IMF 2.0?

Theo VnEconomy

Có ý kiến cho rằng, nếu trước đây diễn ra một cuộc thi giữa các định chế quốc tế về mức độ được ủng hộ trên phạm vi toàn cầu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có lẽ đã về sau cùng.

Trong vòng 30 năm trở lại đây, IMF đã có “tiếng xấu” ở khắp châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh do những điều kiện ngặt nghèo áp dụng cho những chính phủ muốn nhận được sự hỗ trợ tài chính từ cơ quan này.

Ở đầu thập kỷ này, khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh mẽ, vai trò của IMF gần như đã giảm về con số 0 tròn trĩnh. Khi nhậm chức Giám đốc điều hành IMF vào năm 2007, ông Dominique Strauss-Kahn đã cảnh báo ban lãnh đạo của IMF rằng “rủi ro lớn nhất lúc này chính sự tồn tại của IMF”.

Những thay đổi được kỳ vọng

Tuy nhiên, thời thế đang tạo anh hùng.

Thời gian gần đây, bỗng nhiên IMF nổi lên trở thành trung tâm chú ý, ở một vai trò mới là vị cứu tinh số một cho nền kinh tế thế giới trong thời kỳ sụt giảm tăng trưởng tồi tệ này.

Tại cuộc họp của các nguyên thủ quốc gia nhóm G20 hôm 2/4 vừa qua, ngân quỹ của IMF được quyết định tăng lên gấp ba lần, từ mức 250 tỷ USD lên mức 750 tỷ USD, đồng thời IMF còn được phát hành thêm 250 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Một phần số tiền này được dự kiến sẽ cho vay những quốc gia gặp khó khăn về tài chính, một phần được dùng để tăng cường thanh khoản nói chung cho nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, việc IMF có thêm tiền mới chỉ là một phần của câu chuyện. Cùng với nguồn lực mới, ít nhất về mặt lý thuyết, cách thức mà IMF thực hiện chức năng của định chế này cũng đã có những thay đổi quan trọng. Trong tương lai, các nước châu Âu sẽ không còn quyền tự động chỉ định giám đốc điều hành của IMF như hiện nay. Việc Mỹ và các nước phát triển khác đang nắm quyền chi phối IMF hiện tại sẽ được thay thế bằng một hệ thống cân bằng phản ánh đúng sự phân bổ sức mạnh kinh tế toàn cầu, trong đó, các nước đang phát triển lớn như Brazil, Trung Quốc và Nga sẽ có tiếng nói lớn hơn.

Trọng tâm của IMF cũng sẽ thay đổi. Các nhà lãnh đạo G20 muốn định chế này đóng một vai trò tích cực hơn trong việc giám sát kinh tế toàn cầu, theo dõi chính sách của các nền kinh tế phát triển lớn cũng như các nước nghèo hơn, đồng thời cảnh báo khi nhận thấy những chính sách nguy hiểm. Về lý thuyết, IMF sẽ vừa phản ánh sự thay đổi trong trật tự kinh tế toàn cầu, cũng như phản ánh sự dịch chuyển về phía giám sát chặt chẽ hơn hệ thống tài chính - một sự chuyển hướng được thúc đẩy bởi chính cuộc khủng hoảng hiện nay.

Tới thời điểm này, chưa ai có thể biết chắc liệu tất cả những dự tính trên có trở thành hiện thực hay không. Tuy nhiên, có lý do để người ta tin ở những thay đổi này, khi mà một trong những vị nguyên thủ tham gia phê chuẩn thông cáo chung của G20 là Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner. Chồng bà Kirchner, cựu Tổng thống Nestor Kirchner của Argentina, đã từng là một trong những người có thái độ chỉ trích IMF mạnh mẽ nhất. Ông Kirchner từng cho rằng, IMF đã gây ra “thảm họa” kinh tế cho Argentina và từ chối sự giúp đỡ của IMF khi ông bắt đầu công cuộc tái thiết nền kinh tế của nước này vào năm 2003.

Thêm vào đó, ngay trước khi G20 ra thông cáo chung, IMF cũng hé mở cho thế giới thấy một hình ảnh mới và mềm mỏng hơn của định chế này, bằng cách nhất trí cung cấp cho Mexico một hạn ngạch tín dụng 40 tỷ USD. Đáng nói là để nhận được hạn ngạch tín dụng này, Mexico không phải tuân thủ những điều kiện ngặt nghèo như trước đây. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh coi khoản hạn ngạch cấp cho Mexico là một tiền lệ và phát biểu: “Chúng tôi rất vui mừng khi thấy các điều kiện cho vay đã được nới ra”.

