Giới đầu tư Thái dè dặt rót tiền vào Myanmar

Theo VnExpress

Các ngân hàng Thái Lan rỏ ra thận trọng khi cho doanh nghiệp vay tiền để đầu tư tại những quốc gia khác, đặc biệt ở Myanmar. Chi phí lương bản xứ cao cũng là lý do khiến nhà đầu tư Thái ngần ngại.

Myanmar đang kêu gọi đầu tư vào dự án cảng biển với nhiều tỷ USD trong đặc khu kinh tế Dawei, nằm ngay tại cửa ngõ huyết mạch. Đây được xem là những nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh tế sau nhiều năm “ngủ quên”.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu nước này đã bay đến Dawei, nằm trên bờ biển Andaman phía nam Myanmar, để hội đàm với Tổng thống Thein Sein và các quan chức cấp cao Myanmar về sự hợp tác phát triển giữa 2 quốc gia.

Vào tháng 7, Thái Lan và Myanmar đã ký một bản ghi nhớ để thiết lập một đặc khu kinh tế cho Dawei, song song đó Bangkok cũng đồng ý hỗ trợ cho khu vực này về cơ sở hạ tầng, an ninh và vận tải đường biển.

Đơn cử cho sự hợp tác giữa 2 nước, đó là một dự án khổng lồ, được dẫn dắt bởi tập đoàn công nghiệp hàng đầu Thái Lan là Ital-Thai, sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho Myanmar sau nhiều thập niên bị kiểm soát bởi các nhóm quân đội của những sắc tộc ở quốc gia này. Đây là dự án đem về thuận lợi cho Thái Lan khi tuyến đường chính nối cảng Dawei là cửa ngõ vào Ấn Độ Dương và các thị trường phương Tây. Tuy nhiên, dự án này đang gặp khó khăn về việc gọi vốn tài trợ cũng như vấp phải kháng cự từ các người dân địa phương nơi đây.

"Các nhà đầu tư Thái Lan đang lo lắng và còn do dự về các chính sách chính trị cũng như việc huy động quỹ tài trợ để rót tiền vào thị trường Myanmar", Giám đốc tiếp thị Pravee Komolkanchana của Ital-Thai đã nói với AFP trụ sở đặt tại Bangkok. Các ngân hàng Thái vẫn tỏ ra e dè khi cho doanh nghiệp vay tiền để đầu tư tại những quốc gia khác, đặc biệt là ở Myanmar. Ông cho biết một số nhà đầu tư Nhật Bản đã cùng tham gia vào chuyến đi, vì vậy mà Ital-Thai cũng hy vọng dự án tại Myanmar sẽ trở lại đúng tiến độ.

Các nhà đầu tư tiềm năng vẫn đang thăm dò thị trường Myanmar, một doanh nhân không tiết lộ tên tại Yangon, Myanmar chia sẻ. "Chúng tôi không dám đầu tư mạo hiểm bởi vì nó còn liên quan đến chi phí", nhà đầu tư này nói. "Chúng tôi sẽ phải trả mức lương tương tự như ở Thái Lan", ông nói thêm.

Công trình xây dựng các ngôi nhà mới cho hàng nghìn người dân tái định cư vẫn còn ứ đọng, chưa có gì tiến triển. Năm tới, các nhà phát triển hy vọng cơ sở hạ tầng và các nhà máy trong khu công nghiệp sẽ được khởi động như đúng kế hoạch đã vạch trước.

Đơn cử một trường hợp khác, phe đối lập Myanmar đã nhận được sự đồng tình khi năm ngoái Tổng thống Thein Sein quyết định cho dừng việc xây dựng một dự án thủy điện giá 3,6 tỷ USD tại bang Kachin phía bắc với sự hậu thuẫn từ chính phủ Trung Quốc. Dự án này cũng bị người dân Myanmar phản đối kịch liệt.

Tuy nhiên, giờ đây người dân địa phương có thái độ bớt gay gắt hơn với các dự án ở cảng Dawei mặc dù một số người dân vẫn tỏ ra miễn cưỡng để di dời, dù họ được cung cấp những ngôi nhà mới. "Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi không thể ngăn chặn toàn bộ dự án dừng lại, thay vì chống đối lại nhà máy đốt than hay nhà máy hóa chất thì các nhà vận động sẽ đưa ra các chiến dịch", một nhà hoạt động môi trường địa phương không muốn nêu tên cho biết.