Kinh tế thế giới 2018-2019 - Nhiều biến động, ít triển vọng

Theo Vinh Trang/saidondautu.vn

Những ngày cuối cùng của năm 2018 đã khép lại. Một năm trôi qua, kinh tế thế giới đã có nhiều biến động mang tính lịch sử, từ cuộc đối đầu thương mại ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc, đến sự chao đảo của các đồng tiền ảo và chứng khoán toàn cầu… Bước sang năm 2019, dự báo vẫn ít triển vọng sáng sủa.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang tạm đình chiến, nhưng thế giới vẫn lo ngại vẫn có thể xảy ra.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang tạm đình chiến, nhưng thế giới vẫn lo ngại vẫn có thể xảy ra.

Bão tố chưa qua

Thế giới bước vào năm 2018 với nhiều kỳ vọng, thể hiện rõ trong những dự báo đầy lạc quan của các tổ chức, định chế uy tín thế giới như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB). Những chính sách như bình ổn giá năng lượng, hàng hóa; lòng tin của giới kinh doanh được cải thiện và hiệu ứng của cách mạng công nghiệp 4.0, được coi là những nhân tố chủ đạo sẽ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bất chấp các làn gió ngược như xu hướng bảo hộ mậu dịch, Brexit…

Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, những dự báo lạc quan đã nhanh chóng trở nên lạc nhịp, khi những làn gió ngược dần bùng lên thành bão tố. Trong đó, cơn bão lớn nhất được hình thành từ Washington, với việc ông chủ Nhà Trắng Donald Trump quyết liệt thực thi chính sách “Nước Mỹ trên hết” ông đã cam kết khi tranh cử. Vũ khí chính của ông Trump là thương mại. Với lập luận các đối tác thương mại đang hưởng lợi trên sự dễ dãi của người lao động Mỹ, ông Trump quyết viết lại “luật chơi”.

Từ tháng 1, Washington bắt đầu áp thuế nhập khẩu lên pin năng lượng mặt trời và máy giặt không được sản xuất tại Mỹ. Sau đó, ông chủ Nhà Trắng tiếp tục áp thuế này lên nhôm, thép từ hàng loạt quốc gia khác, trong đó có cả các đồng minh lâu đời của Mỹ như Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU). Các nền kinh tế này cũng trả đũa bằng chính sách tương tự. Riêng với Bắc Kinh, sau 3 lần, ông Trump đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và luôn đe dọa nâng gấp đôi con số này. Trung Quốc cũng đáp trả bằng thuế với 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ. 

Những cuộc chiến thuế quan ông Trump tiến hành với Trung Quốc và các nước khác đã làm đảo lộn cục diện kinh tế toàn cầu. Từ tăng trưởng, kinh tế thế giới đã đi ngang và dần chuyển hướng đi xuống. GDP toàn cầu ước tính giảm khoảng 400 tỷ USD. 2 đầu tàu kinh tế thế giới mạnh nhất là Mỹ và Trung Quốc đều chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng vào những tháng cuối năm. Trong đó, GDP của Mỹ dự báo giảm còn hơn 3% trong các quý cuối năm, từ mức 4,2% của quý II, khiến tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất hành tinh có thể giảm xuống còn 2,4% trong năm nay và 2% năm 2020. Với Trung Quốc, tăng trưởng GDP trong quý III chỉ còn 6,5%, mức thấp nhất trong 9 năm qua. Dường như các hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc đã bắt đầu ngấm đòn từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

“Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”, những cuộc đấu đá của các nền kinh tế lớn không chỉ gây thiệt hại đối với chính họ, còn khiến các nền kinh tế đang phát triển và các thị trường mới nổi bị ảnh hưởng nặng nề, do hiện tượng tháo vốn khỏi các quỹ đầu tư toàn cầu và xu hướng suy giảm tự do thương mại. Tại châu Âu, tác động kép của những căng thẳng thương mại với Mỹ và tiến trình Brexit của Anh đã làm chậm nhịp độ tăng trưởng kinh tế của các nước EU. Trong đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất lục địa già - vào quý III đã chứng kiến sự suy giảm lần đầu tiên kể từ năm 2015. Dự báo xu hướng suy giảm này sẽ còn duy trì đối với 27 nước thành viên EU và 19 nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong vài năm tới. 

