FED: Thuế quan của Trump là đòn "gậy ông đập lưng ông"

Theo Khởi Vũ/doanhnhansaigon.vn

Không chỉ gây mất việc làm mà còn đẩy giá cả lên cao, hàng rào thuế quan của Tổng thống Trump là đòn thương mại "lợi bất cập hại", các chuyên gia kinh tế từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhận định.

Dù một số ngành công nghiệp có thể cố gắng để phần nào hưởng lợi từ sự bảo vệ của hàng rào thuế quan, song điều này cũng "chẳng thấm vào đâu" so với sự gia tăng chi phí nguyên liệu đầu vào cũng như tác động từ các đòn thuế quan trả đũa.
Dù một số ngành công nghiệp có thể cố gắng để phần nào hưởng lợi từ sự bảo vệ của hàng rào thuế quan, song điều này cũng "chẳng thấm vào đâu" so với sự gia tăng chi phí nguyên liệu đầu vào cũng như tác động từ các đòn thuế quan trả đũa.

Hãng tin RT dẫn một nghiên cứu mới đây từ FED cho biết, những đòn thuế quan trừng phạt vốn được Washington thực thi nhằm thúc đẩy nền kinh tế thông qua việc thu hẹp cán cân thương mại với Trung Quốc rốt cuộc lại đang khiến người dân Mỹ mất việc làm và đẩy giá hàng hoá lên cao.

Với nghiên cứu trên, FED đã trở thành cơ quan mới nhất nhấn mạnh những hậu quả tiêu cực gây ra bởi hàng rào thuế quan trừng phạt do Tổng thống Trump áp trên Trung Quốc và các đối tác thương mại khác, trong đó có Canada, Mexico và liên minh châu Âu (EU), kể từ đầu năm 2018.

Trong bản nghiên cứu, hai chuyên gia kinh tế của FED là Aaron Flaaen và Justin Pierce cho rằng, hàng rào thuế quan mang đến nhiều tác động tiêu cực hơn lợi ích, ít nhất là trong ngắn hạn.

"Chúng tôi thấy rằng, việc tăng thuế bắt đầu từ năm 2018 có liên quan tới tình trạng giảm tương đối việc làm trong ngành sản xuất và tăng chi phí sản xuất".

Theo đó, các ngành sử dụng nhôm và thép phải đối mặt với sự tăng giá lớn nhất, vì mức thuế mới chiếm tới 17,6% chi phí đối với các nhà sản xuất tấm nhôm và 8,4% chi phí đối với các sản phẩm thép được sản xuất từ ​​thép nhập khẩu.

Các chuyên gia kinh tế của FED đồng ý rằng, một số nhà sản xuất Mỹ có thể hưởng lợi từ việc giảm thiểu cạnh tranh tại thị trường nội địa, nhưng những đòn thuế quan "ăn miếng trả miếng" lại khiến sức cạnh tranh của họ ở thị trường nước ngoài giảm xuống.

Và, dù một số ngành công nghiệp có thể cố gắng để phần nào hưởng lợi từ sự bảo vệ của hàng rào thuế quan, song điều này cũng "chẳng thấm vào đâu" so với sự gia tăng chi phí nguyên liệu đầu vào cũng như tác động từ các đòn thuế quan trả đũa.

Theo nghiên cứu, những đòn thuế quan trả đũa và mức giá bị đội lên cao đã làm ảnh hưởng đến một loạt các ngành công nghiệp, trong đó có các nhà sản xuất phương tiện từ tính và quang học; đồ da; tấm nhôm; sắt và thép; xe cơ giới; thiết bị gia dụng; thiết bị âm thanh, video và máy tính.

Dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế của FED, những tác động trong dài hạn có thể sẽ khác, khi các công ty Mỹ lựa chọn điều chỉnh chuỗi cung ứng để né thuế nhập khẩu từ Washington, hoặc quyết định di dời nơi sản xuất ra ngoài đất Mỹ, như khuyến cáo từ nhiều nghiên cứu trước đây.

"Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, khá khó để sử dụng chính sách thương mại truyền thống như một công cụ nhằm bảo vệ và thúc đẩy sản xuất nội địa; nguyên nhân đến từ sự liên kết của các chuỗi cung ứng toàn cầu", nghiên cứu kết luận.

Hiện, Washington và Bắc Kinh đang trong tiến trình hoàn tất thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, dự kiến ký kết vào 2 tuần nữa. Trên Twitter, Tổng thống Trump cho biết, lễ ký kết sẽ diễn ra tại Nhà Trắng với sự tham dự của "các đại diện cấp cao từ Trung Quốc".

"Tôi sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vô cùng rộng lớn và toàn diện với Trung Quốc vào ngày 15/1. Một ngày sau đó tôi sẽ bay tới Bắc Kinh - nơi sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại giai đoạn 2", ông Trump viết.

Dẫu vậy, những kết quả từ việc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng, khi nội dung cụ thể của nó đến nay vẫn chưa được công bố. Một số đảng viên đảng Dân chủ, với cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc, đã chỉ trích thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của Nhà Trắng và cho rằng Tổng thống Trump đã nhượng bộ quá sớm.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ Scott Paul nói: "Thật đáng thất vọng khi chính phủ đã dành 3 năm để xây dựng thỏa thuận này, và chúng ta vẫn chưa rõ bước tiếp theo là gì. Chúng ta đã phải chịu nhiều tổn thất, và hiện vẫn chưa có nhiều tiến triển trong các vấn đề quan trọng nhất".

Các ngành công nghiệp sử dụng nhôm và thép phải đối mặt với sự tăng giá lớn nhất, vì mức thuế mới chiếm tới 17,6% chi phí đối với các nhà sản xuất tấm nhôm và 8,4% chi phí đối với các sản phẩm thép được sản xuất từ ​​thép nhập khẩu.

Trong một diễn biến khác, mặt trận thương chiến giữa Mỹ và EU vẫn chưa có dấu hiệu ngã ngũ, sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chính thức cho phép Mỹ áp thuế trên lượng hàng hóa trị giá 7,5 tỷ USD của EU vào tháng 10 năm ngoái.

Đây là biện pháp thương mại được Washington thực thi để đáp trả EU khi đã cho phép hãng sản xuất máy bay Airbus hưởng lợi từ những khoản trợ cấp nhà nước trong nhiều năm qua, gây thiệt hại cho Mỹ.

Có hiệu lực từ 18/10/2019, hàng rào thuế quan lên đến 25% của Mỹ nhắm vào các mặt hàng như rượu whisky Scotland, rượu vang Pháp, phô mai Ý, bên cạnh áo len, len, len cashmere và nhiều sản phẩm quần áo khác sản xuất tại Anh, cũng như ô liu Tây Ban Nha, Pháp và Đức. Ngoài ra, mức thuế 10% sẽ được áp dụng đối với máy bay dân dụng cỡ lớn.

Theo giới quan sát, việc cáo buộc EU và Airbus chỉ là cái cớ để Washington tìm cách thu hẹp mức thâm hụt thương mại với châu Âu đã duy trì trong suốt nhiều năm qua. Cùng với Trung Quốc, EU là đối tác thương mại lớn nhất mà Mỹ cho rằng đã khiến mình chịu nhiều thiệt thòi.

Dẫu vậy, biện pháp thuế quan trừng phạt EU của Mỹ rất có thể sẽ mang đến những hậu quả tương tự như đòn thuế quan áp lên Trung Quốc, nhất là khi WTO dự kiến công bố phán quyết sau cùng về khiếu nại của châu Âu đối với Boeing vào đầu năm nay - điều nhiều khả năng sẽ châm ngòi cho trận chiến thuế quan "ăn miếng trả miếng" giữa hai bên.