Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc: Phát triển nền kinh tế hướng nội

Theo daibieunhandan.vn/SCMP

Sau hơn hai tháng bị hoãn, kỳ họp lưỡng hội thường niên của Trung Quốc đã bắt đầu tại Bắc Kinh. Đây là dịp quan trọng để các nhà lãnh đạo nước này tìm kiếm hướng đi cho Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, trong đó vạch ra các mục tiêu chính trị và kinh tế chủ chốt cho giai đoạn 2021 - 2015. Các nhà phân tích cho rằng, có vẻ như Trung Quốc đang định hướng tập trung phát triển nền kinh tế hướng nội nhằm giảm phụ thuộc vào Mỹ và các thị trường xuất khẩu khác.

Nguồn: Henry Wong - SCMP
Nguồn: Henry Wong - SCMP

Kỳ họp gồm Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC, tức cơ quan cố vấn) khai mạc ngày 21/5 và cuộc họp của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc khai mạc ngày 22/5. Do tác động của COVID-19, thời gian diễn ra các cuộc họp được rút ngắn còn 7 ngày, thay vì gần 2 tuần như các năm trước.

Kỳ họp năm nay đặc biệt quan trọng, vì 2020 là năm cuối cùng trong Kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) lần thứ 13 của Trung Quốc. Trong khoảng thời gian hạn hẹp, các nhà lãnh đạo và các học giả Trung Quốc sẽ phải tìm kiếm hướng đi cho Kế hoạch 5 năm tiếp theo bằng cách trả lời các câu hỏi: Làm thế nào Trung Quốc có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh mối quan hệ với Mỹ - đối thủ cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng? Nước này cần gì để phát triển trong giai đoạn tiếp theo?

Vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa

Phải đợi đến tháng 3/2021 văn bản cuối cùng của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 mới được công bố, song các nghiên cứu và thảo luận sơ bộ cho thấy Trung Quốc sẽ tìm kiếm sự phát triển tự chủ hơn bằng cách giảm phụ thuộc vào Mỹ trong chuỗi cung ứng và xuất khẩu công nghệ.

Đồng thời, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy chính sách “Cải cách và mở cửa” nhằm duy trì vị trí trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là đối với các nước châu Á và châu Âu nhằm bù đắp cho rủi ro ngày càng tăng do sự rút lui của Mỹ.

“Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế chính trị và an ninh quốc tế cũng như của Trung Quốc”, ông Xie Fuzhan - người đứng đầu Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), nhóm nghiên cứu chính phủ tại Bắc Kinh tham gia phác thảo Kế hoạch 5 năm mới cho biết. Trung Quốc đang đối mặt với thách thức lớn để duy trì vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Xuất khẩu của nước này 4 tháng đầu năm giảm 9%. Vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng quốc tế cũng bị đe dọa khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách đổ lỗi cho họ về COVID-19. Sự gián đoạn và tổn thất kinh tế mà cuộc khủng hoảng gây ra trên toàn cầu sẽ làm thay đổi động lực của quá trình toàn cầu hóa. Hầu hết chính phủ phương Tây sẽ muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc đối với những hàng hóa thiết yếu.

Áp dụng mô hình phát triển mới

Cũng theo nghiên cứu của CASS, trong một thế giới đang có những thay đổi mà chưa ai từng chứng kiến trong 100 năm qua, thì hệ thống quản trị tập trung của Trung Quốc lại chứng tỏ những ưu thế nhất định. Một hệ thống sản xuất hoàn chỉnh mang tính tự cung tự cấp và thị trường nội địa rộng lớn sẽ đóng vai trò quan trọng trong hướng đi mới của Trung Quốc trong tương lai.

“Trung Quốc hiện có 500 - 700 triệu người có thu nhập trung bình. Và chỉ nhóm dân số này cũng có thể trở thành nguồn tăng trưởng kinh tế cho Trung Quốc trong 5 năm tới”, các nhà nghiên cứu của CASS khẳng định.

“Bối cảnh bên ngoài Trung Quốc đang trải qua những thay đổi rõ rệt ngay cả trước đại dịch, như xung đột thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Trung Quốc sẽ dựa nhiều hơn vào nhu cầu nội địa để tăng trưởng. Sau tất cả, họ vẫn sở hữu thị trường lớn nhất thế giới”, Tang Jianwei, Giám đốc nghiên cứu tại Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc, nhận định.

Đại dịch bùng phát cũng đã ảnh hưởng đến những mục tiêu quan trọng của Trung Quốc, trong đó có mục tiêu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế của năm 2020 so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm 6,8% trong quý I, làm tiêu tan mọi hy vọng có thể đạt được mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người tối thiểu 6,5%.

