FDI từ Đài Loan vào Trung Quốc và những vấn đề thảo luận về tích tụ FDI


Nghiên cứu này phân tích tác động của quy mô thị trường, mức sống, tốc độ tăng trưởng của thị trường, chi phí lao động và mức độ sẵn có của nguồn lao động lên quyết định đầu tư tại các tỉnh nằm ngoài vùng tích tụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ngoài ra, tác động gián tiếp của kinh nghiệm đầu tư lên mối quan hệ giữa các nhân tố thu hút vốn và quyết định vị trí đầu tư cũng sẽ được xem xét dựa trên số liệu về đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đài Loan tại Trung Quốc trong giai đoạn 1999-2010.

Lý thuyết về sự tích tụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho rằng, các công ty đa quốc gia thường lựa chọn vị trí gần nhau khi đầu tư ra nước ngoài, từ đó tạo nên sự tích tụ vốn FDI vào một số khu vực nhất định tại nước nhận đầu tư, đặc biệt là tại các nước đang phát triển với một môi trường đầu tư không chắc chắn và kém minh bạch (Filatotchev và ctg., 2007). Sự tích tụ về vốn FDI có thể được giải thích bằng nhiều lý do, cụ thể:

Thứ nhất, các công ty đa quốc gia thường có mục tiêu tương đồng khi đầu tư ra nước ngoài, do đó, họ sẽ bị thu hút bởi các địa phương có lợi thế cạnh tranh để thực hiện các mục tiêu đó.

Thứ hai, Kang và Jiang (2012) cho rằng các doanh nghiệp (DN) nước ngoài có thể giảm thiểu rủi ro về môi trường đầu tư không chắc chắn, chi phí giao dịch với đối tác trong nước không quen thuộc, chi phí tìm kiếm thông tin và nghiên cứu thị trường khi chọn địa điểm đầu tư gần nhau ở nước sở tại.

Thứ ba, các DN nước ngoài còn có thể khai thác lợi thế kinh tế tích tụ chẳng hạn như sự lan truyền kiến thức và thông tin, sự sẵn có của lực lượng sản xuất chuyên môn hóa và lợi thế về liên kết công nghiệp cả chiều dọc và chiều ngang.

Mặc dù, phần lớn các công ty đa quốc gia đều lựa chọn đầu tư vào khu vực tích tụ vốn FDI tại các nước đang phát triển, một số DN khác lại lựa chọn đầu tư vào các khu vực kém phát triển hơn nằm ngoài vùng tích tụ FDI với mục tiêu khai thác lợi thế gia nhập đầu tiên và thu được lợi nhuận cao hơn. Lý giải về điều này, Baum và Mezias (1992) cho rằng, sự tập trung của các DN sẽ làm cho sự cạnh tranh giữa các DN tương đồng về tài nguyên và thị trường mục tiêu trở nên gay gắt hơn. Do đó, các DN sẽ phải chi trả nhiều hơn cho yếu tố đầu vào hoặc đối mặt với nguy cơ lợi nhuận suy giảm do cạnh tranh…

Những điều trên có thể được né tránh khi đầu tư vào các khu vực ít được khai thác nằm ngoài vùng tích tụ vốn FDI. Chan và cộng sự (2008) cũng đồng ý với quan điểm trên khi cho rằng mức độ tập trung cao của các doanh nghiệp có thể dẫn đến những tác động tiêu cực và làm cho địa điểm nhận đầu tư mất đi lợi thế ban đầu. Ngoài ra, công ty đa quốc gia có lợi thế về tài nguyên thường né tránh việc nằm cạnh các doanh nghiệp yếu hơn do lo ngại về sự lan truyền kiến thức, kinh nghiệm cũng như việc phải chia sẻ nhà cung ứng, nhà phân phối và khách hàng (Li và Park, 2006).

Tuy nhiên có rất ít nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích xác định các nhân tố của địa phương có vai trò trong việc thu hút vốn FDI vào các tỉnh được xem là nằm ngoài khu vực tích tụ vốn FDI, đặc biệt là sử dụng dữ liệu ở quy mô doanh nghiệp. Hơn nữa, sự thiếu hụt hiểu biết về các nhân tố thu hút vốn FDI tại các địa phương vốn ít nhận được đầu tư FDI có thể gây khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách trong việc tìm ra phương thức thu hút vốn FDI vào các địa bàn kém phát triển.

Việc này còn gây trở ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài khi tìm kiếm thông tin về thế mạnh của các địa phương nằm ngoài khu vực tích tụ FDI nhằm thúc đẩy đầu tư vào các địa phương kém phát triển. Nghiên cứu được thực hiện nhằm phát hiện những nhân tố có tác động đối với quyết định đầu tư vào những khu vực kém phát triển nằm ngoài vùng tích tụ vốn FDI tại quốc gia nhận đầu tư.

Ngoài ra, tác động gián tiếp của kinh nghiệm đầu tư lên quá trình ra quyết định về lựa chọn vị trí cho dự án FDI cũng sẽ được xem xét trong ngiên cứu này bởi vì doanh nghiệp có thể dùng những tiêu chí khác nhau trong quá trình ra quyết định đầu tư tuỳ theo kinh nghiệm tích luỹ được.

Các giả thuyết nghiên cứu

Các nghiên cứu trước đây về nhân tố thu hút đầu tư hầu như đều có chung nhận định, tiềm năng thị trường bao gồm quy mô thị trường, mức sống hay tốc độ tăng trưởng của thị trường có vai trò quan trọng trong thu hút FDI.

Chẳng hạn nghiên cứu của Ang (2008) cho kết quả rằng khi quy mô thị trường tăng lên 1% sẽ kéo theo một sự gia tăng 0.95% ở FDI đầu vào. Tuy nhiên các nghiên cứu về tác động của tiềm năng thị trường đối với FDI tại các tỉnh kém phát triển và ít nhận được đầu tư vẫn còn khá hạn chế. Nghiên cứu của Korez-Vide và ctg. (2014) khi tiến hành phỏng vấn với các nhà đầu tư (NĐT) về các yếu tố được cân nhắc khi xem xét đầu tư tương lai vào các khu vực ít phổ biến với đầu tư FDI. Kết quả cho thấy, nhu cầu thị trường và tiềm năng tăng trưởng của thị trường thường được xem là ưu tiên hàng đầu của các NĐT.

Driffield và ctg. (2013), Lien và Filatotchev (2015), Huang và Wei (2016) phân tích về tác động của các nhân tố thị trường lên quyết định đầu tư FDI theo phương pháp định lượng và hầu như đều nhận được kết quả là quy mô thị trường, nhu cầu thị trường và tốc độ tăng trưởng của thị trường có mối tương quan dương với lượng FDI nhận được tại các khu vực kém phát triển và ít phổ biến đối với các nhà đầu tư từ nước ngoài. Điều này cho thấy rằng các nhà đầu tư khi di chuyển ra ngoài vùng tích tụ FDI đều có chung mục tiêu là tìm kiếm thị trường mới.

Một thị trường có quy mô lớn đồng nghĩa với nhu cầu cho hàng hoá và dịch vụ cao và cho phép các doanh nghiệp đạt được kinh tế quy mô, giảm thiểu chi phí vận chuyển và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên. Huang và Wei (2016) cho rằng, các tỉnh nằm trong khu vực tích tụ về vốn FDI thường sẽ mất đi lợi thế về quy mô thị trường bởi vì sự tập trung lớn của các các DN tại khu vực này hàm ý rằng nhu cầu tại địa phương đã được đáp ứng đầy đủ, do đó các DN đến sau sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường cũng như phải đối diện với áp lực cạnh tranh cao.

Trái lại, nhu cầu tại các địa phương nằm ngoài vùng tích tụ vốn FDI thường chưa được đáp ứng đầy đủ do sự thiếu hụt về đầu tư FDI, do đó, khi đầu tư vào khu vực này, các NĐT sẽ có cơ hội giành được lợi thế người dẫn đầu cũng như khai thác thị trường tốt hơn và nhận được lợi nhuận cao hơn do ít phải đối mặt với áp lực cạnh tranh. Tác động của tiềm năng thị trường lên quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư được thể hiện qua các giả thuyết sau:

H1: Quy mô thị trường có tương quan dương với quyết định đầu tư FDI tại các tỉnh nằm ngoài vùng tích tụ FDI.

H2: Mức sống tại địa phương có tương quan dương với quyết định đầu tư FDI tại các tỉnh nằm ngoài vùng tích tụ FDI.

H3: Tốc độ tăng trưởng của thị trường có tương quan dương với quyết định đầu tư FDI tại các tỉnh nằm ngoài vùng tích tụ FDI.

Trong khi đó, các nhân tố về thị trường lao động như: Chi phí lao động, chất lượng nguồn nhân lực hay mức độ sẵn có của nguồn lao động cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình lựa chọn vị trí đầu tư. Các nghiên cứu trước đây về tác động của nguồn lao động tại địa phương lên quyết định đầu tư vào các tỉnh kém phát triển nằm ngoài vùng tích tụ FDI thường nhận được kết quả không thống nhất.

Nghiên cứu của Danciu và Strat (2014) và Cai và ctg. (2002) cho thấy NĐT nước ngoài thường bị thu hút bởi nguồn lao động chất lượng cao tại các khu vực tập trung phần lớn vốn FDI, trái lại, họ đầu tư vào các tỉnh ngoài vùng tích tụ vốn FDI, nhằm tìm kiếm nguồn nhân lực giá rẻ và sẵn có. Huang và Wei (2016) lại không thể tìm thấy mối tương quan âm có ý nghĩa giữa chi phí lao động và quyết định đầu tư vào những khu vực kém phát triển và ít phổ biến đối với các NĐT nước ngoài.

Điều này được lý giải rằng các địa phương phát triển có thể giảm chi phí lao động và thu hút đầu tư nhờ có nguồn lao động nhập cư giá rẻ. Sự tập trung lớn của các DN tại vùng tích tụ làm tăng chất lượng nguồn lao động đồng thời cũng làm tăng chi phí phải trả cho lực lượng lao động chất lượng cao...

H4: Chi phí lao động có tương quan âm với quyết định đầu tư FDI tại các tỉnh nằm ngoài vùng tích tụ FDI.

H5: Mức độ sẵn có của nguồn lao động có tương quan dương với quyết định đầu tư FDI tại các tỉnh nằm ngoài vùng tích tụ FDI.

Ngoài ra, doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng đầu tư vào cùng một quốc gia đã đầu tư trước đó vì kinh ngiệm tích luỹ được cho phép nhà đầu tư hiểu rõ hơn về môi trường đầu tư và khai thác các nguồn lực hiệu quả hơn. Một vài nghiên cứu đã được thực hiện nhằm phân tích tác động gián tiếp của kinh nghiệm đầu tư trong quá trình ra quyết định lựa chọn vị trí đầu tư.

FDI từ Đài Loan vào Trung Quốc và những vấn đề thảo luận về tích tụ FDI - Ảnh 1

Buckley và ctg. (2016) và Huett và ctg. (2014) cho rằng kinh nghiệm đầu tư làm tăng mức độ gắn bó của nhà đầu tư đối với quốc gia nhận vốn đầu tư và thúc đẩy các quyết định đầu tư mạo hiểm hơn chẳng hạn như chuyển vị trí đầu tư từ vùng tích tụ vốn FDI đến những khu vực kém phát triển hơn và ít phổ biến với FDI. Kinh nghiệm về FDI cho phép doanh nghiệp giảm thiểu những rủi ro gắn liền với đầu tư vào một khu vực xa lạ và kém phát triển, ví dụ như chi phí tìm kiếm thông tin và nghiên cứu thị trường.

Chen và Yeh (2012) cũng chỉ ra rằng, NĐT sử dụng các tiêu chí khác nhau khi ra quyết định về vị trí đầu tư tuỳ vào kinh nghiệm họ tích luỹ được tại nước nhận đầu tư. Cụ thể, trong giai đoạn đầu, các DN nước ngoài thường lựa chọn vùng tích tụ FDI làm địa điểm đầu tư nhằm tận dụng lợi thế về lan truyền thông tin hay sự sẵn có của nguồn lao động chuyên môn hoá.

Ở giai đoạn sau của quá trình đầu tư, những DN này thường có xu hướng đầu tư ra bên ngoài vùng tích tụ FDI với mục tiêu tìm kiếm thị trường và hiệu quả. Do đó, các nhân tố thị trường bao gồm quy mô thị trường, mức sống, tốc độ tăng trường của thị trường và các nhân tố về thị trường lao động như chi phí lao động và mức độ sẵn có của nguồn lao động được kỳ vọng là sẽ có tác động mạnh hơn đến quyết định đầu tư FDI tại các tỉnh nằm ngoài vùng tích tụ FDI khi DN đã có kinh nghiệm đầu tư trước đó tại quốc gia nhận đầu tư...

H6: Kinh nghiệm FDI có tác động gián tiếp đến mối quan hệ giữa các nhân tố thu hút đầu tư và quyết định đầu tư FDI tại các tỉnh nằm ngoài vùng tích tụ FDI.

Phương pháp nghiên cứu

Khoảng 85,81% dự án FDI từ Đài Loan tập trung tại vùng bờ biển phía Nam và vùng bờ biển trung tâm trong khi khu vực này chỉ chiếm khoảng 17% dân số và 32% GDP cả nước. Điều này phản ánh rõ sự tích tụ vốn FDI tại Trung Quốc.

Dữ liệu về FDI Đài Loan tại Trung Quốc được lấy từ website của Sở giao dịch chứng khoán Đài Loan (TSEC). Các thông tin về tên các dự án đầu tư tại Trung Quốc, năm bắt đầu và vị trí của từng dự án đầu tư được thu thập từ báo cáo thường niên năm 2010 của từng công ty.

Mẫu nghiên cứu bao gồm 131 dự án FDI tại 12 tỉnh của Trung Quốc được thực hiện bởi 67 DN Đài Loan trong giai đoạn 1999-2010. Trong đó, 12 dự án FDI được xác định là nằm ngoài vùng tích tụ vốn FDI vì có vị trí tại vùng bờ biển phía Bắc và vùng nội địa. Khoảng 90,84% dự án FDI trong nghiên cứu nằm tại vùng bờ biển phía Nam và vùng bờ biển trung tâm (85,81% trong thực tế).

FDI từ Đài Loan vào Trung Quốc và những vấn đề thảo luận về tích tụ FDI - Ảnh 2

Biến phụ thuộc (OUT) là biến nhị phân thể hiện một dự án FDI có nằm ngoài vùng tích tụ vốn FDI tại Trung Quốc hay không. Biến này nhận giá trị là 0 khi dự án FDI có vị trí tại vùng bờ biển phía Nam và vùng bờ biển trung tâm bao gồm các tỉnh Chiết Giang, Giang Tô, Thượng Hải, Quảng Đông và Phúc Kiến. Trái lại, biến này nhận giá trị là 1 khi dự án FDI có vị trí nằm ngoài vùng tích tụ vốn FDI tại vùng bờ biển phía Bắc và vùng nội địa. Các biến độc lập được sử dụng trong mô hình thực nghiệm được thể hiện trong bảng 2.

Kết quả và thảo luận

Phương pháp hồi quy binary logit được thực hiện dưới dạng 5 mô hình. Mô hình (1) bao gồm 3 nhân tố thể hiện tiềm năng thị trường bao gồm quy mô thị trường (SIZE), mức sống (LIV), tốc độ tăng trưởng của thị trường (GROW). Mô hình (2) thể hiện tác động của các nhân tố về lao động bao gồm chi phí lao động (WAGE) và mức sẵn có của nguồn lao động (UNEM) lên quyết định vị trí đầu tư của các DN Đài Loan. Trong mô hình (3) tất cả các biến độc lập được đưa vào.

Kết quả cho thấy, quy mô thị trường có tác động dương lên quyết định đầu tư vào các tỉnh nằm ngoài khu vực tích tụ vốn FDI với mức ý nghĩa 1%. Trái lại, chi phí lao động lại có tương quan âm đối với quyết định lựa chọn vị trí đầu tư. Các biến LIV, GROW và UNEM đều không thể hiện được mối quan hệ có ý nghĩa với quyết định đầu tư FDI vào khu vực nằm ngoài vùng tích tụ FDI, do đó các giả thuyết H2, H3 và H5 bị bác bỏ.

Mẫu nghiên cứu được chia thành 2 nhóm dựa trên kinh nghiệm của các NĐT Đài Loan về thị trường Trung Quốc. Mô hình (4) thể hiện tác động của các nhân tố địa phương lên quyết định đầu tư của các DN đã có kinh nghiệm về đầu tư tại Trung Quốc, nói cách khác đã có ít nhất 1 dự án đầu tư tại Trung Quốc trước thời điểm ra quyết định đầu tư.

