Kinh tế Châu Á năm 2011 được dự báo tăng trưởng chậm lại

Theo IMF

Các quốc gia Châu Á được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 7% trong năm 2011, dưới mức 8% của năm 2010. Khu vực sẽ tiếp tục rút dần các chương trình kích thích và kiểm soát dòng vốn lớn chảy vào, nhà kinh tế học Anoop Singh thuộc IMF nhận định.

Theo ông Anoop Singh, Giám đốc Bộ phận Châu Á Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục dẫn dắt sự đi lên của kinh tế Châu Á trong năm 2011. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu kinh tế khả quan, vẫn có những nguy cơ rình rập trong khu vực. Những nguy cơ này chủ yếu đến từ môi trường bên ngoài như việc nền kinh tế thế giới có thể tăng trưởng chậm hơn dự kiến. Ngoài ra, hiệu ứng lan tỏa đến từ các quốc gia phát triển, đặc biệt khu vực Châu Âu cũng có thể là nguồn gốc của những lo ngại khác.

Mức tăng trưởng 7%, dù chậm lại so với năm 2010, nhưng vẫn là mức tăng trưởng cao đối với nền kinh tế. Điều này sẽ kéo theo hai thách thức cho Châu Á. Vấn đề đầu tiên liên quan tới việc kết thúc các chương trình kích thích mà rất nhiều các quốc gia Châu Á đang sử dụng. Sản lượng của nhiều nền kinh tế Châu Á đang ở trên mức tiềm năng và áp lực lạm phát đang gia tăng. Do đó, theo IMF, mặc dù nhiều quốc gia đã có những bước đi để gỡ bỏ các chương trình kích thích, việc này vẫn cần được tiến hành mạnh hơn nữa trong năm 2011 trong bối cảnh các đồng nội tệ đang mạnh lên.

Vấn đề thứ hai đối với các quốc gia Châu Á là việc làm cách nào để kiểm soát được dòng vốn nóng đang ồ ạt chảy vào một số quốc gia. Một phần điều này xuất phát từ sự chênh lệch phát triển giữa các quốc gia. IMF dự báo kinh tế Châu Á sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với các nền kinh tế phát triển. Những dòng vốn này đồng thời cũng đem tới những cơ hội tăng trưởng cho các quốc gia. Vì vậy, các quốc gia cần xây dựng những chương trình hành động để đảm bảo các dòng vốn này sẽ tạo ra động lực đầu tư và sự hợp tác lớn hơn trong trung hạn.

Song song với đó, các quốc gia Châu Á sẽ gặp thách thức duy trì sự ổn định tài chính. Do đó, các quốc gia sẽ thực hiện các biện pháp kinh tế vĩ mô để đối phó với trở ngại này. Ông Singh cũng cho rằng các quốc gia nên thực hiện chế độ tiền tệ linh hoạt, hạn chế được những rủi ro đến từ dòng vốn lớn.

 

Để duy trì tăng trưởng với tốc độ như hiện nay, khu vực Châu Á cần giảm sự phụ thuộc của mình vào tăng trưởng xuất khẩu và cần đề cao sự quan trọng của tái cân bằng. Từ đó, cải thiện nhu cầu nội địa trong các nền kinh tế.