Gian lận thương mại vẫn "sống khoẻ" trong khủng hoảng

Theo VnExpress

Khi mà các chính trị gia, chuyên viên tài chính, hay các nhà bán lẻ trên thế giới đang điên đầu vì các chỉ báo kinh tế ngày càng bi quan thì hoạt động gian lận thương mại vẫn diễn ra nhộn nhịp.

Đầu tuần này, Tập đoàn máy tính Symantec công bố báo cáo cho thấy hoạt động kinh tế phi pháp trên Internet đang phát triển lên quy mô toàn cầu. Tại thị trường này, các loại hàng hóa, dịch vụ ăn cắp được giao dịch rất nhộn nhịp, với giá trị lên tới hàng triệu, hàng trăm triệu đôla.

Ông Stephen Trilling, Phó Chủ tịch của Symantec Security Technology and Response, cho biết tội phạm tin học đang làm giàu từ những thông tin thu thập trái phép từ người tiêu dùng và các tổ chức kinh doanh. Ông nhấn mạnh, với việc các phương tiện, công nghệ phục vụ cho việc lừa đảo trên toàn thế giới đang ngày càng phổ biến và hoàn thiện, bảo vệ và giảm thiểu hậu quả các cuộc tấn công của tin tặc phải được coi là vấn đề ưu tiên tầm quốc tế.

Theo thống kê của Symantec, suốt một năm kể từ tháng 7/2007, thông tin thẻ tín dụng được quảng cáo nhiều nhất trong thế giới ngầm trên mạng, chiếm tỷ lệ 31%. Tổng giá trị của các thẻ tín dụng được rao bán lên tới 5,3 tỷ đôla. Theo Symantec, mua bán thông tin thẻ tín dụng phố biến nhất do chủ thẻ sử dụng thường xuyên để mua sắm qua mạng và khó cho các nhà buôn có thể phát hiện được giao dịch lừa đảo trước khi hàng hóa được chuyển đến tay người mua.

Đứng vị trí thứ 2 trong số các giao dịch, nhóm thông tin tài chính đạt tỷ lệ 20%. Thông tin tài khoản nhà băng bị đánh cắp được bán với giá chỉ từ 10 đôla tới 1.000 đôla, giá trị của các tài khoản bị rao bán trung bình lên tới 40 nghìn đôla. Tổng giá trị của các tài khoản được rao bán từ tháng 7/2007 đến tháng đầu tháng 8/2008 lên tới 1,7 tỷ đôla. Nhìn chung, khả năng thành công và tốc độ rút tiền sẽ quyết định mức độ phổ biến của các nhóm hàng hóa được rao bán.

Tổng giá trị hàng hóa do nhóm 10 người quảng cáo tích cực nhất đạt 16,3 triệu đôla với thẻ tín dụng và 2 triệu đôla với các tài khoản ngân hàng. Giá trị hàng hóa chào bán của thành viên tích cực nhất trong nhóm trên lên tới 6,4 triệu đôla.

Theo ông, Ken Dunham, Giám đốc tại iSight Partners, việc đánh giá các lừa đảo tài chính kiểu này cần được xem xét dưới góc độ kinh doanh chứ không đơn thuần là các thủ pháp tin học. Ông nói: “Đây không chỉ là một vài hacker riêng lẻ. Nhiều trường hợp được thực hiện bởi những nhóm tội phạm có tổ chức và hoạt động rất tinh vi”.

Ông Dunham cho biết thêm, không như tin tặc “truyền thống”, trong các nhóm tội phạm kiểu này, mỗi thành viên được phân công đảm trách công việc theo chuyên môn. Nền kinh tế ngầm kiểu này đã phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đôla và được thực hiện bởi các nhóm tội phạm rất chuyên nghiệp.