Kinh tế toàn cầu đối mặt với thách thức mới - lãi suất tăng

Theo Hoàng Nguyên/thoibaonganhang.vn

Với việc NHTW châu Âu (ECB) tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình mua trái phiếu (hay còn gọi là nới lỏng định lượng) vào cuối năm, kỷ nguyên tiền rẻ đã kết thúc và điều đó đã đẩy kinh tế toàn cầu đối mặt với một thách thức mới: Lãi suất tăng.

NHTW đã đồng loạt triển khai một loạt các chương trình nới lỏng định lượng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nguồn: internet
NHTW đã đồng loạt triển khai một loạt các chương trình nới lỏng định lượng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nguồn: internet

ECB sẽ thắt chặt chính sách theo chân Fed

Kết thúc cuộc họp chính sách tháng 6 diễn ra cuối tuần trước, ECB tuyên bố sẽ giảm lượng mua vào trái phiếu của mình trong 3 tháng cuối năm, trước khi tạm dừng hoàn toàn vào cuối tháng 12.

Kể từ khi bắt đầu triển khai chương trình tung ra chương trình nới lỏng định lượng vào tháng 3/2015, tính đến nay ECB đã mua vào khoảng 2,5 nghìn tỷ EUR (2,9 nghìn tỷ USD) trái phiếu và các tài sản khác để kích thích nền kinh tế khu vực đồng euro sau cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực. Còn tính đến thời điểm chương trình này kết thúc (dự kiến vào cuối tháng 12/2018), ECB đã bơm 2,7 nghìn tỷ EUR (3,1 nghìn tỷ USD) vào nền kinh tế.

Chương trình mua vào tài sản với quy mô hàng chục tỷ EUR trái phiếu mỗi tháng của ECB đã hỗ trợ nền kinh tế bằng cách giữ chi phí vay thấp để kích thích chi tiêu và đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lạm phát.

Tuy nhiên, với việc chấm dứt chương trình này, ECB cho rằng nền kinh tế khu vực không còn cần hỗ trợ khẩn cấp nữa. Mặc dù vậy, để tránh ảnh hưởng xấu tới kinh tế khu vực, ECB tuyên bố lãi suất sẽ “vẫn ở mức hiện tại ít nhất là đến hết mùa hè năm 2019”. Hiện lãi suất cho vay chủ yếu của ECB là 0%.

Còn nhớ, các NHTW đã đồng loạt triển khai một loạt các chương trình nới lỏng định lượng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008.

Theo đó, Fed đã bơm 4,5 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế trong những năm qua thông qua chương trình mua trái phiếu và chứng khoán thế chấp, trong khi các NHTW ở châu Âu và Nhật Bản cũng đã triển khai các biện pháp tương tự.

Tuy nhiên, Fed đã kết thúc chương trình của mình trong năm 2014 và cũng đang thực hiện thu hẹp bảng cân đối tài sản của mình bằng cách không tái đầu tư số tiền thu được từ việc đáo hạn trái phiếu và chứng khoán thế chấp đã mua trước đây. Fed cũng đã tăng lãi suất 7 lần kể từ năm 2015 và dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần trong năm nay, và 3 lần trong năm 2019.

Sau khi giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục và làm ngập thị trường với hàng nghìn tỷ USD thông qua các chương trình mua tài sản, “câu chuyện bây giờ là các NHTW đang phối hợp thắt chặt và thoát ra (khỏi các chính sách kích thích)”, Robin Brooks - Giám đốc quản lý và là nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế cho biết.

Lãi suất toàn cầu sẽ tăng

Mặc dù cả Chủ tịch ECB Mario Draghi và Chủ tịch Fed Jerome Powell đã thận trọng lưu ý tuần này rằng, chính sách tiền tệ vẫn hỗ trợ chi tiêu và đầu tư; đồng thời cho rằng, xét về tổng thể, điều kiện tài chính toàn cầu vẫn còn khá lỏng lẻo.

Thế nhưng ông Powell cũng lưu ý, thời điểm mà điều đó (điều kiện tài chính toàn cầu vẫn còn khá lỏng lẻo) không còn nữa đang đến gần. Có lẽ là một năm, thời điểm mà các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến là lãi suất chính sách ngắn hạn của Fed sẽ đạt “trung hòa” hoặc mức không khuyến khích hay không khuyến khích các quyết định kinh tế. “Chúng tôi biết điều đó đang đến, chúng tôi ngay lúc này, nhưng... nó chắc chắn sẽ đến”, Powell nói.

Còn với Robin Brooks, điều nguy hiểm hơn đó là khi không có các gói nới lỏng định lượng như một bộ đệm, lợi suất dài hạn có thể tăng cao và nhanh hơn rất nhiều.

Có lẽ người tiêu dùng Mỹ đã cảm nhận được điều này từ khá lâu khi mà lãi suất thế chấp nhà ở đã tăng nhanh trong mấy tháng qua, đủ để xóa đi những lợi ích mà họ kỳ vọng nhận được từ việc cắt giảm thuế. Lãi suất cho vay qua thẻ tín dụng và lãi suất cho vay tự động cũng tăng lên.

Cụ thể, lãi suất cho vay thế chấp 30 năm đã tăng khoảng 0,65 điểm phần trăm kể từ mùa hè năm ngoái, có nghĩa chi phí trả lãi hàng tháng đối với khoản vay 250.000 USD đã tăng thêm 95 USD, tương đương với số tiền mà nhiều gia đình nhận được sau khi cắt giảm thuế.

Điều đó, theo giới chuyên gia, có thể ảnh hưởng xấu đến chi tiêu hộ gia đình, yếu tố vốn đang hỗ trợ tích cực cho đà phục hồi của kinh tế Mỹ thời gian qua. Các số liệu kinh tế gần đây cũng phần nào cho thấy nỗi lo này. Đơn cử như doanh số bán xe mới đã giảm đều đặn kể từ tháng 9/2017, từ 18,9 triệu xe con và xe tải xuống còn 17,3 triệu trong tháng 5/2018 hay như tín dụng tiêu dùng tháng 4 chỉ tăng với mức thấp nhất kể từ mùa thu năm ngoái, tăng 9,2 tỷ USD so với mức trung bình hơn 14 tỷ USD mỗi tháng trong 5 năm qua.

Lãi suất có thể đã đến gần điểm mà nó bắt đầu tác động tiêu cực đến tăng trưởng trong năm tới khi các hộ gia đình và doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu đầu tư, các nhà phân tích từ Capital Economics cho biết trong một phân tích gần đây

Không chỉ kinh tế Mỹ, mà các khu vực còn lại trên thế giới cũng sẽ có chung một số phận. Với châu Âu, Robin Brooks cảnh báo, bên cạnh những bất ổn chính trị tại Ý, việc lợi suất tăng nhanh là những lời nhắc nhở về những khó khăn mà kinh tế khu vực đồng tiền chung đang phải đối mặt nếu điều kiện tài chính bị thắt chặt lại. Còn với các thị trường mới nổi, vốn đã mạnh tay vay nợ trong kỷ nguyên tiền rẻ, giờ đang phải đối mặt với một thách thức lớn khi dòng vốn toàn cầu có thể đảo chiều, chảy về những quốc gia phát triển, nơi có mức lợi suất cao hơn.

Tất cả những điều đó đang phủ bóng lên đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu bên cạnh nguy cơ về một cuộc chiến thương mại và những bất ổn địa chính trị.