Kinh tế Mỹ sẽ ra sao với vòng thuế quan mới?

Theo Hoàng Nguyên/thoibaonganhang.vn

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng nóng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định áp thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa khác từ Trung Quốc kể từ ngày 24/9 và thuế suất sẽ được nâng lên 25% trong tháng 1/2019.

Thuế quan của Mỹ sẽ đánh mạnh vào túi tiền của người tiêu dùng.
Thuế quan của Mỹ sẽ đánh mạnh vào túi tiền của người tiêu dùng.
Chưa hết, ông Trump còn đe dọa sẽ tiếp tục thực hiện vòng thuế quan thứ 3 lên 267 tỷ USD hàng hóa khác, có nghĩa là toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ đều bị áp thuế, nếu phía Trung Quốc có hành động trả đũa.

Thế nhưng lời đe dọa của ông Trump không khiến cho phía Trung Quốc nao núng khi nước này tuyên bố sẽ áp thuế trả đũa lên 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, nâng tổng giá trị hàng hóa của Mỹ phải chịu thuế quan lên 110 tỷ USD. Cụ thể, Bắc Kinh sẽ áp thuế trên 5.207 sản phẩm của Mỹ - từ khí thiên nhiên hóa lỏng tới một số loại máy bay nhất định cũng như bột cacao và rau đông lạnh - ở mức 5 và 10%, Bộ Tài chính nước này cho biết.

Chưa biết liệu ông Trump có đạt được mục tiêu tạo sức ép lên Trung Quốc hay không, song theo các nhà kinh tế, vòng thuế quan này sẽ tác động không nhỏ tới kinh tế Mỹ khi mà danh mục thuế quan lần này của Mỹ chủ yếu đánh vào các vật dụng hàng ngày bao gồm thực phẩm, đồ nội thất và quần áo. Điều đó càng làm sâu sắc thêm ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đến chi tiêu của hộ gia đình, vốn chiếm khoảng 70% nền kinh tế Mỹ.

Động thái đánh thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc cũng như thuế nhập khẩu thép và nhôm đã buộc các nhà sản xuất ở Mỹ phải trả chi phí đầu vào cao hơn và họ đang cố gắng chuyển những chi phí này qua cho khách hàng.

Mặc dù các dữ liệu cho thấy, cho đến nay vòng thuế quan đầu tiên chưa có nhiều tác động vật chất lên nền kinh tế 20 nghìn tỷ USD của Mỹ. Tuy nhiên vòng thuế quan lần này cũng bao gồm nhiều vật tư đầu vào của sản xuất hơn, từ đó đẩy tăng nguy cơ khiến các doanh nghiệp trở nên cảnh giác hơn đối với hoạt động đầu tư và thuê mướn lao động, những yếu tố cùng với động thái cắt giảm thuế của chính quyền Mỹ đã hỗ trợ cho tiêu dùng hộ gia đình vào năm 2018.

“Bạn càng mở rộng danh sách hàng hóa mục tiêu (bị đánh thuế), bạn càng ít có thể cô lập được cú sốc” và “càng có nhiều tác động có thể nhìn thấy”, Gregory Daco – Trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô của Mỹ tại Oxford Economics ở New York cho biết.

Giá cả tăng cao hơn sẽ ngăn cản chi tiêu hộ gia đình và làm xói mòn niềm tin, và các công ty có thể gặp phải sự tăng giá trên nhiều vật tư đầu vào hơn. Kết quả là, “các doanh nghiệp có thể thận trọng hơn một chút về tuyển dụng và việc làm nói chung, và hệ quả là ảnh hưởng tới người tiêu dùng”, Daco nói.

Bên cạnh đó, thuế quan bên cạnh việc đẩy giá cả tăng lên lại kiềm chế tăng trưởng, và điều đó có thể càng làm phức tạp nhiệm vụ của Cục Dự trữ Liên bang khi các quan chức đang tranh luận về việc tăng lãi suất nhanh như thế nào trong tháng này. Các nhà kinh tế tại UBS Group AG cho biết, ngay cả với mức thuế suất 10% cũng sẽ làm nền kinh tế chậm lại trong quý IV đủ để ngăn Fed tiếp tục tăng lãi suất một lần nữa trong tháng 12.

Đưa ra ý kiến trước khi có động thái từ phía Trung Quốc, Daco tính toán, giả sử Trung Quốc trả đũa, thuế quan sẽ làm tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ năm 2019 giảm khoảng 0,4%, nhiều hơn 0,1% so với thời điểm trước khi thông báo thuế quan mới nhất được công bố. Thậm chí mức giảm còn tồi tệ hơn khi mức thuế sẽ tăng lên 25%.

Theo đó, mặc dù vẫn đang duy trì ước tính tăng trưởng GDP năm 2018 là 2,9%, song Daco cho rằng, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm lại ở mức 2,1% trong năm tới, so với ước tính trước đó là 2,3%.

Động thái thuế quan mới nhất có nghĩa là các nhà bán lẻ Mỹ, vốn đang mua hàng hóa rẻ hơn từ Trung Quốc, có thể buộc phải tăng giá hoặc giảm lợi nhuận, tùy thuộc vào khả năng nhanh chóng mua hàng từ các công ty Mỹ hoặc tìm nguồn tại các quốc gia khác có mức giá cạnh tranh.

Cho đến nay các nhà kinh tế vẫn nhận định đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ là đủ mạnh để chịu được các tác động tiêu cực của thuế quan. Cuộc khảo sát hàng tháng mới nhất do Bloomberg thực hiện cho thấy, GDP của Mỹ sẽ tăng với tốc độ 3% hàng năm trong quý III và 2,8% trong quý cuối năm, trước khi giảm xuống 2,5% trong nửa đầu năm 2019. Kinh tế Mỹ tăng trưởng tới 4,2% trong quý II.

Cũng theo khảo sát, chi tiêu của người tiêu dùng, tăng 3,8% trong quý trước, được dự báo sẽ chỉ tăng 2,9% trong quý III và 2,5% trong quý IV.

Tuy nhiên điều nguy hiểm hơn, theo Michael Feroli - kinh tế gia trưởng của JPMorgan Chase & Co, là chính sách thuế quan đang làm xói mòn niềm tin. “Có nguy cơ bạn có thể thấy là tâm lý kinh doanh, vốn đã khá lạc quan, sẽ chuyển biến một chút theo hướng thận trọng hơn. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc thuê mướn lao động, đầu tư vốn và có lẽ là tốc độ tăng trưởng kinh tế”.

Theo một báo cáo của Đại học Michigan, trong khi người tiêu dùng Mỹ đang được hưởng lợi từ một thị trường việc làm mạnh mẽ, trong khi thu nhập và tài sản được hỗ trợ bởi giá cổ phiếu và giá trị tài sản cao hơn, thì sự bất mãn về căng thẳng thương mại đang bùng nổ. Báo cáo cho thấy những lo ngại về tác động tiêu cực của thuế đối với nền kinh tế Mỹ đã được gần một phần ba số người tiêu dùng đề cập trong 3 tháng qua, tăng từ mức một phần năm trong 4 tháng trước.

Chiến lược ép buộc Trung Quốc về thuế quan sẽ không có hiệu quả và sẽ phản tác dụng đối với nền kinh tế Mỹ, vốn không bền vững như mọi người nghĩ, Fang Xinghai - Phó chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc cũng cho biết mới đây.