IMF: Nợ gia tăng, rủi ro tín dụng khiến kinh tế toàn cầu dễ tổn thương

Theo Trà My/vietnamplus.vn

Các chính phủ sẽ đối mặt với những thách thức trong việc cân bằng sự cần thiết phải thắt chặt hoạt động giám sát lĩnh vực tài chính vào thời điểm kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 10/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo sự gia tăng nợ của chính phủ và doanh nghiệp cùng với những rủi ro tín dụng có thể khiến kinh tế toàn cầu trở nên dễ tổn thương trước một giai đoạn suy giảm khác.

Tobias Adrian, người đứng đầu Ban Thị trường Vốn và Tiền tệ thuộc IMF, nhận định mặc dù những cảnh báo trên chưa đến mức đáng báo động, song các chính phủ sẽ đối mặt với những thách thức trong việc cân bằng sự cần thiết phải thắt chặt hoạt động giám sát lĩnh vực tài chính vào thời điểm kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.

Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu của IMF được công bố sáu tháng một lần cho hay các thị trường mới nổi và phát triển đều có thể chịu tác động tiêu cực nếu kinh tế tăng trưởng chậm lại hoặc nếu lãi suất tăng mạnh.

Ông Adrian thúc giục các chính phủ tiến hành các bước đi tích cực và không nên rút lại các chương trình cải cách.

Ông nhấn mạnh hiện “không có chỗ” cho cảm giác tự hài lòng, trong bối cảnh những căng thẳng thương mại và các nguy cơ liên quan đến vấn đề Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), đang làm giảm lòng tin của giới đầu tư.

Theo ông Adrian, tại Mỹ tỷ lệ nợ doanh nghiệp trên GDP đang ở mức cao kỷ lục, còn tại nhiều nền kinh tế châu Âu, các ngân hàng đang trong tình trạng “quá tải” trái phiếu chính phủ.

Lượng trái phiếu xếp hạng BBB, được đánh giá là đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chuẩn tài chính, đã tăng gấp bốn lần trong thập niên qua, trong khi số lượng các khoản nợ có mức độ rủi ro lớn hơn (dưới mức xếp hạng BBB) đã tăng gấp hai lần.

Trong báo cáo trên, IMF cũng thúc giục các quốc gia tiến hành các biện pháp mang tính chủ động và đón đầu như hạn chế rủi ro tín dụng, tăng dự trữ ngân hàng và giảm nợ chính phủ trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Đặc biệt, Trung Quốc cần tiếp tục chấn chỉnh hoạt động “ngân hàng ngầm”.