Phong ba sắp tới

Bước sang năm 2019, những nhân tố tiêu cực của năm 2018 vẫn chưa hề được giải quyết, dự báo sẽ tiếp tục gây phong ba cho nền kinh tế toàn cầu. Đầu tiên là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, dù đang trong giai đoạn được coi là tạm “đình chiến”, nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Hiện tại, 2 nước đang trong thời gian “ngừng bắn” kéo dài 90 ngày để đàm phán một thỏa thuận thương mại. Nếu không đạt được thỏa thuận đến hết ngày 1-3-2019, cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ tiếp tục leo thang. Các vấn đề như thuế quan và thâm hụt thương mại dù có vẻ gai góc, nhưng là những lĩnh vực các chuyên gia cho rằng khả quan nhất. Điều này bởi thuế quan hiện đang làm tổn thương sâu sắc cả Mỹ và Trung Quốc, nên cả 2 đều không muốn tiếp tục. 

Tuy nhiên, các vấn đề khác, như bảo vệ sở hữu trí tuệ và gián điệp thương mại, 2 bên dường như còn khoảng cách quá lớn. Với những căng thẳng mới nhất xung quanh vụ bắt giữ CFO Huawei Mạnh Vãn Châu, dường như ông Trump muốn gửi cho người đồng nhiệm Tập Cận Bình về quan ngại gián điệp Trung Quốc. Vụ bắt giữ được nối tiếp bằng bản cáo trạng của Mỹ về 2 tin tặc liên kết với chính phủ Trung Quốc, những người bị các công tố viên cáo buộc xâm nhập hệ thống kinh doanh và chính phủ ở nhiều quốc gia và lĩnh vực để đánh cắp các bí mật có giá trị.

Trong khi đó, ông Tập đang ở giai đoạn củng cố quyền lực và dường như không thể chấp nhận việc lùi bước trên trường quốc tế. Trong một bài phát biểu hồi cuối năm 2018, ông đã bảo vệ chính sách của mình và sự vươn lên của Trung Quốc. Ông Tập không nêu đích danh cuộc chiến thương mại với ông Trump, nhưng khẳng định không ai có thể ra lệnh cho người dân Trung Quốc những điều nên và không nên làm. Điều đó có nghĩa 2019 có thể là năm không thể đoán trước đối với 2 siêu cường thế giới. Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận, hoặc tất cả có thể sụp đổ, và cuộc chiến thương mại có thể leo thang một lần nữa.

Ở châu Âu, cuộc “ly hôn” giữa Vương quốc Anh và EU vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa. Thủ tướng Theresa May đã đàm phán một thỏa thuận Brexit với EU nhưng đã không được Nghị viện ủng hộ, hiện đang đối mặt với một cuộc nổi loạn từ trong chính Đảng Bảo thủ của mình. Hiện tại, bà May đã lên lịch bỏ phiếu cho thỏa thuận Brexit vào ngày 14-1, nhưng Nghị viện không có dấu hiệu ủng hộ thỏa thuận Brexit này hơn thỏa thuận trước. Trong khi đó, thời hạn Anh buộc phải rời EU đã cận kề (29-3-2019). Nếu Vương quốc Anh rời EU không có thỏa thuận, đó sẽ là thảm họa cho cả xứ sở sương mù lẫn toàn thể châu Âu. Chính phủ bà May đã tăng cường lập kế hoạch dự phòng cho kịch bản không thỏa thuận này.

Trong bức tranh chung khá u ám này, khu vực châu Á có thể coi là điểm sáng. Trong báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á 2018, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn duy trì dự báo mức tăng trưởng của khu vực 6% cho năm nay và 5,8% cho năm tới. Ấn Độ sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu trong năm nay và 2019, với mức tăng lần lượt đạt 7,3% và 7,4%. Triển vọng kinh tế Nhật Bản cũng khá sáng sủa, bất chấp ảnh hưởng của các đợt thiên tai.

Gần 150 chuyên gia kinh tế trong một cuộc khảo sát cho rằng 2 nhân tố nguy hiểm nhất có thể đẩy kinh tế toàn cầu năm 2019 vào một đợt suy giảm tăng trưởng, là xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, và các điều kiện tài chính thắt chặt do một đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu hoặc lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh.