Giới phân tích lo ngại về nguy cơ nổ ra cuộc chiến giá dầu mới

Việt Khoa (TTXVN/Vietnam+)

Một cuộc chiến giá dầu giữa OPEC và các nước ngoài OPEC nhằm giành giật thị phần năng lượng có thể xảy ra ngay cả khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp

Giới phân tích lo ngại về nguy cơ nổ ra cuộc chiến giá dầu mới.
Giới phân tích lo ngại về nguy cơ nổ ra cuộc chiến giá dầu mới.

Thị trường dầu mỏ thế giới đang chứng kiến giai đoạn bước ngoặt rất quan trọng sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những đối tác chủ chốt, dẫn đầu là Nga, không thể đạt được thỏa thuận cắt giảm nguồn cung hơn nữa, trong khi thỏa thuận cũ sẽ chính thức hết hạn vào cuối tháng Ba này.

Giới phân tích lo ngại diễn biến này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến giá dầu giữa OPEC và các nước ngoài OPEC nhằm giành giật thị phần năng lượng ngay cả khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp và tác động mạnh tới nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” trên toàn cầu.

Cuộc đua thị phần bắt đầu

Không lâu sau đàm phán thất bại giữa OPEC và Nga, nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới Saudi Arabia đã công bố kế hoạch tăng sản lượng “vàng đen” đáng kể lên mức trên 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2020 và thậm chí có thể tiến gần tới ngưỡng 11 triệu thùng/ngày.

Bên cạnh đó, Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Aramco của Saudi Arabia cũng thông báo sẽ giảm giá bán chính thức cho một số thị trường kể từ tháng tới. Thông điệp được chính quyền Riyadh đưa ra là Saudi Arabia nên tối đa hóa sản lượng để bảo vệ thị phần của mình. Đây được coi là động thái đáp trả Nga sau khi các bên không thể đồng thuận về thỏa thuận hạn chế nguồn cung nói trên.

Saudi Arabia đang bơm tổng cộng 9,7 triệu thùng/ngày, trong khi công suất của nước này là 12,5 triệu thùng/ngày. Sau đó Saudi Arabia yêu cầu Saudi Aramco nâng sản lượng dầu mỏ lên 13 triệu thùng/ngày.

Tiếp sau Saudi Arabia, Iraq, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) tuyên bố chiến tranh dầu mỏ với Nga. Iraq sẵn sàng giảm giá bán dầu thô trong tháng 4/2020 ở mức 5 USD/thùng đối với các khách hàng châu Á, trong khi Kuwait tuyên bố giảm giá bán dầu 6 USD/thùng.

Ngoài ra, Iraq có kế hoạch tăng nguồn cung dầu trong tháng 4/2020. Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (Abu Dhabi National Oil Company thông báo ý định tăng sản lượng dầu vào tháng tới.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak trước đó thông báo rằng kể từ ngày 1/4 tới, Nga sẽ bắt đầu sản xuất dầu mỏ mà không quan tâm đến hạn ngạch và các thỏa thuận cắt giảm sản lượng thực hiện trước đó. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa Moskva sẽ không theo dõi và phân tích những diễn biến trên thị trường năng lượng.

Các chuyên gia dầu mỏ nhận định chiến lược của Saudi Arabia và Nga đã cho thấy sự thay đổi, hướng tới mục tiêu ưu tiên giành thị phần hơn là ổn định thị trường và hỗ trợ giá “vàng đen."

Chuyên gia Andrew Lebow thuộc công ty tư vấn Commodity Research Group cho biết Moskva đang có quan điểm khác về thị trường dầu mỏ. Nền kinh tế Nga đa dạng hơn so với hầu hết các quốc gia OPEC và ít phụ thuộc vào dầu mỏ. Do đó, ưu tiên hàng đầu của Nga, là tránh để mất thị phần vào tay Mỹ, trong bối cảnh Mỹ đang là nước đứng đầu thế giới về sản lượng với hơn 13 triệu thùng/ngày và xuất khẩu từ 3-4 triệu thùng/ngày.

Nhà phân tích hàng hóa Edward Bell tại Emirates NBD cho rằng, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt trên thế giới đang chuẩn bị cho một cuộc chiến giá dầu mới, khi liên tục thông báo về kế hoạch tăng sản lượng.

Động thái bất ngờ này là một sự đảo ngược chính sách hạn chế nguồn cung để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ do dịch COVID-19 bùng phát.

Hiện sản lượng dầu mỏ ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi thấp hơn khoảng 2 triệu thùng/ngày so với mức đỉnh hồi năm 2018. Điều này đồng nghĩa sẽ có một lượng dầu thô đáng kể được bơm thêm ra thị trường nếu các nhà sản xuất chủ chốt như Saudi Arabia hay Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) quyết định “mở van” để giành thị phần.

