Kinh tế toàn cầu liệu đã chạm đáy?

Theo Gia Lê/doanhnhansaigon.vn

Các chính sách mở rộng tài khóa như tăng chi tiêu, giảm thuế và đẩy mạnh đầu tư công, hay nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương được thực thi trên toàn cầu, sẽ là chất xúc tác giúp nền kinh tế phục hồi trở lại, trong bối cảnh đầu tư tư nhân, tiêu dùng và thương mại vẫn suy yếu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đức là cường quốc kinh tế đầu tiên công bố dữ liệu GDP quý II/2020, với mức sụt giảm 10,1%. Đây là mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1970. Sự sụt giảm này gần như xóa sổ 10 năm thành tựu kinh tế của Đức. Ngay sau đó, Mỹ cũng công bố GDP quý II theo điều chỉnh hằng năm, sụt giảm đến 32,9%, đánh dấu mức giảm theo quý mạnh nhất kể từ năm 1947 và gấp gần 4 lần quý tệ nhất lúc khủng hoảng tài chính.  

Trong khi đó, kinh tế của 19 nước trong khu vực sử dụng đồng euro suy thoái 12,1% trong quý II - mức thấp chưa từng thấy trong lịch sử. Anh cũng ghi nhận tốc độ suy giảm GDP quý đến 20,4%, nối tiếp sự suy giảm 2,2% của quý I, ghi nhận tình trạng suy thoái đầu tiên sau 11 năm.

Tại châu Á, kinh tế Singapore đã rơi vào suy thoái trong quý II với mức suy giảm 41,2% so với quý I và giảm 13,2% so với cùng kỳ 2019. Đây là quý thứ hai sụt giảm liên tiếp của nền kinh tế Singapore. Thái Lan cũng ghi nhận mức suy giảm sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Theo số liệu mới nhất, GDP của Thái Lan đã giảm 12,2% so với năm 2019. Ba nền kinh tế lớn khác thuộc ASEAN là Malaysia giảm đến 17,1%, Philippines âm 16,5% và Indonesia âm 5,3%.

Ngày 17/8/2020, Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu cho thấy, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới ghi nhận sự sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ Thế chiến 2, khi giảm 7,8% so với quý trước và theo năm giảm 27,8%. Mức sụt giảm này còn nghiêm trọng hơn đợt suy thoái trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Mức suy thoái sâu tại nhiều quốc gia là điều đã được dự báo trước, khi quý II là giai đoạn đại dịch lên tới đỉnh điểm, khiến nhiều quốc gia mạnh tay cách ly, phong tỏa, khiến hàng triệu doanh nghiệp phải đóng cửa, sản xuất, thương mại và du lịch tê liệt trong khi chi tiêu tiêu dùng sụt giảm mạnh. 

Trước sự lao dốc nặng nề như vậy, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế toàn cầu có thể đã tìm thấy đáy trong quý II vừa qua, theo đó có thể phục hồi dần trong thời gian tới. Đầu tiên là nhiều quốc gia đã ngừng giãn cách xã hội và tái mở cửa sản xuất, giao thương, bất chấp dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số quốc gia như Mỹ, Brazil hay Ấn Độ.

Tuy nhiên, trước những thiệt hại quá nặng nề về kinh tế, lựa chọn mở cửa lại nền kinh tế càng cấp thiết hơn. Vì vậy, có cơ sở để tin rằng kinh tế sẽ tăng trưởng trong quý III. Như tại Nhật Bản, nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế đã chạm đáy trong quý II và dự báo sẽ có xu hướng phục hồi. Các nhà kinh tế dự báo tốc độ tăng trưởng của nước này trong quý III sẽ ở mức từ 10-13%, nếu không xuất hiện đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng.

Nhìn lại nền kinh tế Trung Quốc, GDP quý I của nước này giảm sâu 6,8%, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ năm 1992, do ảnh hưởng bởi các chính sách phong tỏa và cách ly vì đại dịch bùng phát trong những tháng đầu năm bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, nhưng sau đó các chính sách hạn chế dần bị gỡ bỏ và kết quả là GDP quý II đã tăng 3,2%. Vì vậy, các nền kinh tế khác cũng có quyền kỳ vọng một kết quả tương tự.

Là quốc gia bị ảnh hưởng sớm nhất bởi dịch bệnh nên Trung Quốc ghi nhận sự phục hồi sớm hơn các nước khác. Nhìn về quý III, Ngân hàng UBS Group AG dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6% trong ba tháng cuối năm 2020. Theo đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ tăng 2,5% trong năm nay, cao hơn so với mức dự báo 1,5% mà UBS Group AG đưa ra trước đó.

Các chính sách mở rộng tài khóa như tăng chi tiêu, giảm thuế và đẩy mạnh đầu tư công, hay nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương được thực thi trên khắp toàn cầu, cũng sẽ là chất xúc tác quan trọng giúp nền kinh tế phục hồi trở lại, trong bối cảnh đầu tư tư nhân, tiêu dùng và thương mại vẫn còn suy yếu.

Với những kỳ vọng vắc xin được sản xuất và tiêm chủng rộng rãi trong thời gian sớm nhất, niềm tin nền kinh tế phát triển cũng đang quay trở lại, theo đó người tiêu dùng có thể mạnh tay chi tiêu trong khi các doanh nghiệp mạnh dạn tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất sau thời kỳ ngưng trệ.