Liên minh Châu Âu sẽ tan rã?

Theo Thụy Vân/enternews.vn

Tại Diễn đàn kêu gọi đầu tư nước ngoài "Russland Call 2019" tại Moscow (Nga),Tổng thống Vladimir Putin đã khiến không ít người ngạc nhiên khi dự báo Liên minh Châu Âu (EU) sẽ tan rã.

Tại Diễn đàn Russland Call 2019", Tổng thống Nga Vladimir Putin dự báo Liên minh Châu Âu (EU) sẽ tan rã. Ảnh: Alexey Nikolsky/Sputnik, via Reuters
Tại Diễn đàn Russland Call 2019", Tổng thống Nga Vladimir Putin dự báo Liên minh Châu Âu (EU) sẽ tan rã. Ảnh: Alexey Nikolsky/Sputnik, via Reuters

Không chỉ ông Putin, mà cuộc khảo sát vừa qua do Hội đồng Châu Âu về Đối ngoại (ECFR) thực hiện cũng cho thấy, phần lớn những người được hỏi tại Pháp, Đức, Bỉ, Ý, Hà Lan, Úc, Slovakia, Romania, Hy Lạp, Cộng hòa Séc và Ba Lan tin rằng EU có thể tan rã trong vòng 10- 20 năm tới.

Lập luận của Putin

Ông Putin thậm chí còn đưa ra thời gian cụ thể cho sự tan rã của EU vào năm 2028, tức là sau chưa đầy 10 năm nữa. Ông Putin viện dẫn ra 2 lý do dẫn tới sự sụp đổ của EU: Thứ nhất, nội bộ EU đang có sự bất đồng sâu sắc về việc đóng góp tài chính. Thứ hai, sau Anh, sẽ có thêm nhiều thành viên khác sẽ đòi ly khai EU khi trở nên đủ mạnh về kinh tế.

  EU và Nga đang ở trong giai đoạn được đánh giá là khủng hoảng, bắt nguồn từ cuộc xung đột bùng phát ở Ukraine cuối năm 2013. Hai bên thường xuyên chỉ trích nhau, thậm chí tìm cách chống lại nhau hoặc hạ thấp uy tín của nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. 

Về lý thuyết, không thể loại trừ khả năng EU bị tan rã. Bởi trên thực tế đã có không ít tổ chức khu vực và quốc tế, liên minh và liên kết đa quốc gia được thành lập, tồn tại và phát triển trong thời gian dài- ngắn khác nhau, rồi bị tan rã.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào quá trình hình thành và phát triển cho đến nay của EU và chiều hướng biến động hiện tại của thế giới, thì dễ dàng nhận thấy kịch bản tan ra có thể sẽ rất khó xảy ra với EU. Cho dù thực trạng hiện tại của EU có như thế nào thì Liên minh này vẫn là tổ chức nhất thể hoá châu lục thành công nhất trên thế giới.

Trong quá trình phát triển, EU đã từng phải nếm trải không ít thất bại và mắc phải không ít sai lầm, nhưng điều đó chưa bao giờ thực sự đe doạ sự tồn tại và tương lai của khối, mà chỉ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển.

Việc nước Anh rời EU (Brexit) có nguyên do trước hết và chủ yếu ở phía Anh, chứ không phải ở phía EU. Anh xưa nay luôn là một thành viên đặc biệt và khó khăn đối với EU giống như Pháp đối với NATO. Sau Brexit, trong ngắn hạn chưa có quốc gia nào muốn rời EU, mặc dù trước đây Italy đã từng có ý định này.

Khó “phá băng” EU- Nga

EU là đối tác rất quan trọng của Nga, và mối quan hệ giữa EU và Nga lại không tách rời mối quan hệ giữa NATO và Nga. Quan hệ của Nga với EU và NATO hiện đều đang trắc trở, nhưng không bị đứt đoạn hay có nguy cơ đổ vỡ. Cả hai bên vẫn cần nhau và vẫn phải duy trì quan hệ với nhau. Nga vẫn có được mối quan hệ khá ổn thoả với một số thành viên EU, nhưng vẫn không thể không giữ quan hệ với EU nói chung.

Việc ông Putin dự báo bi quan như vậy về EU không phải vì ông tin rằng EU không còn tương lai phát triển nữa, mà nhiều khả năng muốn phát đi thông điệp tới các nhà đầu tư nước ngoài rằng, việc EU gây khó dễ cho Nga không ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh tế, chính trị, xã hội ở Nga.

Bên cạnh đó, ông Putin có thể cũng muốn nhắn nhủ với các nhà đầu tư nước ngoài rằng, nước Nga không ưu tiên phát triển mối quan hệ hợp tác chiến lược với EU. Ngoài ra, ông Putin cũng thể hiện quan ngại rằng EU đang gặp quá nhiều khó khăn, thách thức, nên có thể không đáp ứng được mong đợi của Nga về hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và đầu tư. Theo đó, nếu EU không thay đổi, thì Nga sẽ càng ngày càng không coi trọng và cần EU nữa.

Đặc biệt, nhận định nói trên của ông Putin còn cho thấy, tương quan vị thế cũng như cục diện quan hệ giữa EU và Nga cho đến nay đã thay đổi đáng kể theo hướng có lợi nhiều hơn cho Nga. Và mối quan hệ giữa Nga và EU trong thời gian tới sẽ khó có được triển vọng bình thường trở lại.