G7 sẽ ưu tiên bàn thảo vấn đề tiền điện tử và thuế doanh nghiệp

Theo H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Dù còn những khác biệt, Mỹ có thể tìm thấy điểm chung với các đối tác G7 liên quan đến vấn đề tiền điện tử sau khi kế hoạch ra mắt đồng tiền điện tử Libra của Facebook gây chú ý của giới tài chính.

G7 sẽ ưu tiên bàn thảo vấn đề tiền điện tử và thuế doanh nghiệp.
G7 sẽ ưu tiên bàn thảo vấn đề tiền điện tử và thuế doanh nghiệp.

Các quan chức tài chính của Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) sẽ cân nhắc rủi ro từ các loại tiền kỹ thuật số mới và tranh luận về cách đánh thuế các “đại gia” công nghệ như Google và Amazon trong cuộc họp kéo dài hai ngày 17-18/7 tại Paris, Pháp.

Những vấn đề nêu trên là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của cuộc họp. Trước khi cuộc họp chính thức diễn ra, các bộ trưởng tài chính G7 cũng chịu nhiều áp lực từ một loạt yếu tố, bao gồm tăng trưởng toàn cầu chậm lại, các chính sách thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng dẫn đến cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc và căng thẳng với châu Âu.

Dù còn những khác biệt, phía Mỹ có thể tìm thấy điểm chung với các đối tác G7 liên quan đến vấn đề tiền điện tử sau khi kế hoạch ra mắt đồng tiền điện tử Libra của Facebook đã thu hút sự chú ý của giới chức tài chính toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bày tỏ những lo ngại rằng Libra có thể bị lạm dụng bởi những kẻ rửa tiền và tài trợ khủng bố, nhấn mạnh đây thực sự là một vấn đề về an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng đưa ra những lo ngại tương tự và đã yêu cầu các quan chức ngân hàng cấp cao tiến hành thực hiện một báo cáo về tiền tệ điện tử.

Vẫn đề được cho là “gai góc” hơn sẽ nằm ở việc đưa ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu áp lên các công ty công nghệ lớn.

Mới đây, Pháp đã trở thành quốc gia phát triển đầu tiên trên thế giới áp mức thuế thu nhập 3% lên các “đại gia” kỹ thuật có doanh thu toàn cầu ít nhất là 750 triệu euro (khoảng 845 triệu USD) và kiếm được 25 triệu euro hoặc nhiều hơn khi hoạt động ở Pháp. Như vậy, tổng cộng sẽ có khoảng 30 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, phần lớn đến từ Mỹ.

Bộ trưởng Le Maire đã lập luận rằng các quy tắc hiện hành cho phép các “đại gia” Internet mà không phải trả thuế một cách công bằng, vì họ có thể chuyển lợi nhuận sang các khu vực có mức thuế thấp như Ireland (Ai-len) bất kể nguồn doanh thu của những công ty này có nguồn gốc từ đâu.

Các quan chức Mỹ cho biết họ đang điều tra động thái của Pháp như một hành vi thương mại không công bằng có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa. Trả lời phỏng vấn báo giới vào ngày 15/7, Bộ trưởng Mnuchin nói rằng vấn đề này chắc chắn sẽ được ưu tiên cao trong chương trình nghị sự.

Ngược lại, Bộ trưởng Le Maire cho biết chính sách áp thuế của Pháp nhằm thúc đẩy cộng đồng quốc tế đi đến một hành động chung. Ông Le Maire nói rằng ngay khi có một giải pháp trên quy mô quốc tế, Paris sẽ rút lại khoản thuế này.

Bộ trưởng Tài chính Pháp cũng thúc giục các quan chức Mỹ, thay vì đe dọa thông qua các lệnh trừng phạt, hay lựa chọn con đường đối thoại và tham gia một cuộc đàm phán công bằng để tìm một sự thỏa hiệp ở cấp độ G7. Từ đó, cuộc đại cải cách chính sách thuế xuyên biên giới vốn đã kéo dài hàng thập niên trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ nhận được thêm động lực mới để đẩy nhanh tiến độ.

Tranh cãi xung quanh việc áp thuế của Pháp được cho là làm trầm trọng hơn những căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu. Hai bên đã tiến hành áp một số mức thuế hạn chế lên hàng hóa của nhau, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ tăng thuế lên ôtô nhập khẩu từ châu Âu giữa lúc hai bên nỗ lực đàm phán lại quan hệ thương mại tổng thể.

Các cuộc đàm phán đã diễn ra chậm chạp vì Mỹ và châu Âu chưa thống nhất về việc có nên bao gồm các sản phẩm nông nghiệp cũng như công nghiệp hay không.