Khủng hoảng nợ châu Âu sẽ tác động tới Mỹ ra sao?

Theo VITINFO

Lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ châu Âu hồi tháng trước đã khiến chứng khoán Mỹ trải qua một tháng tồi tệ nhất trong hơn một năm qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, lo ngại về việc châu Âu sẽ là trở ngại cho nền kinh tế Mỹ bị thổi phồng quá mức.

 

Các chuyên gia lưu ý rằng, thương mại giữa Mỹ và châu Âu còn tương đối nhỏ. Các ngân hàng Mỹ cho đối tác châu Âu vay hàng tỷ USD và vẫn có đủ vốn để chống lại những thiệt hại từ khủng hoảng.
Ngoài ra, Liên minh châu Âu đang chuẩn bị gói cứu trợ trị giá một nghìn tỷ USD cho các nước thành viên còn yếu trong liên minh. Ngân hàng trung ương Mỹ đã bắt đầu mua nợ chính phủ để bảo vệ các ngân hàng châu Âu và các đối tác của Mỹ khỏi nguy cơ vỡ nợ từ các nước EU.
Theo các chuyên gia, những lo ngại đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ tạm thời chững lại. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm hơn 12% kể từ cuối tháng Tư. Tuy nhiên, các nền tảng của nền kinh tế Mỹ vẫn được duy trì an toàn.
“Các mối liên hệ vật chất với châu Âu không đủ lớn để tác động tới nền kinh tế Mỹ,” trưởng nhóm các nhà kinh tế Bắc Mỹ thuộc ngân hàng Bank of America Merrill, Lynch Ethan Harris, cho biết. Tuy nhiên vẫn tiềm ẩn những rủi ro sau:

Những rủi ro đối với ngân hàng
Nếu các nước châu Âu mắc nợ, các ngân hàng lớn của Mỹ có hoạt động tại châu Âu có thể sẽ bị ảnh hưởng. Các ngân hàng Mỹ không giữ nhiều nợ quốc gia của Hy Lạp, Tây Ban Nha và các nước khác, nhưng họ lại đầu tư mạnh vào các ngân hàng châu Âu lớn – những ngân hàng có nguy cơ cao nhất khi châu Âu rơi vào khủng hoảng nợ.
Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo rằng, các ngân hàng châu Âu có thể phải giảm giá trị tài sản trên sổ sách khoảng 239 tỷ USD trong năm nay và năm tới. Những thiệt hại như vậy có thể giúp các ngân hàng châu Âu không phải hoàn nợ cho các công ty tài chính của Mỹ. Và nếu các ngân hàng của Mỹ lo ngại về điều này, thì các khoản cho nước ngoài vay sẽ dừng lại.
Đối với châu Âu, ngân hàng Mỹ có khoảng 1,1 nghìn tỷ USD cổ phần, tương đương 38% của 3,1 nghìn tỷ giá trị các khoản vay và chứng khoán phát sinh so với các ngân hàng nước ngoài. Chứng khoán phát sinh là các khoản đầu tư có giá trị phụ thuộc vào giá của tài sản cơ bản, chẳng hạn như cổ phiếu hoặc tài sản thế chấp.
Gần đây, Goldman Sachs cho rằng, các thiệt hại đáng kể từ việc đầu tư gắn với châu Âu sẽ khiến các ngân hàng Mỹ giảm cho vay. Một cuộc khủng hoảng tín dụng sau có thể làm giảm 1,5% tăng trưởng của Mỹ và có thể gây ra suy thoái.
Trên thực tế, theo trưởng nhóm các nhà kinh tế Bắc Mỹ thuộc ngân hàng Bank of America, Merrill Lynch Ethan Harris, các mối đe dọa từ Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý và Bồ Đào Nha -  những quốc gia yếu nhất trong khu vực đồng euro - về bản chất là không lớn. Ngân hàng Mỹ chỉ cho các nước trên vay 165,9 tỷ USD, tương đương 5,4% các khoản nợ và chứng khoán phát sinh của các ngân hàng Mỹ. Còn với các tài khoản châu Âu khác, Mỹ cũng chỉ cho vay khoảng 10% trên tổng sổ tài sản trị giá 12 nghìn tỷ USD.
Ngoài ra, ngân hàng trung ương châu Âu đã bắt đầu mua trái phiếu chính phủ châu Âu. Điều này có thể hạn chế thiệt hại cho các ngân hàng châu Âu và tránh khỏi rủi ro từ một hoặc nhiều nước EU.

