Kinh tế các nước “ngấm đòn”

Theo Lê Phan/doanhnhansaigon.vn

Dịch Covid-19 bùng phát, khiến nhiều nước phải phong tỏa, cách ly, đóng biên làm cho nền kinh tế thế giới thiệt hại nặng nề. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhiều nước đã ở mức âm trong quý I, dự kiến sẽ còn sụt giảm nghiêm trọng hơn trong quý II/2020...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Từ các nền kinh tế phát triển...

Theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell, kinh tế Mỹ có thể giảm tới 30% trong quý II nhưng sẽ tránh được một cuộc sụp đổ giống như đại suy thoái trong dài hạn. Dù vậy, theo mô hình dự báo của các chuyên gia kinh tế tại Bloomberg thì xác suất Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới đã lên 100%. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ gần đây cũng tăng vọt, một biểu hiện thường đi kèm khi suy thoái sắp xảy ra. Chính phủ Mỹ cho rằng, đại dịch có khả năng khiến nền kinh tế thiệt hại 7.900 tỷ USD trong 10 năm tới và cần phải mất 10 năm để phục hồi.

Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản cũng ghi nhận GDP giảm đến 3,4% trong quý I khi cả tiêu dùng tư nhân, chi tiêu vốn và xuất khẩu đều sụt giảm. Các chuyên gia phân tích dự đoán trong quý II, kinh tế Nhật Bản sẽ giảm đến 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu đúng vậy, đây sẽ là mức sụt giảm mạnh chưa từng có và cho thấy nền kinh tế thế giới vốn được dự báo sẽ chứng kiến đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái những năm 1930. Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra gói kích thích kinh tế lớn kỷ lục, 1.000 tỷ USD, còn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã mở rộng chính sách kích thích liên tiếp.

Nền kinh tế lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU) là Đức dự kiến sẽ suy thoái ở mức hai con số trong năm nay do đại dịch Covid-19, đánh dấu đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ khi thành lập Cộng hòa Liên bang Đức năm 1949. Viễn cảnh này tồi tệ hơn rất nhiều so với mức dự báo giảm 6,3% được đưa ra trước đó. Trong quý I, nền kinh tế Đức đã rơi vào suy thoái sau khi GDP giảm 2,2% so với quý IV/2019, trong đó vốn đầu tư, tiêu dùng tư nhân và xuất khẩu đều sụt giảm nghiêm trọng.

Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực là Pháp đã “bơm” 110 tỷ euro để hỗ trợ trực tiếp cho nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng. Con số để vực dậy nền kinh tế nước này có thể lên đến 450 tỷ euro, tương đương 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Dự kiến, Chính phủ Pháp sẽ điều chỉnh con số trên với luật sửa đổi ngân sách 2020 vào ngày 10/6/2020 tới. Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ giảm 7,7% trong năm 2020, khi châu Âu đối mặt với cú sốc kinh tế chưa có tiền lệ kể từ cuộc đại suy thoái 1930.

Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore mới đây đánh dấu lần thứ ba cắt giảm mạnh dự báo kinh tế năm 2020, sau khi quý I tăng trưởng âm 0,7% và nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng bởi virus Corona chủng mới trong quý thứ hai. Cụ thể, nền kinh tế Singapore hiện dự kiến sẽ thu hẹp từ mức 4-7% trong năm nay, trước đó Singapore dự báo GDP sẽ giảm từ 1-4%.

... Đến nhóm mới nổi và đang phát triển

Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs cho biết, nền kinh tế Ấn Độ sẽ co lại ở mức kỷ lục 45% trong quý II do tác động của dịch Covid-19. Tăng trưởng có thể hồi phục 20% trong quý III và 14% ở quý IV, nhưng GDP cả năm vẫn sụt giảm 5%. Goldman Sachs mô tả đây là cú suy thoái “tàn khốc”.

Dự báo này được đưa ra bất chấp việc chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố gói kích thích 265 tỷ USD, tương đương 10% GDP để hỗ trợ nền kinh tế chống chọi với tác động của dịch Covid-19. Gói cứu trợ bao gồm các khoản hỗ trợ doanh nghiệp và giúp đỡ hộ nghèo.

Trong khi đó, Trung Quốc lần đầu tiên bỏ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Lý do được ban lãnh đạo nước này đưa ra là vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với một số diễn biến khó đoán vì sự bất ổn từ đại dịch cũng như môi trường kinh tế và thương mại toàn cầu. Còn giới phân tích cho rằng động thái đi chệch khỏi thông lệ này cho thấy mức thiệt hại nghiêm trọng do dịch bệnh mà Trung Quốc đang phải gánh chịu.

Trong nhiều năm qua, kể từ mở cửa và đổi mới, kinh tế Trung Quốc luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, nhưng đà suy yếu đã bắt đầu xuất hiện trong ba năm trở lại đây, khi dòng vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu rút ròng khi nhận thấy những rủi ro mà nền kinh tế nước này đang đối mặt, và sau đó là việc Trung Quốc rơi vào cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Trong quý I, kinh tế Trung Quốc suy giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu sự đảo chiều lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ tăng trưởng nóng. Trong thời gian tới, thay vì tập trung vào tăng trưởng, Bắc Kinh chuyển trọng tâm sang giải quyết việc làm và ổn định nền kinh tế, với mục tiêu tạo hơn 9 triệu việc làm ở đô thị, thấp hơn mục tiêu khoảng 11 triệu việc làm của năm 2019.