Giá dầu lao dốc, liệu Trung Quốc có trở thành "ngư ông đắc lợi"?

Theo Thanh Thắng/nhadautu.vn/Reuters, Bloomberg, CNN

Tình hình giá dầu lao dốc hiện được coi là một tin tốt cho nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang quay cuồng với đại dịch COVID-19. Xét cho cùng, Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, do đó việc tiết kiệm chi phí nhập khẩu dầu sẽ là khá đáng kể.

 Nền kinh tế Trung Quốc đang được hưởng lợi do giá dầu sụt giảm mạnh.  Ảnh: CNN
Nền kinh tế Trung Quốc đang được hưởng lợi do giá dầu sụt giảm mạnh. Ảnh: CNN

Tại thời điểm 2h34 sáng ngày 21/4 (theo giờ Việt Nam), thị trường thế giới chứng kiến điều chưa từng có trong lịch sử: Giá dầu thô giảm xuống mức âm. Theo đó, giá dầu WTI giao tháng 5 giao dịch ở mức -35,62 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 6 giảm 2,25% xuống 25,83 USD/thùng.

Hợp đồng dầu thô WTI của Mỹ đã giảm hơn 100% vào thứ Hai là dành cho đợt giao hàng tháng 5 và chính thức hết hạn vào thứ Ba. Vì vậy, hiện tại không có bất kỳ nhu cầu nào cho hợp đồng dầu này, vốn đã hết hạn vào ngày thứ Ba.

Câu trả lời ngắn gọn nhất cho vấn đề này đó chính là các nhà sản xuất sẽ phải tự trả tiền để loại bỏ lô dầu này vì không có ai có nhu cầu dầu thô trong tuần này.

Sau khi giá dầu WTI giảm đến mức âm, Tổng thống Mỹ Donald Trump hứa hẹn sẽ mua thêm tối đa 75 triệu thùng dầu thô để bổ sung vào Kho dầu chiến lược của Mỹ, một động thái nhằm giảm bớt áp lực cho thị trường.

Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit cho rằng, với sức tăng cung và cầu dầu mỏ bị tê liệt như hiện nay thì nguồn cung dầu mỏ sẽ tăng thêm 1,8 tỷ thùng trong nửa đầu năm 2020, trong khi dung tích của các bể chứa chỉ còn khoảng 1,6 tỷ thùng.

Nếu các nhà sản xuất không cắt giảm sản lượng thì đến tháng 6/2020 thế giới sẽ không còn chỗ chứa dầu thô "thừa".

Theo số liệu của Reuters, Trung Quốc lần đầu tiên có quý tăng trưởng âm kể từ năm 1992. Ngoài ra, GDP quý đầu tiên của Trung Quốc cũng giảm 9,8% so với quý IV năm 2019. Trong quý I/2020, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc đã giảm 19% so với một năm trước trong khi sản xuất công nghiệp giảm 8,4% trong cùng kỳ.

Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực to lớn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh bất ổn bất chấp những nỗ lực của chính phủ. Đất nước này cũng đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức mới trong việc khởi động lại các công việc và hoạt động sản xuất.

Trong bối cảnh đó, sự sụp đổ về giá dầu sẽ mang lại một số cứu trợ cho nền kinh tế Trung Quốc khi quốc gia này phục hồi trở lại.

Trong năm 2019, Trung Quốc đã phải nhập khẩu đến 72% trong tổng lượng dầu tiêu thụ, trung bình 10 triệu thùng mỗi ngày, tức 506 triệu tấn, tương đương 3,7 tỷ thùng, tăng 9,5% so với năm 2018 và đánh dấu năm thứ 17 liên tiếp có tốc độ nhập khẩu dầu tăng lên.

Vì vậy, các công ty của Trung Quốc sẽ có thể cắt giảm được chi phí nhiên liệu nhằm sớm phục hồi các hoạt sản xuất, kinh doanh khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát. Với việc giá dầu lao dốc, theo ước tính của một số tổ chức thì lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc có thể tăng 2% trong năm nay.

Trong khi tất cả các nước xuất khẩu dầu đều chịu tổn thương lớn do giá dầu suy giảm 60% trong năm nay tính đến cuối tháng 3, Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đang tận dụng cơ hội hiếm có để gom những thùng dầu giá rẻ, bổ sung vào các kho dự trữ.

Hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết Bắc Kinh đã yêu cầu các cơ quan ban ngành liên quan khẩn trương hợp tác để bổ sung dầu vào các bồn chứa và sử dụng các công cụ tài chính chẳng hạn như các hợp đồng quyền chọn mua để tận dụng giá dầu thấp.

Trong lúc lượng dầu ở các kho dự trữ chiến lược của Trung Quốc vẫn là một ẩn số, giới phân tích và kinh doanh dầu mỏ ước tính nước này có thể mua thêm từ 80-100 triệu thùng dầu trong năm nay.

Ngoài ra, các nguồn tin cũng cho biết Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng thêm một loạt điểm dự trữ dầu chiến lược mới. Điều này vừa giúp củng cố lợi thế dự trữ dầu chiến lược với quy mô lớn vừa thúc đẩy các cơ hội xây dựng hạ tầng, kích thích kinh tế khi Trung Quốc đang dần hồi phục sau cơn khủng hoảng dịch COVID-19.

Giáo sư Dong Xiucheng tại Đại học Kinh doanh Quốc tế và Kinh tế (Trung Quốc) đồng ý rằng giá dầu thấp tạo thuận lợi cho người tiêu dùng Trung Quốc và kích thích tăng trưởng nhưng điều này đồng thời tạo ra "mùa đông lạnh lẽo" đối với các nhà sản xuất dầu nội địa.

Trong khi đó, ông Wang Yongzhong tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc lại cho rằng: "Bắc Kinh nên lo ngại trước an ninh năng lượng hoặc cần tìm cách gia tăng nguồn cung ổn định thay vì gặt hái từ mức giá thấp".