Hoa Kỳ: Ngành công nghiệp xe hơi không được cứu

Sài Gòn Tiếp thị

Cả Tổng thống đương nhiệm Bush lẫn Tổng thống mới đắc cử Obama đều tỏ ra thất vọng khi Thượng viện Mỹ không thông qua gói giải cứu ngành công nghiệp xe hơi trị giá 14 tỉ đô la

Ước tính, ba ông lớn của ngành xe hơi Mỹ (GM, Ford, Chrysler) đang sử dụng khoảng 240.000 lao động trực tiếp trong các nhà máy của mình, chưa kể hàng triệu lao động tại các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất phụ tùng, vận chuyển, các hệ thống phân phối… Trong khi đó, các hãng xe ngoại chỉ sử dụng 113.000 công nhân trong các nhà máy tại Mỹ. Khi các hãng xe hơi Mỹ sụp đổ, số nhà máy của các hãng xe hơi ngoại khó có thể thu nạp 240.000 lao động kia. Ngoại trừ công nhân thì ba ông lớn ở Detroit đang trả lương cho khoảng 24.000 kỹ sư, trong khi đó các hãng xe hơi Nhật Bản chỉ phải thuê khoảng 3.500 chuyên viên nghiên cứu và phát triển dù cho số lượng xe của họ tiêu thụ tại Mỹ chẳng kém các ông lớn kia là bao. Cứ 1.000 chiếc xe của ba ông lớn tại Detroit được bán ra thì hỗ trợ công ăn việc làm gấp hai lần so với các hãng xe nước ngoài.

Chính vì thế, nếu ba ông lớn này rơi vào tình trạng phá sản thì chắc chắn tạo nên một làn sóng thất nghiệp mới được cho là nghiêm trọng. Đây sẽ là một gánh nặng lớn trong điều kiện khủng hoảng như hiện nay. Ở một khía cạnh khác, ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ đã được xem là một ngành công nghiệp toàn cầu. Hơn một nửa phụ tùng cho xe Mỹ được sản xuất ở nước ngoài. Ví dụ: chiếc Chrysler 300C được lắp ráp tại Canada nhưng bộ truyền động của nó được sản xuất tại bang Indiana, nhưng động cơ được sản xuất tại Mexico. Hay chiếc xe SUV Chevrolet Equinox có động cơ được sản xuất tại Trung Quốc. Như thế mới thấy ngành công nghiệp xe hơi của Hoa Kỳ đang có ảnh hưởng đối với nhiều nơi trên thế giới. Chưa kể trong cuộc khủng hoảng 1998, ba đại gia xe hơi Mỹ cũng đã tạo dựng ảnh hưởng ở một số hãng xe hơi châu Á như Mazda, Deawoo và các hãng châu Á này cũng đang phải sử dụng một số sản phẩm công nghệ từ các ông lớn trong ngành xe hơi Hoa Kỳ.

Sự sụp đổ của ngành ô tô càng khiến tâm lý lo ngại về khủng hoảng thêm phần gia tăng. Đó là nguyên nhân khiến cho chỉ số chứng khoán trên thế giới giảm sút. Ngay khi có tin Thượng viện Mỹ bác bỏ kế hoạch ứng cứu ngành ô tô thì chỉ số Nikkei của Nhật giảm 5,6%, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 6,9%. Chỉ số chứng khoán tại London và Paris cũng giảm nhanh chóng khi chỉ số FTSE giảm 2,7% còn chỉ cố CAC 40 của Paris giảm 4,7%.

Một điều bất ngờ hơn, đó là việc những hãng xe hơi lớn của Nhật Bản là Toyota và Honda lại bị ảnh hưởng khá nặng, trong khi nhiều người cho rằng đây chính là cơ hội cho dòng xe Nhật xâm chiếm thị trường xe hơi Mỹ. Bởi tình hình kinh tế Mỹ thêm u ám, lượng tiêu thụ ô tô đang giảm sút lại sẽ giảm nghiêm trọng hơn. Đó là chưa kể việc sụp đổ của ba ông lớn kia khiến cho nhiều nhà cung cấp của họ sẽ khó khăn hơn, đây vốn cũng là nhà cung cấp cho các hãng xe hơi Nhật. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất xe của Nhật. Kết quả cuối cùng là giới đầu tư cũng ngần ngại trước các hãng xe Nhật khiến cho giá chứng khoán của Honda, Toyota và Nissan đều giảm hơn 10%