Những rủi ro đối với xuất khẩu

Cục phân tích Kinh tế Mỹ cho biết, 30% hàng hóa và dịch vụ của Mỹ (tương đương 461 tỷ USD) được xuất khẩu sang châu Âu.
Những khó khăn về kinh tế tại châu Âu có thể làm giảm nhu cầu tại thị trường này đối với hàng xuất khẩu từ Mỹ, từ đó sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế nước này.
Xuất khẩu có thể bị tổn thương theo hai cách: Thứ nhất, đồng USD mạnh hơn so với đồng euro khiến hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trở nên đắt hơn cho người mua hàng nước ngoài. Vì vậy, sức mua sẽ ít hơn. Thứ hai, việc cắt giảm ngân sách của các quốc gia châu Âu tiếp tục giảm khả năng tài chính của khách hàng trong việc tiếp cận các sản phẩm của Mỹ.
Cuộc khủng hoảng của châu Âu còn có thể gây tổn thương một cách gián tiếp tới Mỹ. Các nền kinh tế châu Á là những nhà xuất khẩu lớn sang thị trường châu Âu. Nếu nền kinh tế yếu kém của châu Âu cắt giảm nhập khẩu từ châu Á, khi đó, nhu cầu của châu Á đối với hàng hóa của Mỹ cũng chậm theo.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo ông Harris, tăng trưởng xuất khẩu yếu hơn sẽ không ảnh hưởng tới sự phục hồi của Mỹ. Xuất khẩu chỉ chiếm 12% trong các hoạt động kinh tế Mỹ. Xuất khẩu của Mỹ sang châu Âu chỉ chiếm 3% GDP của Mỹ, ít hơn so với phần trăm của ngành công nghiệp ô tô của nước này.
Ngược lại, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang châu Á, nơi có nền kinh tế mạnh hơn rất nhiều so với châu Âu, chiếm 27% toàn bộ xuất khẩu của Mỹ trong năm ngoái. Xuất khẩu của Mỹ sang châu Á sẽ hạn chế các doanh nghiệp giảm xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Hiện tại, tỷ giá tiền tệ của Trung Quốc so với đồng đô la Mỹ đang bị kìm lại, do vậy, khách hàng Trung Quốc vẫn đủ khả năng mua hàng hóa của Mỹ, ngay cả khi đồng đô la tiếp tục tăng so với đồng euro.

Những rủi ro cho các nhà đầu tư:
Chuyên gia kinh tế Harris cho biết, có lẽ mối đe dọa lớn hơn mà cuộc khủng hoảng châu Âu đem lại cho thị trường là mối lo ngại về tâm lý. Nếu vấn đề nợ lây lan sang nhiều nước EU, các nhà đầu tư có thể quyết định từ bỏ các cổ phiếu. Điều đó sẽ tác động tới đầu tư hưu trí của người Mỹ, chi tiêu tiêu dùng chậm và tổn thương nền kinh tế Mỹ.
Còn trên thực tế, khi đồng đô la tăng so với đồng euro, đồng thời giá dầu giảm. Khi đó, lãi suất thấp hơn và giá dầu thấp hơn sẽ giúp người tiêu dùng vay và chi tiêu nhiều hơn, điều đó sẽ dẫn tới phục hồi kinh tế nhanh hơn. Tiền sẽ bắt đầu chảy ngược lại cổ phiếu.