Kinh tế ngầm giúp giảm sốc khủng hoảng

Theơ Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Có đến hàng triệu người trên thế giới sống nhờ vào những công việc lặt vặt mà các nhà kinh tế học vẫn thường xếp vào dạng kinh tế ngầm, hay còn gọi là phi chính thức. Tại nhiều nước đang phát triển, khu vực ngầm này đang phát triển mạnh.

Tại chợ Manek Chowk ở Ahmedabad (Ấn Độ), chỉ cần bày ra vài sản phẩm hoặc dịch vụ sửa chữa nào đó là có thể kiếm sống qua ngày. Hình ảnh này rất phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu tính theo tiêu chuẩn của phương Tây, những người buôn bán lặt vặt này có thu nhập rất bèo. Nhưng nếu không có nó, “chúng tôi sẽ chẳng có gì cả”, như nhận xét của Surajben Babubhai Patni, một phụ nữ 58 tuổi bán cà chua, ngũ cốc và đậu các loại. Mỗi ngày, bà kiếm khoảng 250 rupi (gần 4 euro), đủ để nuôi sống gia đình 9 người, trong đó có đứa con trai vừa mất việc tại một xưởng đánh bóng kim cương.

Như hàng triệu người khác, bà Patni thuộc thành phần kinh tế ngầm, một bộ phận mang tính sống còn của thương mại thế giới. Từ nhiều thập niên qua, các nhà kinh tế học nhấn mạnh đến khía cạnh tiêu cực của hình thức mậu dịch phi chính thống này. Các doanh nghiệp ngầm thường không nộp thuế, không có vốn và chuyên môn cần thiết để đạt hiệu quả sản xuất cao như các doanh nghiệp chính thức và do vậy làm giảm tính cải tiến.

Người làm chui không được bảo hiểm y tế hoặc các hình thức an sinh xã hội khác. Họ buộc phải dành dụm nhiều hơn đề phòng lúc nguy khó. Và họ cũng tiêu dùng dè xẻn hơn, do đó làm giảm tăng trưởng. Chẳng có gì phấn khởi khi kinh tế ngầm phát triển mạnh, theo bình luận của chuyên gia kinh tế Nancy Birdsall thuộc Trung tâm Phát triển thế giới, một cơ quan nghiên cứu chính sách và tư vấn của Washington.

“Khi mọi người đều bán quả táo cho nhau thì chẳng tạo ra của cải mới. Đó không phải là dấu hiệu cho thấy mọi thứ tiến triển tốt”, bà nói.

Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, trước những tác động của cuộc suy thoái hiện nay, các nhà phân tích buộc phải xem lại đánh giá của mình, nhất là khi có đến hàng chục triệu người trên thế giới mất việc. “Khu vực kinh tế ngầm sẽ thu nhận nhiều người và giúp họ có nguồn thu nhập”, chuyên gia kinh tế William Maloney thuộc Ngân hàng Thế giới giải thích. Thật vậy, những lao động này là “một trong những lý do giải thích tại nhiều quốc gia nghèo, tình hình không đến nỗi bi kịch như nhiều người nghĩ”, cựu chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế Simon Johnson nhận xét.

Ngay cả nước giàu cũng có lao động ngầm, từ phụ nữ giúp việc nhà đến thợ làm vườn và lái taxi không đăng ký, dù hiện tượng này không phải phổ biến. Trên The Economist, Giáo sư Friedrich Schneider thuộc Đại học Johannes Kepler ở Linz (Áo) ước tính kinh tế ngầm ở 21 trong số 30 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tương đương trung bình 16,8% GDP trong năm 1999, nhưng giảm còn 13,3% trong năm 2008 và sẽ tăng lên 13,8% trong năm nay. Theo tính toán của chuyên gia này, kinh tế ngầm ở Mỹ tương đương 8% GDP, trong khi tại Hy Lạp là 25% và tại Ý là 22%. Tại Mỹ, tình hình sa thải hàng loạt hiện nay chắc chắn sẽ làm tăng tỷ lệ này.

