Không sớm thì muộn một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới cũng sẽ xảy ra

Theo Như Quỳnh/kinhtevadubao.vn

"Không sớm thì muộn một cuộc khủng hoảng tài chính mới cũng sẽ xảy ra. Phải nhớ rằng chúng ta sắp chấm dứt thời kỳ tiền giá rẻ tràn ngập", nhà đầu tư kỳ cựu Mark Mobius ở các nước đang phát triển cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Singapore. "Đó thực sự là 1 sức ép lớn cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào tiền giá rẻ để duy trì hoạt động".

Mark Mobius: Không sớm thì muộn một cuộc khủng hoảng tài chính mới cũng sẽ xảy ra. nguồn: kinhtevadubao.vn
Mark Mobius: Không sớm thì muộn một cuộc khủng hoảng tài chính mới cũng sẽ xảy ra. nguồn: kinhtevadubao.vn
Theo Mark Mobius, sau khi Mỹ bắn những phát súng mới trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, các thị trường chứng khoán mới nổi sụt giảm thêm 10% nữa sẽ không phải là điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra trong năm nay.

Đây không phải là lần đầu có dự báo về nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Gần đây, nhà đầu cơ huyền thoại, tỷ phú George Soros cũng bày tỏ lo ngại rằng “một cuộc khủng hoảng tài chính lớn” nữa có thể sắp xảy ra.

Trước đó, tại Hội nghị quốc tế về Bảo hiểm tiền gửi diễn ra vào ngày 16/2/2017, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda cảnh báo, lãi suất thấp tại các tổ chức tài chính hiện nay có thể đang tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Đây được coi là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất của Thống đốc BoJ về nhược điểm của chính sách nới lỏng tiền tệ mà các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới hiện đang theo đuổi.

Còn Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu kể từ cuối năm 2015 đến 2016 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra cảnh báo rằng, nguy cơ đổ vỡ nợ và các hệ thống tài chính toàn cầu sẽ khó tránh được khủng hoảng lan rộng.

Theo cảnh báo của IMF, BIS (Ngân hàng Thanh toán Thế giới), WB (Ngân hàng Thế giới) và nhiều tổ chức khác, hệ thống tài chính toàn cầu đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng như giai đoạn 2008-2009, mà nguyên nhân và kịch bản của khủng hoảng này có phần như lặp lại. Đúng hơn, mồi lửa nhóm lên những lo ngại lại có vẻ giống nhau, đều mang một tên gọi chung là “Nợ khủng”.

Thanh khoản chặt chẽ hơn khi Cục Dự trữ Liên bang và Ngân hàng Trung ương Châu Âu bình thường hóa chính sách tiền tệ đã đè nặng lên các thị trường mới nổi. Bên cạnh đó còn là áp lực đến từ đồng USD tăng giá và bức tranh thương mại quốc tế ngày càng xấu đi. Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở nên tồi tệ hơn bởi nhiều khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ không gặp trở ngại trong việc thiết lập chính sách thuế quan của mình vì tác động lạm phát sẽ đến cùng lúc với mức lương của người Mỹ tăng lên vào thời điểm tỷ lệ thất nghiệp thấp.

Theo Mobius, chỉ số MSCI Emerging Markets Index sẽ giảm thêm 10% nữa so với mức hiện nay. So với mức đỉnh được lập cuối tháng 1, chỉ số này đã giảm khoảng 16%.

Trong khi đó chỉ số MSCI Emerging Markets Currency Index thống kê diễn biến của các đồng tiền mới nổi đã giảm khoảng 7% so với đỉnh được lập hồi cuối tháng 3, buộc các NHTW từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Argentina và Indonesia phải tăng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ.

Mobius nhận định các đợt tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến các nước có mức nợ cao, Chính phủ các nước này cần phải đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, bất chấp những nhận định đầy bi quan nói trên, nhà đầu tư 81 tuổi này vẫn coi đợt sụt giảm sẽ là 1 cơ hội để mua vào. Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ có thể hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại nhờ vào việc sụt giảm đồng nội tệ trong khi Ấn Độ, Hàn Quốc và Việt Nam có thể vẫn ổn trước chủ nghĩa bảo hộ đang ngày càng gia tăng.
Ông cũng chỉ ra một số lĩnh vực có khả năng hưởng lợi từ chiến tranh thương mại. Ở Ấn Độ đó là ngành sản xuất, Hàn Quốc là công nghệ, Brazil là nông nghiệp và Việt Nam là ngành da giày.