Kinh tế thế giới 2019: Hồi chuông trước cơn bão

Theo Hàn Gia Bảo/nhadautu.vn

Nhà kinh tế trưởng của OECD Laurence Boone nhận định hiện có ít dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm nghiêm trọng hơn so với dự báo, song những rủi ro cho đến nay đủ để “gióng lên hồi chuông cảnh báo và chuẩn bị sẵn sàng đối phó trước mọi cơn bão”.

Nhà kinh tế trưởng của OECD Laurence Boone nhận định hiện có ít dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm nghiêm trọng hơn so với dự báo. Nguồn: internet
Nhà kinh tế trưởng của OECD Laurence Boone nhận định hiện có ít dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm nghiêm trọng hơn so với dự báo. Nguồn: internet

Trong một tuyên bố cuối năm, Tổng Thư ký OECD Angel Gurria nêu bật một số thách thức đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu do căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị gây ra. Căng thẳng thương mại đã kéo đà tăng trưởng GDP toàn cầu giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm trong năm 2018 vừa qua. Ông Gurria cảnh báo nếu Mỹ tăng thuế bổ sung lên mức 25% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như Tổng thống Donald Trump đe dọa, mức tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm xuống gần 3% vào năm 2020.

Căng thẳng thương mại

Trong bản báo cáo tổng quan về tình hình kinh tế thế giới, OECD dự báo, GDP toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng 3,5% trong năm 2019, giảm 0,2% so với mức dự báo được đưa ra vào tháng 9/2018. Tổ chức này giữ nguyên dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức 3,7% trong năm 2018, song ước tính con số này sẽ giảm nhẹ về mức 3,5% trong năm 2020.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP) sớm có hiệu lực sẽ tạo điều kiện thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEPT). Trên thực tế, 7 trong số 16 nước thành viên của RCEPT cũngtham gia CPTPP. Các nước này đang được khuyến khích thành lập một liên minh để thúc đẩy quá trình lập ra quy tắc với tiêu chuẩn cao hơn trong các cuộc đàm phán để kết thúc RCEPT.

Như vậy, năm 2019 tại khu vực Ấn Thái Dương (Indo-Pacific) sẽ có 3 Hiệp định Tự do Thương mại lớn (FTA) là CPTPP, RCEPT và Thoả thuận Đối tác Kinh tế EU—Nhật Bản. Mỗi FTA này đều có chất lượng ở mức độ khác nhau nhưng đều không có Hoa Kỳ tham gia. Việc Mỹ quay lại TPP sẽ đưa đất nước này trở lại bàn đàm phán trong tiến trình tạo lập các quy tắc trong khu vực.

Theo dự báo của OECD, những chỉ số phát triển gần đây cho thấy sự mở rộng trên quy mô toàn cầu đã đạt đỉnh điểm và có khả năng chậm lại trong hai năm tới… Các điều kiện thị trường lao động vẫn đang tiếp tục được cải thiện…Tuy nhiên, tăng trưởng thương mại và đầu tư đã thấp hơn dự báo, các điều kiện thị trường tài chính được thắt chặt trong khi niềm tin lại tiếp tục bị nới lỏng. Tổ chức tài chính quốc tế này cảnh báo những mối quan hệ căng thẳng về thương mại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, vẫn tiếp tục trở thành nguyên nhân cơ bản tạo ra những nguy cơ sụt giảm về lĩnh vực việc làm, đầu tư và mức sống của người dân trên phạm vi toàn cầu.

Trả lời phỏng vấn báo giới, nhà kinh tế trưởng của OECD, bà Laurence Boone nói: “Chúng ta đang quay trở về một xu hướng dài hạn. Chúng ta không trông đợi vào một phương án hạ cánh cứng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều rủi ro. Một phương án hạ cánh mềm luôn là điều khó đạt được…Vào thời điểm hiện tại, chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức hơn thường lệ do những căng thẳng trong quan hệ thương mại, dòng vốn chảy từ các thị trường đang nổi tới các nước bình thường hóa chính sách tiền tệ”.

Cụ thể, OEDC đã hạ mức tăng trưởng của Nhật Bản từ 1,2% xuống còn 0,9% trong năm 2018; từ 1,2% xuống còn 1,0% trong năm 2019 trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang chuẩn bị tăng thuế tiêu dùng vào tháng 10 năm tới. Theo dự báo của OEDC thì tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong năm 2020 sẽ là 0,7%.

Hạ cánh mềm?

