Khủng hoảng lương thực lộ diện

Theo Vneconomy

Vấn đề lương thực đã trở thành đề tài nóng nhất từ đầu năm tới nay, kéo theo những bất ổn chính trị xã hội ở nhiều quốc gia. Đây cũng là một trong những chương trình nghị sự quan trọng nhất tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế trong tuần qua.

Ngày 15/2, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert B. Zoellick cho biết, năm 2010, giá lương thực thế giới đã tăng 29%, chỉ thấp hơn 3% so với mức giá thời khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008.

Theo ông, giá lương thực thế giới đã tăng đến mức nguy hiểm, đẩy thêm ít nhất 44 triệu người ở các nước đang phát triển vào cảnh nghèo khó, bên cạnh hơn 900 triệu người đã phải sống cùng khổ trước đó, đe dọa sự ổn định chính trị. Do vậy, an ninh lương thực nay đã trở thành vấn đề an ninh toàn cầu, rất cần sự hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức đang ngày một gia tăng.

Báo cáo trước đó của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho thấy một cái nhìn toàn cảnh hơn, trong đó giá nông sản, lương thực và nhu yếu phẩm tăng cao chưa từng thấy kể từ năm 1990 và chưa có dấu hiệu đảo ngược. Chỉ riêng trong tháng 1/2011, giá lương thực tăng 3,4% so với tháng 12/2010. Từ tháng 5/2010 đến nay, giá lúa mỳ, ca cao tăng 6%. Riêng giá cà phê tăng 30% trong cùng thời kỳ.

FAO cho biết chỉ số giá cả của 55 mặt hàng nhu yếu phẩm được coi là “tất yếu” bao gồm thịt, ngũ cốc, đường, sữa… trong tháng 1/2011 đã lên tới gần 231 điểm, tăng so với 224 điểm của hồi tháng 6/2008 - thời điểm được coi là “nóng” nhất của cuộc khủng hoảng lương thực thế giới năm 2008.

Xuất phát từ những thực trạng trên, Chủ tịch WB kêu gọi có hành động toàn cầu để đảo ngược xu thế tăng giá lương thực nguy hiểm hiện nay. Các quốc gia cần chia sẻ nhiều thông tin hơn về mức cung cấp lương thực trên thế giới nhằm tránh phản ứng quá mức về những đột biến trong nguồn cung; thiết lập các mạng lưới an ninh lương thực hiệu quả hơn cho người nghèo; minh bạch hơn để công chúng có thể tiếp cận nhiều hơn các thông tin về số lượng và chất lượng lương thực dự trữ toàn cầu.

Tại Diễn đàn Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) diễn ra 3 ngày sau đó, hôm 18/2, các chuyên gia lương thực Liên hợp quốc cũng đã kêu gọi ưu tiên đầu tư hơn nữa của cả khu vực công và tư vào phát triển nông nghiệp, nhằm tăng năng suất và sản lượng lương thực nhằm mục tiêu ngăn chặn hiểm họa bùng phát tăng giá lương thực dẫn đến khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Theo ông David Nabarro, điều phối viên cấp cao của Liên hợp quốc về an ninh lương thực toàn cầu, hiện trạng thiếu đầu tư như là một trong bốn thách thức chính đối với an ninh lương thực toàn cầu cùng với ba thách thức khác là giá cả gia tăng, các thảm họa thiên nhiên, biến động và mất ổn định chính trị.

Ông Paul Larsen, Giám đốc quan hệ đa phương của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) nhấn mạnh, tình hình lương thực toàn cầu đã cực kỳ nguy hiểm không khác gì “sóng thần lặng lẽ” cần ứng phó khẩn cấp. Khác với tình hình trước khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008, ngày nay, thế giới đã nhận rõ được nguy cơ.

