Kinh tế toàn cầu có thể trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ vì đại dịch Covid-19

Theo Kim Phượng/hanoimoi.com.vn

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo mới nhất cho biết, kinh tế toàn cầu có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930, khi nhiều nước phải vật lộn để chống đại dịch Covid-19.

Kinh tế toàn cầu có thể trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ vì đại dịch Covid-19.
Kinh tế toàn cầu có thể trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ vì đại dịch Covid-19.

Tổ chức có trụ sở tại Washington (Mỹ) dự kiến nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020. Đây là mức giảm nặng nề khi hồi tháng 1, chính IMF còn dự báo GDP toàn cầu tăng 3,3% trong năm nay.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 14/4 đã lên tiếng cảnh báo về nạn thông tin sai lệch nguy hiểm xung quanh sự bùng phát dịch Covid-19. Trong một tuyên bố và thông điệp qua video, người đứng đầu Liên hợp quốc nói rằng, “sự giả dối đang phủ khắp sóng radio và những thuyết âm mưu vô căn cứ đang lan tràn trên internet”, đồng thời kêu gọi thế giới cần đoàn kết chống lại thực trạng này.

Tính đến 6h ngày 15/4, đã có 126.019 ca tử vong trong tổng số 1.991.799 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trên thế giới. Dịch bệnh hiện đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca phục hồi là 467.187 trường hợp.

Châu Mỹ

Mỹ tiếp tục là tâm dịch Covid-19 với 610.632 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và 25.856 ca tử vong. Đáng chú ý, bang New York đã ghi nhận 671 ca tử vong trong 24 giờ qua, giảm 87 ca so với 24 giờ trước đó. Đây là mức giảm nhiều nhất trong một tuần, dù đại dịch đã lấy đi sinh mạng hơn 10.000 người tại tiểu bang này.

Thống đốc bang New York  Andrew Cuomo ngày 14/4 cho biết, ông sẽ từ chối bất kỳ mệnh lệnh nào của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc mở cửa trở lại nền kinh tế trước khi tình hình đủ an toàn để thực hiện điều này mà không gây ra nguy cơ khiến dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Theo ông A.Cuomo, việc mở cửa trở lại phải diễn ra theo từng giai đoạn và mất vài tháng để hoàn thành. Xét nghiệm rộng rãi là chìa khóa để khởi động lại nền kinh tế thành công.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio thông báo, thành phố đã thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo việc cung cấp thường xuyên khoảng 400.000 bộ xét nghiệm mỗi tháng. Bắt đầu từ ngày 20/4, thành phố sẽ mua khoảng 50.000 bộ xét nghiệm mỗi tuần.

Ngày 14/4, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, thủ đô Ottawa và các địa phương của nước này đang thảo luận về phương án từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế của xứ sở lá phong. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo khả năng các biện pháp hạn chế hiện nay sẽ được áp dụng trong nhiều tuần nữa vì cần thận trọng cho tới khi có vắc xin phòng dịch Covid-19.

Châu Âu

Ngày 14/4, Tây Ban Nha đã vượt qua đỉnh dịch sau khi ghi nhận mức tăng số ca tử vong cao nhất trong ngày là 950 ca vào ngày 2/4 vừa qua. Mặc dù số ca tử vong do Covid-19 ở Tây Ban Nha đã vượt ngưỡng 18.000 người, song số ca nhiễm mới trong ngày giảm xuống mức thấp nhất (300 ca) kể từ khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc vào tháng trước.

Tại Bỉ, giới chức y tế đã xác nhận thêm 254 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 4.157 người. Trong vòng 24 giờ qua, Bỉ cũng ghi nhận thêm 530 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 31.119 người. Dự kiến, Hội đồng An ninh quốc gia Bỉ sẽ nhóm họp trong ngày 15/4 để xem xét việc gia hạn lệnh phong tỏa tới ngày 3/5.

Trong cuộc họp trực tuyến với các thành viên của Hội đồng Kinh tế Á - Âu (EAEU) ngày 14/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng cần áp dụng các biện pháp “đặc biệt” để ngăn chặn sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2. Cùng ngày, chính quyền thủ đô Mátxcơva của Nga đã ra cảnh báo về việc thành phố này có thể sẽ bị thiếu hụt giường bệnh để điều trị cho số bệnh nhân Covid-19 đang gia tăng trong vòng từ 2-3 tuần tới.

Trong khi đó, ngày 14/4, Bộ Nội vụ Italia cho biết, cảnh sát nước này đã phạt hơn 42.000 người trong thời điểm diễn ra lễ Phục sinh vì vi phạm các quy định giãn cách xã hội.

Châu Á

Tại Nhật Bản, Bộ Y tế nước này ghi nhận thêm 53 ca mới, nâng tổng số ca lên 7.744 trường hợp. Đây là con số mới nhất sau một tuần Thủ tướng Abe Shinzo ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và 6 tỉnh khác. Tổng số ca tử vong tại Nhật Bản hiện ở mức 158 người.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực hạn chế các ca nhiễm từ nước ngoài, nhà chức trách nước này đã phê duyệt cho phép thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người hai loại vắc xin nhằm phòng ngừa đại dịch Covid-19.

Tại Singapore, giới chức y tế xác nhận thêm 334 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 3.252 ca. Tổng số ca tử vong tại Singapore hiện nay là 10 người.

Châu Đại Dương

Tại Australia, Thủ tướng Scott Morrison vừa tuyên bố, nước này vẫn còn "rất nhiều tuần nữa" mới có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19. Ông nêu rõ đang xem xét các điều kiện, cũng như cân nhắc để tránh phạm phải sai lầm trong cuộc chiến chống đại dịch này.