Kết quả cho thấy, biến quy mô thị trường và chi phí lao động lần lượt có tương quan dương và âm lên quyết định lựa chọn các tỉnh nằm ngoài vùng tích tụ FDI làm vị trí đầu tư, cả hai đều có ý nghĩa ở mức 1%. Mô hình (5) xem xét mối quan hệ giữa những nhân tố thu hút đầu tư tại địa phương lên quyết định vị trí đầu tư của các DN chưa có kinh nghiệm về đầu tư tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, không có mối quan hệ có ý nghĩa nào được tìm thấy. Kết quả ước lượng cho thấy quy mô thị trường và chi phí lao động chỉ có tác động lên quyết định đầu tư ngoài khu vực tích tụ FDI khi các NĐT Đài Loan đã có kinh nghiệm về đầu tư tại Trung Quốc trước đó. Do đó, giả thuyết H5 về tác động gián tiếp của kinh nghiệm đầu tưlên quyết định lựa chọn vị trí đầu tư được chấp nhận.

Thị trường rộng lớn cùng nguồn lao động giá rẻ đã trở thành nhân tố thu hút đầu tư chủ yếu của Trung Quốc. Trước khi Trung Quốc gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phần lớn vốn FDI đều tập trung tại vùng bờ biển phía Nam và vùng bờ biển trung tâm vì khu vực này có lợi thế về giao thông, liên lạc bên cạnh những chính sách mở cửa ưu đãi hấp dẫn cho NĐT.

Tuy nhiên, những khu vực này dường như mất đi lợi thế vốn có của nó trong thu hút đầu tư sau khi Trung Quốc gia nhập WTO vì chính quyền Trung Quốc đã quyết định áp dụng nhiều ưu đãi đầu tư cho các khu vực khác nằm ngoài vùng tích tụ FDI. Thêm vào đó, Chan và cộng sự (2008) cho rằng, khi nguồn vốn FDI tập trung tại một địa phương tăng tới một ngưỡng nhất định, địa phương này sẽ phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực của sự tích tụ và dần mất đi lợi thế vốn có của nó, chẳng hạn như sự gia tăng áp lực cạnh tranh và chi phí lao động tại các tỉnh tập trung nhiều FDI.

Tuy nhiên, không thể nói là các tỉnh trong vùng bờ biển phía Nam và trung tâm không còn lợi thế thu hút đầu tư, hiện nay, nền kinh tế tích tụ đã trở thành nhân tố chính thu hút đầu tư chủ yếu ở các khu vực trên. Nói cách khác, khu vực tích tụ vốn FDI sẽ thu hút những NĐT tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao hoặc hiệu ứng lan toả thông tin, trái lại, các tỉnh nằm ngoài khu vực này sẽ dựa vào lợi thế về quy mô thị trường và nguồn lao động giá rẻ nhằm thu hút đầu tư. Kết quả nghiên cứu phù hợp với nhận định trên khi chỉ ra rằng quy mô thị trường và chi phí lao động lần lượt có tương quan dương và âm đối với quyết định đầu tư vào các tỉnh nằm ngoài khu vực tích tụ FDI.

Mối tương quan dương giữa quy mô thị trường và quyết định đầu tư FDI đã được tìm thấy trong nhiều nghiên cứu trước đây. Chẳng hạn nghiên cứu của Ang (2008) đã tìm ra mối quan hệ giữa quy mô thị trường và FDI tuân theo tỷ lệ 1:1. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này mối quan hệ trên dường như yếu hơn. Điều này có thể được giải thích là nghiên cứu xem xét quyết định đầu tư FDI tại các địa phương nằm ngoài khu vực tích tụ FDI, vốn là các tỉnh kém phát triển và có rủi ro đầu tư cao hơn.

Do đó, lợi ích của các nhân tố thu hút đầu tư sẽ bị cản trở bởi các rủi ro gắn liền với đầu tư mạo hiểm như rủi ro về bất ổn chính sách hoặc rủi ro phải đối mặt với đối tác địa phương không quen thuộc. Tại Trung Quốc, 85,81% dự án FDI tập trung tại vùng ven biển phía Nam và vùng bờ biển trung tâm trong khi 2 khu vực này chỉ chiếm khoảng 17% dân số trong giai đoạn nghiên cứu. Điều này cho thấy nhu cầu tại các thị trường nằm ngoài vùng tích tụ FDI là rất lớn và chưa được đáp ứng đầy đủ do sự thiếu hụt về đầu tư tại nơi đây...