Tuy nhiên, theo một báo cáo của Viện Chính sách trái đất, thì khủng hoảng lương thực 2011 không còn là nguy cơ mà đã bắt đầu lộ diện. Tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Washington (Mỹ) này cho rằng, hiện tượng thiếu hụt lương thực vốn được cảnh báo từ lâu, đã bắt đầu rõ nét từ đầu năm 2011.

Matthew Roney, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Chính sách trái đất, cho rằng có nhiều yếu tố dẫn đến khủng hoảng lương thực. Nhìn từ góc độ sản xuất, đất đai canh tác ngày càng khan hiếm do các hiện tượng đất bị xói mòn, nhiễm mặn, sa mạc hóa …. Các mạch nước ngầm đang bị cạn và còn bị chia sẻ cho thành phố. Thêm vào đó, đương nhiên còn phải kể đến hiện tượng trái đất ngày càng bị hâm nóng, khí hậu bị đảo lộn, gây nhiều thiên tai và thiệt hại mùa màng.

Nạn cháy rừng tràn lan tại Nga vào mùa hè năm ngoái, đợt lũ lịch sử ở bang Queensland, Australia trong hai tháng qua, tiếp theo đó là các đợt bão tuyết bất ngờ làm tê liệt nhiều bang miền Đông nước Mỹ… đang khiến giới trồng trọt và chăn nuôi lo ngại.  Cũng chỉ cần mực nước sông Mekong và nước biển tăng thêm một mét, là cũng đủ để nhận chìm một nửa vựa lúa của Việt Nam cũng như là 19 khu vực châu thổ khác của châu Á.

Một điểm đáng quan ngại khác là năng suất nông nghiệp đã bước vào giai đoạn bão hòa. Ví dụ như tại Nhật Bản, năng suất trồng lúa liên tục gia tăng trong nhiều thập niên, tuy nhiên các chuyên gia đánh giá là từ 14 năm nay, chỉ số năng suất này đã bị chựng lại. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang tiến gần đến mức thu hoạch tối đa tương tự như tại Nhật Bản.

Yếu tố sau cùng khiến mức cung trên thị trường nông phẩm thế giới đang trên đà chựng lại là do một phần đất canh tác được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Điển hình là khu vực chung quanh thung lũng Central Valley bang California ; vùng châu thổ sông Nil bên Ai Cập cũng như là tại nhiều nơi khác tại hai nước rộng lớn ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ

Viện Chính sách trái đất đã đề xuất những biện pháp giải quyết tình trạng trên, mà điều kiện tiên quyết là hạ giá lương thực, như: giảm việc sử dụng ngô để chế biến ethanol bởi việc này không lợi về mặt kinh tế cũng như an toàn thực phẩm; bảo vệ nguồn nước và diện tích canh tác khi gần nửa dân số trên Trái Đất bị đe dọa bởi nạn thiếu nước và hạn hán; giảm bớt tiến trình đô thị hóa.

Việc bảo vệ nguồn lương thực và an toàn thực phẩm phải là bổn phận và trách nhiệm toàn cầu, nghĩa là từng quốc gia, từng chính phủ đồng lòng hợp tác với nhau. Ngoài ra, nỗ lực phòng chống khủng hoảng lương thực còn đòi hỏi hành động thực tiễn và sự hỗ trợ lẫn nhau trong từng cơ quan, từng ngành bộ của mỗi một chính phủ, cùng với ý thức và cảnh giác của từng cá nhân trong xã hội.

Theo Viện Chính sách trái đất, tình trạng bất ổn trên thế giới liên quan đến giá lương thực tăng chỉ là bước khởi đầu. Sẽ đến lúc các quốc gia không đối đầu với nhau bằng vũ khí nữa mà đối đầu với nhau vì thiếu nước uống, thiếu lương thực, giá nhu yếu phẩm tăng vọt kéo theo hỗn loạn và bất ổn chính trị. Đó là tương lai của nhân loại nếu không có biện pháp khắc phục đúng lúc và kịp thời.