Kinh tế Hồng Kông suy giảm mạnh
Việc cho thuê căn hộ cao cấp ở Hồng Kông tiếp tục trượt giá trong quý ba vì những rủi ro do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và bất ổn xã hội tăng cao, đẩy nền kinh tế đặc khu này lần đầu tiên rơi vào suy thoái kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 10 năm.
Kinh tế suy yếu, giá bất động sản lao dốc
Căn hộ cao cấp ở đảo Hồng Kông - hòn đảo nằm ở phía nam của Đặc khu Hành chính Hồng Kông đã giảm giá 1,6% trong quý III vừa qua, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ quý II/2014, theo dữ liệu từ Công ty Tư vấn bất động sản Savills. Căn hộ cao cấp ở bán đảo Cửu Long và khu Tân giới giảm lần lượt 3,6% và 3,1%. Đây là quý thứ hai liên tiếp giá các căn hộ cao cấp ở ba khu vực này giảm mạnh.
Theo Savills, nhu cầu yếu từ các nhóm người Trung Quốc đại lục với ngân sách thuê nhà cao là lực cản chính đối với thị trường. Đã có gián đoạn trong công việc ở lĩnh vực tài chính và dịch vụ, vốn là một trụ cột trong thị trường căn hộ cấp cao Hồng Kông từ trước đến nay.
Chiến tranh thương mại và gần 5 tháng biểu tình chống chính quyền đã khiến nền kinh tế Hồng Kông rơi vào suy yếu với sự sụt giảm mạnh về xuất khẩu, chi tiêu hằng ngày và du lịch. Dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Hồng Kông từ mức âm 0,3% xuống âm 0,8% trong năm 2019.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông đến giờ vẫn chưa có lối thoát, nên đợt suy thoái này được dự báo sẽ kéo dài sang năm 2020.
Trước đó, chính quyền Hồng Kông đã công bố một kế hoạch 2 tỷ đô la Hồng Kông (HKD) để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biểu tình, sau khi công bố một gói kích cầu 19,1 tỷ HKD (2,4 tỷ USD) hồi tháng 8.
Quá căng thẳng do biểu tình nên lượng du khách quốc tế tới Hồng Kông đã giảm mạnh, như trong tháng 10, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo sự sụt giảm kỷ lục của doanh thu bán lẻ, cùng với đó là tỷ lệ thất nghiệp và số vụ phá sản gia tăng.
Dù vậy, ít nhất kinh tế Hồng Kông cũng có một điểm sáng, đó là ngành dịch vụ tài chính không chịu nhiều ảnh hưởng từ biểu tình. Chỉ số Hang Seng vẫn tăng 4% trong năm nay. Nhiều thương vụ IPO lớn vẫn diễn ra và nhà đầu tư vẫn xem Hồng Kông là cửa ngõ quan trọng vào châu Á. Theo số liệu của Cơ quan Quản lý tiền tệ Hồng Kông, dòng vốn rời đi không lớn, và HKD vẫn ổn định.
Thị trường căn hộ cao cấp là “nạn nhân”
Simon Smith - giám đốc dịch vụ cho thuê nhà khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận định: "Động lực chính của thị trường cho thuê căn hộ cao cấp ở Hồng Kông trong hai năm qua đến từ người ở đại lục Trung Hoa, thường liên quan đến kinh doanh, trong khi người địa phương đã bị hất ra khỏi thị trường bán hàng xa xỉ này".
Cho đến hiện tại, những yếu tố này vẫn giữ vững và các doanh nghiệp từ đại lục vẫn ở đó, ngay cả khi khối lượng giao dịch suy yếu.
Tuy nhiên, mọi thứ sẽ được phản ánh rõ ràng hơn khi Tết Nguyên đán đến gần. Chủ nhà sẽ cố gắng giữ giá cho thuê cho đến tháng 1/2020, thường là mùa cao điểm, và sau đó thị trường sẽ tùy thuộc vào cuộc chiến thương mại và những bất ổn xã hội có được giải quyết hay không.
Báo cáo của Savills cho thấy giá cho thuê căn hộ dịch vụ ở Hồng Kông thường là phân khúc ổn định nhất, cũng đã giảm 4,3% trong quý trước, với tỷ lệ lấp đầy tổng thể giảm xuống dưới 80%.
Điều này một phần là do tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn giảm xuống dưới 60% trong tháng 9, từ mức cao khoảng 95% vào đầu năm. "Khách sạn đang ngày càng được xem là một giải pháp thay thế cho các căn hộ dịch vụ", báo cáo viết.
Khu vực The Peak phía Tây Bắc bán đảo Hồng Kông, có mức sụt giảm lớn nhất trong các thị trường phụ của khu hành chính này, với mức giảm đến 2,3%. Khu dân cư Happly Valley/Jardine's Lookout, nằm phía đông bắc, giá thuê giảm 0,9%. Khu Cửu Long và Tân Giới đều giảm giá ở các thị trường con, trong đó Sai Kung giảm mạnh nhất ở mức 4,9%, tiếp theo là Tsim Sha Tsui và Hung Hom đều giảm xấp xỉ 4,1%.
Trong hai quý vừa qua, một số người Trung Quốc đại lục đã mua bất động sản xa xỉ ở Singapore, có giá trên 3.000 đô la Singapore/bộ vuông (foot square). Những giao dịch này đã tăng cao nhất kể từ quý I/2007, trước khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.