JPMorgan: Làn sóng chốt lời trên thị trường chứng khoán Mỹ sẽ diễn ra vào tuần tới

Hạc Hiên/Theo báo chí nước ngoài

Với chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 21% trong quý II đến nay, các chiến lược gia đang đề cập đến khả năng các quỹ hưu trí và các quỹ khác cũng như một số nhà đầu tư sẽ thực hiện chốt lời với mức lợi nhuận lớn và chuyển sang mua trái phiếu trong tuần tới.

JPMorgan: Làn sóng chốt lời trên thị trường chứng khoán Mỹ sẽ diễn ra vào tuần tới.
JPMorgan: Làn sóng chốt lời trên thị trường chứng khoán Mỹ sẽ diễn ra vào tuần tới.

Con số ước tính lượng dòng tiền sẽ thực hiện chốt lời và rút ra khỏi thị trường nằm trong một biên độ khá rộng và các nhà phân tích JPMorgan cho rằng, nếu giá cổ phiếu giảm do kịch bản này thì đó là một cơ hội mua vào.

Tuy nhiên, theo một số chiến lược gia, kịch bản này cũng nhiều khả năng không xảy ra vì sự biến động của cuối tháng và cuối quý có thể đã diễn ra trên thị trường phái sinh và các nhà đầu tư có thể thay đổi quan điểm tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.

Các chiến lược gia về trái phiếu cho rằng, khi các quỹ hưu trí và các quỹ khác điều chỉnh danh mục đầu tư vào cuối tháng sẽ dẫn đến những dịch chuyển trong thị trường trái phiếu. Thậm chí, thời điểm cuối quý còn mang tính biến động lớn hơn, và sự thay đổi lớn của quý này chủ yếu đến từ sự di chuyển danh mục đáng kể từ cổ phiếu sang trái phiếu với ước tính từ 35 tỷ USD đến 76 tỷ USD.

“Chúng tôi ước tính quỹ hưu trí của các công ty Mỹ sẽ chuyển khoảng 35 tỷ USD vào trái phiếu. Đây là sự dịch chuyển lớn nhất trong 6 năm mà ông đã theo dõi việc tái cân bằng danh mục đầu tư”, Michael Schumacher, Giám đốc chiến lược lãi suất tại Wells Fargo cho biết.

“Lý do cho hành động này khá rõ ràng. Chúng ta đã có một đợt tăng giá mạnh về cổ phiếu và trái phiếu và S&P 500 đã tăng 3,3% trong tháng 6”, ông nói thêm.

Nhưng các nhà phân tích của JPMorgan dự báo, sẽ có dòng tiền tái cân bằng danh mục 65 tỷ USD hoặc thậm chí còn lớn hơn từ các quỹ hưu trí của Mỹ. Trên cơ sở toàn cầu, các nhà phân tích cho rằng, có thể có 170 tỷ USD chảy ra khỏi cổ phiếu khi xem xét các kế hoạch hưu trí của công ty Mỹ, các quỹ tương hỗ và các tổ chức toàn cầu khác như Norway’s Norges Bank, nơi quản lý Quỹ hưu trí Chính phủ Na Uy, một quỹ bình ổn có thể là quỹ tài sản có chủ quyền lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, Goldman Sachs đã xác định được 76 tỷ USD các quỹ hưu trí Mỹ sẽ bán ra cổ phiếu.

“Mặc dù chúng tôi thừa nhận rủi ro của một sự điều chỉnh nhỏ trong thị trường chứng khoán trong hai tuần tới do hoạt động tái cân bằng danh mục của quỹ. Chúng tôi cũng tiếp tục tin rằng, chúng tôi đang ở trong một thị trường chứng khoán tăng giá mạnh và bất kỳ sự sụt giảm nào sẽ đại diện cho cơ hội mua vào”, theo các chiến lược gia của JPMorgan.

Các quỹ hưu trí của công ty Mỹ có thể có lợi nhuận khoảng 10% trong quý này. Lợi ích từ việc thị trường chứng khoán tăng giá đã giúp các quỹ hưu trí cải thiện tỷ lệ khả năng thanh toán ước tính khoảng 0,6% lên gần 85%.

“Sẽ có nhiều biến động xuất hiện trên thị trường chứng khoán vào cuối quý và xác suất cao sẽ có hiện tượng window dressing (làm đẹp báo cáo tài chính bằng cách bán các cổ phiếu có lỗ lớn, thay thế chúng bằng các cổ phiếu dự kiến sẽ tạo ra lợi nhuận ngắn hạn để cải thiện hiệu suất chung của quỹ cho kì báo cáo) và điều chỉnh lại các vị thế nắm giữ cổ phiếu”, theo Dan Deming, Giám đốc điều hành KKM Financial.