OEDC dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm nhẹ xuống mức 6,6% trong năm 2018. Con số này trong các năm 2019 và 2020 lần lượt là 6,3% và 6,0% trong bối cảnh lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đang suy giảm và nước này đang tìm kiếm một “phương thức hạ cánh mềm” trước các sức ép gia tăng về thuế của Mỹ.

Tuy nhiên, OEDC giữ nguyên kỳ vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ lần lượt là 2,9%; 2,7% và 2,1% trong các năm 2018, 2019 và 2020 khi lĩnh vực đầu tư doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách cải cách thuế mới đây của Tổng thống Trump. Trong khi đó, OEDC dự báo kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tăng trưởng lần lượt 1,9%; 1,8% và 1,6% trong các năm 2018, 2019 và 2020 – thấp hơn so với các con số được đưa ra vào tháng 9/2018.

Theo số liệu mà OEDC đưa ra, tăng trưởng kinh tế của Anh vào năm 2018 là 1,3% và sẽ tăng thêm 0,1% vào năm 2019, do kết quả từ việc nới lỏng ngân sách. Tuy nhiên, sau khi những nỗ lực tăng trưởng tài khóa đạt đỉnh vào năm 2019, tỷ lệ tăng trưởng của Anh sẽ quay trở về ngưỡng 1,1%. Từ đó, OECD kêu gọi chính phủ Anh cần chuẩn bị các biện pháp ứng phó trước kịch bản nền kinh tế nước này có thể bị suy yếu, do nguyên nhân từ Brexit.

Dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone năm 2019 sẽ chậm lại hơn nữa. IMF dự báo mức tăng trưởng năm tới của khu vực này là 1,9%. Tuy nhiên, tính khó dự đoàn về chính trị của khu vực này vẫn khá cao. Năm 2019, Eurozone sẽ phải đối mặt với các rủi ro như Anh rời khỏi EU, cuộc bầu cử nghị viện châu Âu… Tất cả điều này sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường đối với tình hình kinh tế của cả khu vực.

Quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng sau khi chính quyền Washington đánh thuế bổ sung lên lượng hàng hóa nhập khẩu 250 tỷ USD từ Trung Quốc theo tinh thần của chính sách “nước Mỹ trước tiên” mà Tổng thống D.Trump đã đề ra. Cuộc chiến này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi Mỹ cảnh báo sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp tương tự đối với lượng hàng hóa nhập khẩu còn lại trị giá 260 tỷ USD của Trung Quốc. Về phía Trung Quốc cũng chưa có động thái nhượng bộ khi cảnh báo sẽ trả đũa bằng việc áp thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 110 tỷ USD từ Mỹ. OECD cảnh báo, những tác động toàn diện của một cuộc chiến tranh thương mại và những hệ lụy về bất ổn kinh tế có thể sẽ khiến GDP toàn cầu giảm 0,8% vào năm 2021.

Dân chủ kiểm soát Hạ viện

Tại Mỹ, việc đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua có thể gây trở ngại cho chương trình nghị sự của ông Trump, mở đường cho những cuộc điều tra không hạn chế nhằm vào chính quyền ông, chiến dịch tranh cử của ông và cả "đế chế" kinh doanh của gia đình ông.

Điều nói trên sẽ đồng nghĩa với hai năm bế tắc chính sách, nên sẽ khó có thêm những kế hoạch cắt giảm thuế hay tăng đầu tư cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, nguy cơ đóng cửa Chính phủ Mỹ cũng nổi lên. Chưa kể, Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát cũng có thể tìm cách đưa ông Trump ra luận tội, dù trong trường hợp đó, số phận cuối cùng của vị Tổng thống sẽ được quyết định bởi Thượng viện do đảng Cộng hòa của ông kiểm soát.

Năm 2019 sẽ là năm mà bầu cử diễn ra ở một số nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới, với ảnh hưởng sâu rộng đối với lập trường chính sách và sự ổn định thị trường. Argentina, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Nigeria là vài trong số những nước có bầu cử trong năm 2019. Cuộc bầu cử mới đây ở Brazil đã cho thấy, những chính trị gia với những chủ trương mới mẻ, phi truyền thống tiếp tục có sức hấp dẫn lớn đối với cử tri.

Trong số các nền kinh tế phát triển lớn, Canada và Australia là hai nước sẽ tổ chức bầu cử năm tới. Tuy nhiên, khả năng có sự dịch chuyển chính sách mạnh mẽ ở hai nước này sau bầu cử là thấp. Ngoài ra, hành vi khó lường của các chính phủ, đặc biệt là các chính phủ dân túy, khiến quan hệ quốc tế xấu đi là một trong số những rủi ro chính trị lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới trong năm 2019, theo hãng tin Bloomberg.