Kinh tế thế giới sẽ có một số cải thiện nhờ giảm căng thẳng thương mại

Theo Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

Bài phân tích trên tạp chí J.P.Morgan Asset Management nhận định Ngân hàng J.P. Morgan dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ ổn định và thậm chí có xu hướng tăng nhẹ trong 2020.

Kinh tế thế giới sẽ có một số cải thiện nhờ giảm căng thẳng thương mại.
Kinh tế thế giới sẽ có một số cải thiện nhờ giảm căng thẳng thương mại.

Ngân hàng J.P. Morgan dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ ổn định và thậm chí có xu hướng tăng nhẹ trong năm 2020.

Trong bài phân tích trên tạp chí J.P.Morgan Asset Management, các tác giả Gabriela Santos và Jack Manley nhận định trong suốt năm 2019, nhiều ngân hàng trung ương đã áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ do tăng trưởng chậm lại.

Thêm vào đó, dự đoán cho rằng cạnh tranh thương mại sẽ không leo thang nữa cùng với sự kết hợp việc nới lỏng tiền tệ trên diện rộng với việc bổ sung các biện pháp kích thích tài chính có giới hạn đã được thực hiện trong năm 2019, có thể giúp cho tăng trưởng toàn cầu năm 2020 ổn định và thậm chí có thể tăng nhẹ.

Theo bài viết trên, trong số các nước phát triển, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại của mình đã hủy hoại các nền kinh tế thiên về xuất khẩu.

Bên cạnh đó, thế giới phát triển còn phải đối mặt với nhiều bất trắc về chính sách, như căng thẳng liên quan đến việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, bất ổn chính trị ở một số quốc gia châu Âu và thách thức dân số ở Nhật Bản.

Trong khi, vấn đề Brexit cuối cùng có thể sẽ được giải quyết vào đầu năm tới, các nguồn gây bất ổn khác có thể sẽ kéo dài và những nguồn mới sẽ xuất hiện.

Bất chấp các yếu tố trên, tăng trưởng chậm được dự báo sẽ gây sức ép, buộc các ngân hàng trung ương ở các thị trường phát triển phải tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ, dù đã duy trì lãi suất ở mức âm.

Tuy nhiên, các biện pháp nới lỏng tiền tệ nhiều năm qua đã chứng tỏ rất không hiệu quả trong việc kích thích lạm phát, và giới chuyên gia dự báo lạm phát sẽ vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra ở hầu hết các thị trường phát triển.

Về lý thuyết, các gói kích thích tài chính lớn có thể giúp giảm nhẹ vấn đề tại các nền kinh tế tăng trưởng chậm như Đức và Nhật Bản, song vẫn không có khả năng xảy ra.

Kết quả là dù tăng trưởng ở các thị trường phát triển có thể được cải thiện vào năm tới, nhưng sự cải thiện này sẽ ở mức khiêm tốn.

Tại các thị trường mới nổi, lịch trình chính trị chính thức vẫn chưa có gì trong năm 2020.

Vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự phát triển của chính sách thương mại: nếu không có thêm cú sốc thương mại mới nào, các nền kinh tế đang nổi ở châu Á sẽ ổn định, và lạm phát cũng lãi suất của các thị trường mới nổi vẫn ở mức thấp.

Trong khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể rơi xuống dưới ngưỡng 6% do các nhân tố có tính chu kỳ và mang tính cơ cấu, việc nới lỏng tiền tệ và tài chính trong 18 tháng qua sẽ cho phép nền kinh tế nước này ổn định hơn.

Tuy nhiên, dự báo Trung Quốc sẽ ít khả năng tung ra các gói chi tiêu cho hạ tầng và nới lỏng tiền tệ trong tương lai, vì nước này đang tập trung vào tăng trưởng bền vững.

Thay vào đó, tăng trưởng sẽ dựa vào người tiêu dùng: sự gia tăng tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu đối với hàng tiêu dùng và dịch vụ.

Tại Mỹ Latinh, như thường lệ, chính sách đối nội vẫn là một nhân tố quan trọng.

Cả Brazil và Mexico sẽ chứng kiến tăng trưởng mạnh so với năm 2019, bù lại tình trạng suy thoái kéo dài tại Argentina, cho phép khu vực này tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2020.