Kinh tế "ngã bệnh" vì cúm lợn

Theo NĐBND

“Cúm lợn hạ điểm Phố Wall”, “Thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc vì cúm lợn”, “Cúm lợn kinh động thị trường tài chính toàn cầu”, “Cúm lợn hủy hoại phục hồi kinh tế”, … Lướt qua những tít lớn được giật trên trang đầu của nhiều tờ báo lớn nhỏ khắp thế giới, người ta có thể hình dung được mức nguy hiểm của đại dịch này đối với “sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu.

Điều nguy hiểm là dịch cúm lợn (H1N1) bắt nguồn từ Mexico bùng nổ đúng lúc cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang có dấu hiệu dịu bớt, buộc các nhà kinh tế phải điều chỉnh những dự đoán phục hồi sang một thời điểm khác xa hơn.

Thậm chí, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu cúm lợn bùng phát thành đại dịch toàn cầu, kinh tế thế giới sẽ bị thiệt hại 3 nghìn tỷ USD và GDP giảm tới 5%, xóa sạch mọi triển vọng hồi phục và biến suy thoái hiện tại thành đại suy thoái. Trước đó, dịch SARS năm 2003 xuất phát từ Châu Á đã gây ngưng trệ về du lịch, thương mại và công việc trên toàn cầu, trong đó chỉ riêng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã thiệt hại khoảng 40 tỷ USD. Sau SARS lại đến cúm gà và kinh tế toàn cầu một lần nữa để hàng trăm tỷ đội nón ra đi.

Theo ước tính mới đây của Cơ quan Ngân sách của Quốc hội Mỹ, dịch cúm lợn hiện nay sẽ đi theo mô hình thảm khốc của dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 và có thể làm giảm tới 80% nhu cầu về nghệ thuật, giải trí, các dịch vụ thực phẩm, 80% nhu cầu đi lại, 10% nhu cầu nông nghiệp, khai mỏ, xây dựng, bán lẻ và tài chính. Trong khi đó, chi phí cho chăm sóc sức khỏe và nhu cầu hỗ trợ xã hội tăng 15%.

Nếu xét cụ thể về hậu quả kinh tế, cái tên “cúm lợn” đã hàm ý đến thiệt hại trực tiếp của ngành sản xuất thịt lợn ở những nơi dịch bùng phát. Chẳng hạn ở Mexico, giá thịt lợn giảm nhanh và xuất khẩu ngay lập tức đình đốn khi một loạt nước lên tiếng cấm nhập khẩu thịt lợn của nước này.

Luật thương mại quốc tế cho phép các quốc gia được hạn chế hoặc cấm nhập khẩu hàng hóa vì lý do sức khỏe và an toàn. Quốc gia láng giềng của Mexico là Mỹ cũng lâm vào tình trạng tương tự do người tiêu dùng tiếp tục lo sợ, bất chấp trấn an của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng con người không thể bị nhiễm virus nếu thịt lợn được chế biến và nấu kỹ. Năm ngoái Mỹ là nhà xuất khẩu thịt lợn hàng đầu, chiếm gần 25% lượng thịt bên ngoài nước Mỹ.

Trên các thị trường chứng khoán, cổ phiếu của các công ty thực phẩm, chế biến các sản phẩm từ lợn bị bán ào ạt. Cho tới nay, các nhà đầu tư và tiêu dùng vẫn thường hay phản ứng thái quá đối với những vấn đề liên quan đến sức khỏe. Trước đây, nỗi lo sợ bệnh bò điên và cúm gia cầm cũng đã làm cổ phiếu của nhiều ngành thực phẩm khốn đốn.

Tuy nhiên, hậu quả chưa dừng ở đó. Có lẽ trong thời điểm nước sôi lửa bỏng này, du lịch là ngành phải hứng chịu cú đấm mạnh nhất trong khi chưa kịp gượng dậy từ khủng hoảng kinh tế. Ngay khi dịch bệnh được công bố, lập tức cổ phiếu của các hãng hàng không và du lịch trên thế giới bị giảm giá. Chính phủ Mỹ thúc giục công dân nước mình hủy các chuyến du lịch tới Mexico nếu không cần thiết và bắt đầu thiết lập những trạm kiểm tra tại biên giới.

Các quan chức y tế hàng đầu của Liên minh Châu Âu (EU) cũng khuyến cáo mọi người không đi du lịch tới những nơi dịch cúm đang hoành hành, trong khi nhiều nước khác bắt đầu kiểm tra những hành khách có triệu chứng sốt... Những động thái trên làm sống dậy ký ức kinh hoàng hồi năm 2003 khi dịch SARS bùng phát ở châu Á nhấn chìm ngành du lịch, hàng không và khiến thế giới phải chịu thiệt hại 33 tỷ USD. Hiện nay, các nhà đầu tư châu Á đang chuyển hướng sang mua cổ phiếu dược phẩm và bán tháo cổ phiếu của các hãng hàng không như Qantas Airways hay Cathay Pacific.

Bên cạnh ngành du lịch, hàng không, khách sạn và các dịch vụ có liên quan bị thất thu nặng nề, hoạt động kinh tế tại chỗ cũng bị đình đốn do người dân tránh những nơi tụ tập đông người như hàng quán, siêu thị, rạp chiếu bóng, nhà hát, nhà hàng, sân vận động... Thậm chí các trường học có thể phải đóng cửa nếu dịch trở nên nghiêm trọng. Ngoài ra, các công sở cũng sẽ đìu hiu hơn vì nhiều người chọn cách ở nhà cho an toàn, dẫn đến tình trạng năng suất lao động giảm...

Những lo ngại về sự lan tràn của dịch cúm lợn cũng khiến giá dầu sụt giảm và các thị trường chứng khoán ở Mỹ, Châu Âu, Châu Á và Mexico giảm điểm trong khi ai cũng biết thị trường chứng khoán luôn được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế. Nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời và hiệu quả, thực sự dịch cúm lợn sẽ quật ngã nền kinh tế thế giới và khiến cuộc khủng hoảng hiện tại ngày càng trầm trọng.