Tuy nhiên, những thay đổi nói trên trong IMF vẫn bị các nhà phê bình cho là quá chậm trễ. “Ai có thể chấp nhận được thực tế là Bỉ có quyền lực trong IMF lớn hơn Ấn Độ, Brazil hay Mexico?” chuyên gia Ariel Buiar thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế Mexico nói. Nguyên giám đốc Malcolm Knight của IMF của Bank for International Settlements (một dạng câu lạc bộ cho các quan chức ngân hàng trung ương trên thế giới) mới đây đã đánh giá hoạt động của IMF là “không được bình đẳng và hiệu quả cho lắm”, đồng thời chỉ trích cơ quan này đã “ngủ quên” ngay trước khi cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay nổ ra.

Còn nhiều thách thức

Vấn đề lớn đặt ra lúc này là liệu IMF có sẵn sàng cho nhiệm vụ được trao? Nguồn quỹ lớn được bổ sung thêm cho cơ qua này hiện mới chỉ nằm trên giấy tờ, và chưa rõ sẽ lấy đâu ra nguồn tiền này. Nhật Bản đã cam kết chi 100 tỷ USD. Thủ tướng Anh Gordon Brown cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ chi 100 tỷ USD. Trung Quốc cho biết sẽ chi 40 tỷ USD. Tuy nhiên, quan chức Trung Quốc vẫn chưa khẳng định khoản đóng góp này, và nếu Trung Quốc có góp 40 tỷ USD thì vẫn còn thiếu 260 tỷ USD mới đủ 500 tỷ USD như kế hoạch vạch ra.

Trong bối cảnh các chính phủ phải đối mặt với thực trạng căng thẳng tài chính như hiện nay, đây hoàn toàn là một số tiền không hề nhỏ.

Ngoài ra, những vấn đề hóc búa liên quan tới việc cải tổ cấu trúc lãnh đạo IMF đã được “đá” lại cho tổ chức này. G20 chỉ nói vắn tắt rằng, những vấn đề này nên được giải quyết trước tháng 1/2011 mà không đưa ra bất kỳ một hướng dẫn cụ thể nào.

Với tất cả những câu hỏi còn bỏ ngỏ trên, sự tin tưởng dành cho IMF thời gian qua dường như phản ánh ảnh hưởng của tổ chức này trong mấy tháng gần đây dưới sự lãnh đạo của Giám đốc điều hành Strauss-Kahn, người từng nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính Pháp và từng chạy đua cho ghế tổng thống của nước này. Từ sau vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers vào tháng 9 năm ngoái, IMF đã nâng tầm vai trò của mình khi cung cấp cho các nước Hungary, Iceland, Latvia, Ukraine và nhiều quốc gia gặp khó khăn về tài chính khác các khoản vay khẩn cấp với tổng trị giá 50 tỷ USD.

Không giống như những người tiền nhiệm của mình, Giám đốc điều hành Strauss-Kahn không hề né tránh việc công khai ủng hộ những thay đổi chính sách. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ vào tháng 1/2008, ông Strauss-Kahn đã gây ngạc nhiên khi kêu gọi các quốc gia tăng cường chi tiêu để vượt khủng hoảng, trái ngược với truyền thống của IMF là kêu gọi các nước thắt chặt ngân sách. Thậm chí, cố vấn kinh tế cao cấp Larry Summers của Tổng thống Mỹ Barack Obama còn gọi đó là một “thời khắc lịch sử”.

Gần dây, ông Strauss-Kahn còn công khai gây áp lực với các chính phủ ở châu Âu tăng thêm quy mô của các gói kích thích kinh tế, đồng thời chỉ trích nước Mỹ không mạnh tay hơn trong vấn đề giải quyết tài sản độc hại của các ngân hàng.

Nếu những cải cách được kỳ vọng thực sự diễn ra ở IMF, vai trò tổ chức này có lẽ cũng sẽ không còn quan trọng như sự kỳ vọng của những người sáng lập IMF vào năm 1944. Khi đó, nguồn lực được phân bổ cho IMF tương đương với hơn một nửa cán cân vãng lai của thế giới, so với mức 3% hiện nay.

Tuy nhiên, nếu những dự tính của G20 trở thành hiện thực và IMF thực sự đảm nhận một vai trò tích cực hơn trong hoạt động ổn định nền kinh tế thế giới, định chế này sẽ trở nên gần sát hơn với mục tiêu mà nhà kinh tế học John Maynard Keynes, người đóng một vai trò quan trọng quá trình thành lập IMF, đã vạch ra. Keynes tuyên bố, IMF “không phải là một tổ chức nhân đạo kiểu Chữ thập đỏ, trong đó các nước giàu giải cứu các nước nghèo”. Thay vào đó, IMF phải là “một cơ chế có mức độ cần thiết cao, ít nhất hữu ích cho các nước chủ nợ cũng như các nước con nợ”.

Việc trở lại với quan điểm này sẽ là mấu chốt trong quá trình tạo ra một IMF mới, một IMF “phiên bản 2.0”?