến thương mại sau cuộc gặp tháng 7/2018 giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker để hai bên tiến hành đàm phán. Theo đó, trong thời gian tìm kiếm các thỏa thuận, Mỹ sẽ không áp thêm bất kỳ loại thuế nào nhằm vào các sản phẩm của EU.

Mặc dù vậy, từ đầu năm 2019 trở lại đây đã có những lo ngại xuất hiện trở lại về khả năng Mỹ có thể sẽ tăng thuế với hàng hóa có nguồn gốc từ EU trong năm 2019. Trước tình hình đó, các quan chức thương mại hàng đầu của Liên minh châu Âu đang tái khởi động lại đàm phán cho một thỏa thuận thương mại Mỹ-EU đối với hàng hóa công nghiệp giữa hai quốc gia.

Cụ thể, Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom sẽ gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer vào thứ Tư (6/3) tại Washington; và Tổng thư ký Ủy ban châu Âu, Martin Selmayr, sẽ gặp Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, ông Larry Kudlow vào thứ Năm (7/3) để triển khai các cuộc thảo luận.

Theo bà Margar Margar Schina, Phát ngôn viên của EC, các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào các bước tiếp theo để thực hiện Tuyên bố chung tháng 7/2018 và về sự hợp tác của EU-Mỹ để cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo đó, 2 nội dung chính trong tiến trình đàm phán sẽ tập trung vào vấn đề xóa bỏ các mức thuế đối với hàng hóa công nghiệp và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực pháp lý. Điều này có thể giúp giải quyết vấn đề thuế quan của Mỹ đối với thép và nhôm châu Âu cũng như có thể ngăn chặn mối đe dọa về thuế quan của Mỹ đối với ô tô và phụ tùng xe hơi do EU sản xuất.

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng đề xuất một cơ chế đánh giá phù hợp, cho phép dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan thông qua việc tạo điều kiện cho các công ty chứng minh các sản phẩm của họ đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật của cả Mỹ và EU. Hiện nay, cả Brussels và Washington đang áp dụng các quy định khác nhau về chất lượng sản phẩm, bao gồm cả quy định kiểm định, thanh tra và cấp chứng nhận.

Đây là cuộc đàm phán thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương được cho là khá gay go phức tạp.