Kinh tế đêm – Cỗ máy hái ra tiền của các “quốc gia không ngủ”

Theo Hương Dương/thoibaonganhang.vn

Hàng nghìn quán ăn, cửa hàng, dịch vụ thương mại, mua sắm, giải trí, nghệ thuật sôi động ngày đêm, thậm chí còn rộn ràng hơn khi mặt trời lặn đã biến những thành phố không ngủ như London (Anh), Madrid, Ibiza (Tây Ban Nha… trở thành thánh địa vui chơi, thu hút hàng trăm triệu du khách mỗi năm, đồng thời mang tới nguồn doanh thu khổng lồ cho ngành du lịch.

“Không ai đi ngủ ở Madrid”

Ibiza thuộc quần đảo Balearic – Tây Ban Nha được gắn với tên gọi “hòn đảo tiệc tùng” với những câu lạc bộ, quán bar hoạt động thâu đêm trong tiếng nhạc EDM kéo dài tới tận sáng hôm sau. Thậm chí từng có ý kiến phản đối việc đóng cửa các quán bar sớm tại Ibiza sẽ dẫn tới tình trạng lượng lớn khách du lịch tràn ra đường vào ban đêm không có chỗ để đi, dẫn tới nhiều tệ nạn xảy ra. Ibiza ban đêm còn thuận tiện tới mức du khách dễ dàng lựa chọn vô số taxi giá rẻ để di chuyển nếu không muốn sử dụng phương tiện công cộng.

Những đêm không ngủ ở Ibiza
Những đêm không ngủ ở Ibiza

Dịch vụ đa dạng, tiệc tùng không ngừng, Ibiza trở thành thiên đường của những buổi tiệc thâu đêm bên bờ Địa Trung Hải. Những ngôi sao tên tuổi như Leonardo DiCaprio, Lindsay Lohan, Paris Hilton, Justin Bieber, Orlando Bloom… cùng giới giàu có đều lựa chọn Ibiza là điểm hẹn vui chơi tới bến. Theo thống kê, lượng khách du lịch tới quần đảo Balearic năm 2018 đạt 13,8 triệu lượt, gấp 10 lần dân số tại đây. Năm 2017 doanh thu từ du lịch của Balearic chiếm tới 45% tổng GDP của quần đảo và mang lại 1/3 số việc làm cho cư dân trên đảo.

Một thiên đường giải trí dưới ánh đèn nổi tiếng khác cũng thuộc Tây Ban Nha là Madrid - nơi được mệnh danh là thành phố năng động nhất Châu Âu với sự sôi động, lộng lẫy của các cửa tiệm luôn rộng mở vào ban đêm. Nếu từng một lần tới Madrid, du khách sẽ được trải nghiệm bữa tối vào lúc 1h sáng và tình trạng kẹt xe xảy ra vào 3h sáng bởi số lượng người khổng lồ đổ ra đường tới các quán bar, nhà hàng, cửa hiệu sau nửa đêm là “chuyện cơm bữa”. Quảng trường Cổng mặt trời nằm tại trung tâm thành phố lung linh, rực rỡ suốt đêm. Những vũ điệu Flamenco mê hồn, hương thức ăn quyến rũ lan tỏa cùng nhịp sống hối hả khi đêm xuống khiến du khách khó lòng rời bước chân trở về khách sạn. 7,12 triệu lượt khách quốc tế đã tới Madrid năm 2018, để được cuồng nhiệt như người Tây Ban Nha đích thực.  

Miêu tả về những đêm dài bất tận ở Madrid, nhà văn Mỹ Ernest Hemingway từng nhận xét trong tiểu thuyết Death in the Afternoon rằng: "Đi ngủ vào ban đêm ở Madrid sẽ khiến người khác nghĩ bạn là kẻ lập dị. Không ai đi ngủ ở Madrid cho đến khi bóng đêm phải đầu hàng”.

Công thức hái ra tiền của nền kinh tế đêm

Madrid rất biết cách “móc hầu bao”của du khách vào ban đêm.
Madrid rất biết cách “móc hầu bao”của du khách vào ban đêm.

Giải trí ban đêm ở Madrid không đơn thuần là cuồng say trong các điệu nhạc ở quán bar, mà còn là chìm trong những buổi biểu diễn nghệ thuật, dạo chơi trên quảng trường hay ngắm nhìn vẻ lung linh của các công trình nổi tiếng khi lên đèn... Những trải nghiệm đa dạng về đêm của Madrid đã giữ chân mỗi du khách quốc tế lưu trú lại thành phố trung bình là một tuần, và móc hầu bao chi tiêu khoảng 219 Euro/ ngày, 1320 Euro cho cả chuyến đi (thống kê năm 2017).

