Gần nửa giới tài chính Mỹ lo suy thoái xảy ra trong năm 2019

Theo Như Tâm/CNN/ndh.vn

Theo kết quả khảo sát của Duke University/CFO Global Business Outlook công bố ngày 13/12, 48,6% các giám đốc tài chính (CFO) tham gia tin kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu suy thoái vào cuối năm 2019. 82% các CFO cho rằng suy thoái sẽ bắt đầu vào cuối năm 2020.

Các công ty cũng có quan điểm khác nhau về tác động từ tình hình thương mại. Nguồn: Internet
Các công ty cũng có quan điểm khác nhau về tác động từ tình hình thương mại. Nguồn: Internet

“Hồi kết của giai đoạn bùng nổ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dài gần thập kỷ đã đến gần”, giáo sư tài chính Duke, John Graham, cho biết.

Sự tiêu cực trong kết quả khảo sát này khá bất ngờ bởi trước đó, hầu hết các nhà kinh tế đều dự báo tăng trưởng trong năm 2019 vẫn ổn định, mặc dù chậm lại.

Phố Wall cũng bắt đầu cảm nhận được một đợt giảm tốc kinh tế, thể hiện ở các đợt bán tháo và biến động mạnh trên thị trường chứng khoán. S&P 500, đã giảm 8%, đang trên đà có quý tệ nhất kể từ năm 2011. Cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt nhạy cảm với rắc rối kinh tế, đã lao dốc.

Một số kinh tế gia cũng ngày càng lo ngại nhưng ít người dự báo một đợt suy thoái tiềm tàng.

“Đó là một con số cao bất ngờ, thậm chí là gây sốc”, Russell Price, nhà kinh tế trưởng tại Ameriprise, bình luận về khảo sát của Duke. “Tôi không lo ngại về một đợt suy thoái trong năm 2019 trừ khi nó diễn ra do yếu tố con người”.

Theo Price, kinh tế Mỹ đủ mạnh để tránh một cuộc suy thoái trong năm 2019 trừ khi Fed phạm sai lầm, tăng lãi suất mạnh tay hoặc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung “làm xói mòn ổn định”.

Chiến tranh thương mại, các lo ngại về tuyển dụng

Khảo sát của Duke, thực hiện ngày 7/12 với CFO của 212 công ty Mỹ, cho thấy họ bi quan về lợi nhuận doanh nghiệp. Các CFO dự báo tăng trưởng lợi nhuận 12 tháng tới là 4,5%, giảm từ mức gần 13% hồi tháng 9. Chi tiêu vốn, tuyển dụng và doanh thu ước tính đều giảm.

Sau khi đạt đỉnh vào quý III, các CFO nhận định kinh tế Mỹ quý IV sẽ giảm. Họ lo ngại về lực lượng lao động Mỹ. Tỷ lệ CFO gặp khó trong tuyển dụng và giữ nhân viên chất lượng ở lại cao nhất kể từ khi khảo sát Duke lần đầu thực hiện năm 1996.

Các công ty cũng có quan điểm khác nhau về tác động từ tình hình thương mại. Một nửa cho rằng thuế sẽ khiến họ thiệt hại, số còn lại nghĩ ngược lại.

‘Dấu hiệu nguội lạnh’

Phần lớn các nhà kinh tế nói tỷ lệ suy thoái xảy ra trong năm 2019 đang tăng.

Tuần trước, S&P Global Ratings cảnh báo “những dấu hiệu nguội lạnh có thể xuất hiện” trong nền kinh tế Mỹ. Hãng đánh giá tín nhiệm này nâng tỷ lệ suy thoái trong 12 tháng tới từ 10 – 15% hồi tháng 8 lên 15 – 20%. “Chu kỳ này đang trong hoặc đang tiến nhanh đến giai đoạn cuối cùng”.

JPMorgan Chase ước tính tỷ lệ suy thoái năm 2019, dựa trên số liệu kinh tế và các tín hiệu thị trường, đã tăng từ 25% hồi tháng 9 lên 36%.

Tăng trưởng kinh tế bắt đầu từ tháng 6/2009 và đang là đợt tăng trưởng dài thứ hai trong lịch sử Mỹ. Nếu tăng trưởng kéo dài qua tháng 7/2019, đợt tăng trưởng này sẽ là dài nhất, vượt qua giai đoạn 1991 – 2001.

‘Điềm gở’ đường cong lợi suất

Triển vọng năm 2020 có vẻ bấp bênh hơn. Chỉ 18% các CFO tin Mỹ đủ sức tránh một đợt suy thoái trước cuối năm 2020.

“Tất cả các nguyên liệu đã sẵn có”, giáo sư Campell Harvey của Duke nói. Ông chỉ ra thị trường ngày càng biến động, tác động từ “chủ nghĩa bảo hộ làm giảm tăng trưởng” và đường cong lợi suất ngày càng thẳng.

Đường cong lợi suất là một trong những “thầy bói” đáng tin nhất của Phố Wall. Khoảng cách giữa đường cong lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và kỳ hạn 10 năm đang ngày gần vị trí đảo ngược. Tình trạng này xảy ra khi lãi suất ngắn hạn cao hơn lãi suất dài hạn. Sự đảo ngược từng xảy ra trước mọi đợt suy thoái ở Mỹ trong 50 năm qua.

Bất kể thời điểm đợt suy thoái tiếp theo bắt đầu, doanh nghiệp Mỹ còn có rắc rối về nợ. Tranh thủ lãi suất thấp, các công ty Mỹ đã vay nợ đáng kể trong thập kỷ qua.

Cựu chủ tịch Fed Janet Yellen ngày 10/12 nói mức nợ doanh nghiệp “khá cao” là “mối đe dọa”, dẫn đến hàng loạt vụ phá sản.