Một khi các thành viên OPEC cùng đối tác (còn gọi là nhóm OPEC+) quyết định tiếp tục tăng sản lượng kể từ sau quý 2/2020 trở đi, cán cân nguồn cung và nhu cầu sẽ ngày càng trở nên mất kiểm soát hơn nữa.

Một cơ sở lọc dầu ở Ras Lanuf, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một cơ sở lọc dầu ở Ras Lanuf, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu liệu có “rơi tự do”?

Nguồn cung dầu mỏ dồi dào quá mức, trong khi lượng hàng tồn kho nhiều và cú sốc dịch COVID-19 tác động tới nhu cầu tiêu thụ toàn cầu, cả ba nhân tố này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới giá dầu. Câu hỏi được giới phân tích đặt ra lúc này là giá “vàng đen” sẽ dao động như thế nào trong thời gian tới?

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể khiến nền kinh tế thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng mới, thậm chí là suy thoái toàn cầu, một số nhà đầu tư cho rằng đà sụt giảm của giá dầu sẽ còn tiếp diễn.

Giá dầu bắt đầu trượt dốc ngay khi thị trường mở cửa giao dịch phiên 9/3 với mức giảm khoảng 20%, khiến giá dầu ngọt nhẹ Mỹ chỉ còn được giao dịch ở mức 32 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent đứng ở mức 36 USD/thùng. Tính chung trong cả phiên 9/3 giá dầu giảm tới 25%, mức mạnh nhất kể từ Chiến tranh vùng Vịnh 1991.

Sau nhiều phiên trồi sụt tới phiên 13/3 giá dầu ngọt nhẹ Mỹ đứng ở mức 31,73 USD/thùng và giá dầu Brent Biển Bắc ở mức 33,85 USD/thùng. Tính chung trong vòng một tuần (9-13/3) giá dầu WTI mất 23%, còn giá dầu Brent lao dốc 25%. Hai loại dầu này cùng đánh dấu tuần sụt giá mạnh nhất kể từ năm 2008.

Ông James Williams của công ty tư vấn WTRG Economics cho rằng nguy cơ suy thoái là rất cao và mỗi lần xảy ra suy thoái, giá dầu đều xuống thấp. Chuyên gia này ước tính rằng hoạt động tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ giảm gần 4 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên.

Bên cạnh đó, ông Williams cũng cảnh báo nếu kinh tế Trung Quốc không phục hồi nhanh, tình hình sẽ xấu đi trên khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ. Khi đó, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ có thể là một trong những nạn nhân chính của giá “vàng đen” lao dốc.

Trong quan điểm đăng tải trên Twitter, chuyên gia Ali Khedery, cựu cố vấn cao cấp khu vực Trung Đông của Tập đoàn dầu mỏ Exxon Mobil, và hiện là Giám đốc điều hành Công ty tư vấn chiến lược Dragoman Ventures, chia sẻ rằng: “Kịch bản giá dầu rớt xuống 20 USD/thùng có thể xảy ra trong năm 2020. Hàng loạt các vấn đề địa chính trị lớn cùng thất bại của nỗ lực kiềm chế nguồn cung có thể là đòn giáng chí mạng vào thị trường dầu mỏ, nhất là khi kết hợp với tình hình dịch COVID-19 đang lây lan mạnh."

Mặc dù vậy, không phải ai cũng đưa ra nhận định có phần “bi quan” như chuyên gia Khedery. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự đoán trong kịch bản cuộc chiến về giá và giành thị phần dầu mỏ giữa các nhà sản xuất chủ chốt xảy ra, mức thấp nhất mà giá “vàng đen” có thể rớt xuống là khoảng 35 USD/thùng. Còn trong trường hợp “ít tiêu cực” hơn, giá dầu sẽ dao động quanh ngưỡng 40 USD/thùng và leo lên khoảng 42 USD/thùng sau quý 2/2020.

Chia sẻ quan điểm trên, Ngân hàng Emirates NBD dự báo giá dầu Brent sẽ dao động trung bình 45 USD/thùng và dầu WTI ở mức 40 USD/thùng trong quý 2 này trước khi phục hồi nửa cuối năm nay.

Cũng có ý kiến cho rằng sự “rạn nứt” trong liên minh dầu mỏ giữa Saudi Arabia và Nga chỉ là tạm thời. Động thái của các bên là nhằm gây sức ép lẫn nhau về giá dầu và có thể chấm dứt nếu Saudi Arabia và Nga tiến tới thỏa hiệp. Tuy nhiên, bước đi này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường năng lượng nếu “cuộc chiến giá dầu” kéo dài và vượt tầm kiểm soát.