Tổ chức Lao động quốc tế đánh giá tại các quốc gia đang phát triển, có khoảng 1 trong 2 người lao động (không tính lĩnh vực nông nghiệp) là làm chui. Tỷ lệ này lên đến 83% ở Ấn Độ và gần 72% ở châu Phi vùng hạ Sahara. Tại Mexico, tỷ lệ này tăng từ 50% năm 1990 lên 54% năm 1997. Venezuela và Brazil cũng có mức tăng tương tự.

Một số chuyên gia cho rằng kinh tế ngầm tồn tại kéo dài ở các nước nghèo và không phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế, do tăng trưởng dân số luôn cao hơn nhịp độ tạo công ăn việc làm. Suy thoái có nguy cơ đẩy mạnh quá trình này, thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp sa thải nhân viên hưởng lương để sử dụng lao động làm thuê bán thời gian và không có an sinh xã hội. Ngoài ra, nhiều người bị công ty sa thải có thể không bao giờ tái gia nhập nền kinh tế chính thức, vì các công ty có thể ngày càng quen với tính linh hoạt của lực lượng lao động chui.

Dù kinh tế Ấn Độ đạt mức tăng trưởng cao trong những năm gần đây, nhưng chính khu vực phi chính thức mới tạo ra nhiều việc làm chứ không phải là những tập đoàn danh tiếng như Infosys hoặc Reliance Industries. Vấn đề của quốc gia đông dân này là nền kinh tế không tạo ra đủ việc làm chính thức và ổn định để cung ứng cho hàng triệu người gia nhập thị trường lao động mỗi năm. Trong khoảng thời gian từ 2000-2005, số lao động hợp pháp ổn định ở khoảng 35 triệu, trong khi ở khu vực phi chính thức đã tăng 17%, đạt con số 423 triệu lao động.

Tại Ahmedabad, Ấn Độ, thị trường lao động phi chính thức đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động kinh tế. Hiện thành phố này có 55.000 người lái xe trickshaw (một dạng xe lam) chở khách, 70.000 người bán hàng rong và 45.000 người thu gom rác và mua ve chai. Nhờ phát triển mạnh nên hoạt động ngầm cũng có nghiệp đoàn của mình, như SEWA (Self-Employed Women’s Association - Hiệp hội các lao động nữ độc lập) ra đời vào năm 1970 và hiện có một triệu thành viên trên cả nước.

Tổ chức này tổ chức dạy nghề cho phụ nữ và thậm chí còn lập ngân hàng riêng. SEWA hiện có một êkíp 22 phụ nữ phụ trách nghiên cứu kinh tế ngầm và thu thập dữ liệu nhằm hỗ trợ hiệp hội tự bảo vệ về mặt luật pháp, chẳng hạn dùng công cụ pháp luật để ngăn không cho các đại diện nhà nước đuổi những người bán rong khỏi khu vực công cộng. “Kinh tế ngầm tồn tại, đó là một thực tế không thể chối cãi và nó đang tăng trưởng. Vì vậy, cần phải song hành với nó”, bà Reema Nanavaty, Giám đốc phát triển kinh tế và nông thôn của SEWA, khẳng định.

Tất nhiên những công việc này chẳng phải là hấp dẫn, nhưng do nhiều người mất việc nên khu vực phi chính thức trở nên cạnh tranh hơn. Nhưng làm chui nhiều cũng đồng nghĩa thuế thu ít. Theo chuyên viên thuế I.P. Gautam, có đến 30% người dân ở Ahmedabad không đóng thuế (trong thực tế có lẽ cao hơn). Nhưng ông nghĩ rằng kinh tế ngầm là cần thiết cho tương lai của thành phố, do số lượng công việc tạo ra những năm qua không bao giờ đủ đáp ứng nhu cầu địa phương.

Tại những thành phố có khu vực kinh tế phi chính thức phát triển mạnh, “thu nhập đầu người kém hơn và tăng trưởng cũng chậm hơn, nhưng mọi người đều có miếng ăn”, ông Gautam nói. “Chính kinh tế ngầm cho phép chúng tôi tồn tại trong giai đoạn suy thoái”.