Lao động nước ngoài bị 'tẩy chay' tại Phố Wall

Theo Đất Việt

Một quy định mới ra đời buộc các ngân hàng đầu tư ở Phố Wall phải hủy bỏ hợp đồng với lao động nhập cư tay nghề cao. Cùng với đó là chính sách “thuê người Mỹ” được áp dụng ở hầu hết các công ty tài chính Mỹ.

 

Alice Su, người Hong Kong đang theo học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) ở trường Wharton đã mạnh dạn từ chối những lời mời làm việc ở nhiều công ty trên thế giới, bởi cô nhận được một vị trí lý tưởng trong nhóm công nghệ cao của Ngân hàng đầu tư Merrill Lynch.

Nhưng thật không may, tháng trước, Quốc hội Mỹ ban hành quy định khắt khe liên quan đến tuyển dụng và ngân hàng này phải hủy bỏ hợp đồng lao động với Alice.

Theo quy định mới, các ngân hàng từng nhận tiền trợ giúp của Chính phủ trong chương trình mang tên Troubled Asset Relief, nếu ba tháng trước đã cắt giảm nhân sự thì trong đợt tuyển dụng mới sắp tới, họ không được thuê nhân công nước ngoài nữa.
 
"Các ngân hàng không cần thuê công nhân nước ngoài khi mà có rất nhiều công nhân Mỹ tay nghề cao đang tìm việc làm”, một nghị sĩ phát biểu.

"Tôi lớn lên trong môi trường quốc tế: Trung Quốc, Hong Kong và Bỉ, rồi làm việc ở Nhật Bản. Nhưng không nơi nào tôi từng đặt chân tới lại có kiểu phân biệt đối xử như thế này”, Su nói. Cô gái 27 tuổi này từng theo học ngành tài chính và kỹ sư điện tại Wharton. Cô làm việc cho hãng tư vấn tài chính Bain & Co và Tập đoàn tài chính quốc tế thuộc Ngân hàng thế giới chi nhánh Hong Kong trong vòng bốn năm trước khi theo học tại Wharton vào năm 2007.

Hiện, Alice chưa biết phải làm gì sau khi bị Merrill Lynch hủy hợp đồng lao động: “Nếu biết trước tình hình này, tôi đã tìm việc trên mạng và đi phỏng vấn nhiều hơn”, Alice bức xúc.

Quản lý của Merrill Lynch khẳng định, ngân hàng của ông phải hủy bỏ nhiều hợp đồng lao động với người nước ngoài vì quy định mới. Còn JP Morgan Chase thông báo họ cũng sẽ hành động tương tự.
 
Sinh viên nước ngoài học tập ở các trường quản trị doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ đang bị ảnh hưởng nặng nề từ sự thay đổi này. Theo Viện Giáo dục quốc tế ở New York, trong số 277.000 sinh viên quốc tế tốt nghiệp vào mùa thu năm 2007, có tới 45.000 người nắm giữ các vị trí công việc thuộc ngành thương mại và quản lý, gồm marketing và kế toán ở các công ty Mỹ.

Những sinh viên tốt nghiệp trường Wharton và Stern (thuộc Đại học Tổng hợp New York) thường đổ về Phố Wall để làm việc. Đại diện của các trường này khẳng định, sinh viên của họ thời gian qua đều bị hủy hợp đồng lao động, tuy nhiên chưa con số chính xác.

Paul Danos, Hiệu trưởng  trường quản trị kinh doanh Tuck ở Dartmouth, cho rằng, quy định mới thật bất cập.“Tôi nghĩ quy định nàyi sẽ chẳng giúp gì cho việc tạo việc làm và các công ty khó có thể tìm được những ứng viên tốt cho các vị trí”.