Nhìn vào những Ibiza, Madrid, hay London, New York, Las Vegas… không khó để thấy mẫu số chung hút khách du lịch tới tiêu xài là sự đa dạng về các trải nghiệm từ giải trí, mua sắm, tới văn hóa, đặc biệt là khi đêm về. Nghiên cứu cho thấy, nếu chú trọng phát triển, khu vực kinh tế ban đêm của London có thể đóng góp gần 30 tỷ bảng mỗi năm vào đầu năm 2030, cao hơn 15% so với hiện nay. 

Còn ở Việt Nam, nếu nói ta chưa hề có kinh tế ban đêm thì cũng không hẳn. Nhưng chúng ta đã làm một cách bài bản, quy mô, đã hướng tới những giá trị thực sự để có thể giữ chân du khách lâu hơn, khiến họ chi tiêu nhiều hơn, có nhiều câu chuyện thú vị để kể về Việt Nam với gia đình, bạn bè hay chưa thì… chắc ai cũng rõ câu trả lời.

“Du lịch Việt Nam đang bỏ trống một khoảng lớn về dịch vụ ban đêm. Các sản phẩm du lịch hiện nay chỉ đang tập trung chủ yếu vào khung thời gian từ 7h sáng đến 5h chiều. Đây là sản phẩm tạo ra thu nhập cứng trong khi sản phẩm thu được nhiều tiền nhất là từ 6h tối đến 2h sáng lại không được phát triển nên du khách về đêm không có chỗ tiêu tiền, lang thang về ngủ sớm. Như vậy rất phí. Không có sản phẩm ban đêm, không cách gì giữ khách và tạo nguồn thu cho người dân địa phương cũng như ngân sách”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel khẳng định.

Chợ đêm Sơn Trà, Đà Nẵng.
Chợ đêm Sơn Trà, Đà Nẵng.

Những con phố không ngủ như Tạ Hiện ở Hà Nội, Bùi Viện ở TP. Hồ Chí Minh hay mới đây là phố đi bộ tại Sun World Halong Complex (Hạ Long)… vẫn chưa đủ để nền kinh tế đêm “thức giấc”. Những quán bar, vũ trường lẫn trong các khu dân cư đông đúc ở Đà Nẵng thậm chí gần đây được khuyến cáo “nên đóng cửa trước 12h”. Như thế, điệp khúc đi du lịch Việt Nam của du khách quốc tế sẽ mãi vẫn là dạo chơi, tắm biển,tham quan danh thắng, ăn đặc sản và… đi ngủ. Và chúng ta vẫn sẽ không bao giờ có thể lấp đầy được khoảng trống doanh thu du lịch với Thái Lan, khi khách quốc tế lưu lại Việt Nam và Thái Lan cùng khoảng thời gian hơn 9 ngày nhưng chỉ tiêu 96 USD mỗi ngày ở Việt Nam, còn ở Thái Lan là 163 USD.

Nhưng để phát triển kinh tế ban đêm bài bản lại không đơn thuần là gia tăng những quán bar, tụ điểm âm nhạc, chợ đêm hay phố đi bộ mà còn bao gồm hàng loạt dịch vụ đi kèm khác như dịch vụ vận tải, thương mại, thậm chí là giao dịch tài chính xuyên quốc gia, do đặc thù múi giờ khác nhau. Nhìn vào các trung tâm giải trí đêm đa chức năng, hiện đại và hấp dẫn như Clarke Quay ở Singapore, Lan Kwai Fong ở Hongkong (Trung Quốc)... nhiều người tự tin, với sự góp mặt của những doanh nghiệp du lịch mạnh như hiện nay, các thành phố du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… hoàn toàn có thể làm được như thế.

Chúng ta có thừa tiềm năng, nhưng lại đang thiếu chiến lược, cơ chế, chính sách cho kinh tế ban đêm. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo, yêu cầu các bộ, địa phương chủ động nghiên cứu chính sách kinh tế ban đêm mà Chính phủ Trung Quốc vừa ban hành. Động thái này liệu có phải là một tiếng chuông “đánh thức nền kinh tế ban đêm” tại nhiều điểm đến du lịch?