Khoản thuế mới cho các chuyến bay từ Pháp

Theo Dũng Nguyễn/doanhnhansaigon.vn

Năm 2020, chi phí cho chuyến đi đến các địa chỉ du lịch nổi tiếng của nước Pháp sẽ tăng thêm một chút, một khoản chi bạn hoàn toàn không muốn mà buộc phải chi.

Kể từ đầu năm 2020, hành khách cất cánh bay ra khỏi lãnh thổ Pháp sẽ phải đóng một khoản thuế mới gọi là “eco-tax”. Nguồn: internet
Kể từ đầu năm 2020, hành khách cất cánh bay ra khỏi lãnh thổ Pháp sẽ phải đóng một khoản thuế mới gọi là “eco-tax”. Nguồn: internet

Ngày 9/7/2019 mới đây, Bộ Giao thông vận tải Pháp thông báo, kể từ đầu năm 2020, hành khách cất cánh bay ra khỏi lãnh thổ Pháp sẽ phải đóng một khoản thuế mới gọi là “eco-tax” (thuế môi trường).

Cơ quan này dự kiến trong năm 2020 sẽ thu được khoảng 180 triệu euro thuế môi trường và số tiền này sẽ được đầu tư vào việc “xanh hóa” hạ tầng cơ sở giao thông vận tải Pháp, kể cả hệ thống đường sắt vốn đã nổi tiếng từ mấy chục năm qua với các đoàn tàu cao tốc TGV (trains à grande vitesse).

Thuế môi trường áp lên hành khách như sau: Thu khi bán vé; Áp dụng với tất cả hành khách của mọi hãng hàng không; Áp dụng với mọi chuyến bay cất cánh từ mọi sân bay Pháp đến mọi điểm đến (miễn thuế cho những điểm đến tại các lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp); Thuế khi bay liên châu Âu (gồm 1,5 euro/vé hạng phổ thông và 9 euro/vé hạng thương gia); Thuế bay khỏi châu Âu (gồm 3 euro/vé hạng phổ thông và 18 euro/vé hạng thương gia); Hành khách trung chuyển tại các sân bay Pháp khi bay đến điểm đến cuối không phải đóng thuế môi trường,

Không chỉ hành khách mà các hãng bay sẽ không “thích” eco-tax này. Hãng hàng không quốc gia Pháp (Air France) từng lên tiếng phản đối vì sẽ là một trong những hãng bay chịu ảnh hưởng nặng nhất trong hoàn cảnh đã luôn phải chịu áp lực cạnh tranh từ các hãng bay giá rẻ, hãng bay khu vực lẫn các hãng quốc tế.

Air France tính ra rằng, khi áp dụng thuế môi trường, họ sẽ phải chi thêm trên 60 triệu euro mỗi năm. Hiệp hội vận chuyển hàng không quốc tế (IATA) cũng không tán đồng. Và dĩ nhiên người dân Pháp chẳng ủng hộ. Họ cho rằng đây là phương cách thu từ một phương tiện vận chuyển này để rót vốn cho một phương tiện vận chuyển khác.

Tuy nhiên, eco-tax của Pháp cũng phần nào dễ chấp nhận hơn khoản thuế hành khách đáp máy bay (Air Passenger Duty - APD) áp dụng tại Anh (thấp nhất là 26 bảng Anh, đến 172 bảng Anh/chuyến bay xa; sau 12 tháng, tính đến cuối tháng 3/2019 đã thu được 3,6 tỷ bảng Anh, và hãng British Airways là hãng nộp nhiều nhất cho khoản thuế này).

Khoản thuế tương đương áp dụng tại nước Đức cũng khá cao, mỗi năm chính phủ Đức thu về hơn 1 tỷ euro (chặng bay ngắn, thuế hàng không 7,38 euro; chặng bay tầm trung, thuế 23,05 euro và chặng bay tầm xa, thuế hàng không 41,49 euro).