Ý tưởng cho rằng Trung Quốc nên dựa vào chính mình nhiều hơn và phát triển một nền kinh tế tập trung hơn vào nội lực đã được thông qua tại cuộc họp Bộ Chính trị gần đây do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì.

Tại cuộc họp, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc có thể áp dụng mô hình phát triển mới, huy động cả nguồn lực kinh tế quốc gia và động lực kinh tế quốc tế thay chỉ tập trung vào các thị trường nước ngoài như trước.

Xu thế hướng nội này được củng cố bởi Kế hoạch “hướng Tây” công bố hôm 17.5, theo đó, Chính phủ Trung Quốc cam kết tăng cường đầu tư vào các dự án công nghiệp ở khu vực miền Trung và miền Tây để bù đắp thiệt hại cho các tỉnh phía Đông bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch.

Cụ thể, Kế hoạch bao gồm một loạt sáng kiến cơ sở hạ tầng giao thông mới cho các khu vực phía Tây đất nước, như dự án đường sắt Tứ Xuyên - Tây Tạng, hay tuyến đường sắt cao tốc dọc sông Dương Tử, cùng nhiều sân bay, hồ chứa và các dự án thủy lợi. Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ phát triển những dự án năng lượng mới, như các cơ sở ngầm chứa dầu và khí đốt, đồng thời khuyến khích các dự án công nghiệp chuyển hướng hoạt động về phía Tây thay vì di dời ra nước ngoài.

Một lĩnh vực quan trọng khác mà Trung Quốc sẽ có thay đổi mang tính bước ngoặt trong Kế hoạch 5 năm sắp tới là công nghệ. Thời gian qua, Mỹ và hàng loạt quốc gia đã nhằm mục tiêu vào Huawei - gã khổng lồ về viễn thông Trung Quốc. Nước này cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ cao vào Trung Quốc. Điều này buộc các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh phải suy nghĩ làm thế nào để không còn phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.

Trung Quốc sẽ tận dụng nguồn lực của mình để tăng cường đổi mới công nghệ, tự đáp ứng những nguyên liệu công nghệ cao mà Mỹ đã hạn chế xuất khẩu để giải quyết nút thắt, đồng thời đầu tư nhiều hơn cho các lĩnh vực tiên tiến để phát triển kinh tế. Các kế hoạch nhằm nâng cao sản xuất chuỗi giá trị mang tên “Made in China 2025” cũng sẽ nằm trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14.

Một kế hoạch bớt tham vọng

Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đặt ra 25 mục tiêu về tăng trưởng, đổi mới, phúc lợi và môi trường, trong đó 13 mục tiêu đã đạt được, chủ yếu liên quan đến xóa đói giảm nghèo. Một nghiên cứu vào giữa năm 2018 cho thấy, 4 mục tiêu sẽ bị chậm kế hoạch, trong đó có chi tiêu cho nghiên cứu - phát triển và cải thiện chất lượng nước. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, thước đo cho mức độ hiện đại hóa nền kinh tế, chỉ chiếm 2,19% GDP năm 2019, trong khi mục tiêu kế hoạch đề ra là 2,5% khi kết thúc năm 2020.

Đại dịch bùng phát cũng đã ảnh hưởng đến những mục tiêu quan trọng của Trung Quốc, trong đó có mục tiêu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế của năm 2020 so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm 6,8% trong quý I, làm tiêu tan mọi hy vọng có thể đạt được mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người tối thiểu 6,5%.

Ding Shuang, nhà kinh tế tại Ngân hàng Standard Chartered, nhận định, mục tiêu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế có ý nghĩa chính trị quan trọng, vì đây là thước đo Bắc Kinh có giữ lời hứa với người dân hay không. Theo ông, việc phải chấp nhận một số mục tiêu không đạt hoặc chậm so với kế hoạch do bóng ma đại dịch COVID-19 sẽ thúc đẩy Bắc Kinh đặt ra những mục tiêu ít cứng nhắc hơn và ít tham vọng hơn trong các kế hoạch 5 năm sắp tới.

Trong khi đó, Giáo sư tài chính tại Trường Quản lý Guanghua, Đại học Bắc Kinh, Michael Pettis cho rằng, việc quay lại với mô hình kế hoạch hóa tập trung hoặc tự cung tự cấp sẽ không phải là hướng đi chiếm ưu thế vì nền kinh tế Trung Quốc đã đạt đến độ “chín” nhất định.