Các nghiên cứu trước đây về mối quan hệ giữa chi phí lao động và đầu tư FDI chưa mang lại kết quả thống nhất. Huang và Wei (2016) không thể tìm thấy mối quan hệ có ý nghĩa giữa tiền lương và FDI, điều này được giải thích là các tỉnh phát triển và phổ biến với đầu tư FDI có thể giảm chi phí lao động nhờ vào nguồn lao động nhập cư giá rẻ. Tuy nhiên, nghiên cứu này lại hỗ trợ cho nhận định của Cai và ctg. (2002) cho rằng, mức độ nhập cư vào những khu vực phát triển tại Trung Quốc chưa đạt đến quy mô cần thiết đề xoá bỏ khoảng chênh lệch về tiền lương tại các vùng miền khi tìm thấy mối tương quan âm giữa chi phí lao động và quyết định đầu tư FDI vào khu vực bên ngoài vùng tích tụ FDI. Tiền lương bình quân cho lao động tại vùng ven biển phía Nam và vùng ven biển trung tâm thường cao hơn 25% tiền lương của lao động ở khu vực ven biển phía Bắc và vùng nội địa...

Kết quả nghiên cứu cũng thể hiện rằng các DN Đài Loan đã có kinh nghiệm về đầu tư tại Trung Quốc sẽ lựa chọn các tỉnh nằm ngoài vùng tích tụ FDI khi quy mô thị trường tăng lên và chi phí lao động giảm xuống. Tuy nhiên, nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ nào giữa các nhân tố địa phương và quyết định đầu tư FDI vào các tỉnh kém phát triển hơn ở nhóm các DN chưa có kinh nghiệm đầu tư tại Trung Quốc.

Kết quả trên phù hợp với nhân định của Chen và Yeh (2012) và Huett và ctg. (2014) khi cho rằng các tiêu chí để lựa chọn vị trí đầu tư sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào kinh nghiệm đầu tư tích luỹ được bởi vì kinh nghiệm đầu tư làm tăng mức độ gắn bó với quốc gia nhận đầu tư và giảm thiểu một số chi phí gắn liền với đầu tư vào khu vực kém phát triển và ít nhận được đầu tư như chi phí nghiên cứu thị trường và tìm kiếm thông tin. Những DN chưa có kinh nghiệm về đầu tư tại Trung Quốc thường có xu hướng đầu tư vào cùng một địa điểm với các DN đi trước, vì chi phí và rủi ro gắn với đầu tư ra ngoài vùng tích tụ có thể sẽ vượt quá lợi ích thu được do DN thiếu kinh nghiệm về phục vụ thị trường địa phương và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên giá rẻ.

Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, những nhân tố thu hút đầu tư tại địa phương không thể lý giải toàn bộ cho quyết định lựa chọn vị trí đầu tư bởi vì DN nước ngoài cân nhắc cả lợi thế của địa phương và tài nguyên của DN như kinh nghiệm FDI khi quyết định đầu tư vào các tỉnh nằm ngoài vùng tích tụ FDI. Nói cách khác, NĐT lựa chọn một địa điểm cụ thể vì họ bị thu hút bởi lợi thế so sánh của địa phương và có nguồn lực cần thiết để có thể khai thác hiệu quả lợi thế trên. Trong trường hợp của các NĐT Đài Loan, kinh nghiệm về đầu tư tại Trung Quốc trước đó sẽ khuyến khích họ đầu tư ra các tỉnh kém phát triển nằm ngoài vùng tích tụ FDI nhằm khai thác những thị trường có quy mô lớn và nguồn lao động giá rẻ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Baum, J. C. & Mezias, S. (1992), Localized competition and organizational failure in the Manhattan hotel industry, 1989-1990’. Administrative Science Quarterly, 37(4), 580-604;
  2. Cai, F., Wang, D. & Du, Y. (2002), Regional disparity and economic growth in China. The impact of labor market distortions. China Economic Review, 13, 197-212;
  3. Chan, K. W., Henderson, J. V. & Tsui, K. Y. (2008), Spatial dimensions of Chinese economic development. Applied Geography, 43, 776-828;
  4. Chen, C. & Yeh, C. (2012), Re-examining location antecedents and pace of foreign direct investment: Evidence from Taiwanese investments in China. Journal of Business Research, 65, 1171-1178;
  5. Huang, H & Wei, Y. D. (2016), Spatial inequality of foreign direct investment in China: Institutional change, agglomeration economies, and market access. Applied Geography, 69, 99-111;
  6. Li, S. & Park, S. H. (2006), Determinants of Locations of Foreign Direct Investment in China. Management and Organization Review, 2(1), 95-119.