Liệu có thỏa thuận thương mại toàn diện Mỹ - Anh?

Theo Mai Ngọc/thoibaonganhang.vn

Vương quốc Anh sắp bắt đầu tiến trình đàm phán thương mại với Mỹ, nhưng một số chuyên gia nghi ngờ hai quốc gia có thể sớm đạt được một thỏa thuận sâu rộng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Nhiều khó khăn trên thực tế

Hai nước đã tuyên bố vào tháng 1 về ý định ký kết thỏa thuận vào năm 2020. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói rằng, hai nền kinh tế là khá tương đồng và điều đó có thể hỗ trợ cho việc sớm đạt được thỏa thuận thương mại.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích hai nước khó có thể sớm đạt được một thỏa thuận thương mại bởi những vướng mắc khó khăn từ cả hai phía. Với Anh, trong thời gian này họ vẫn đang phải nỗ lực đàm phán thỏa thuận Brexit với EU và điều đó có thể gây khó cho tiến trình đàm phán với Mỹ. Trong khi phía Mỹ cũng “vướng” với cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 3/11 tới đây. Chưa kể cả hai bên hiện cũng đang có nhiều bất đồng như về mạng 5G và thuế đối với công nghệ số.

Còn nhớ hồi tháng 1, Chính phủ Anh đã tuyên bố rằng Huawei sẽ được phép tham gia vào mạng lưới 5G của đất nước, mặc dù có một số hạn chế. Anh cũng cho biết họ sẽ tiến hành đánh thuế các đại gia công nghệ, chủ yếu là các công ty lớn của Mỹ. Tuy nhiên tất cả những điều đó không được phía Mỹ hoan nghênh.

“Chúng tôi kỳ vọng rằng, thỏa thuận sẽ không được ký và càng ít có khả năng được phê chuẩn hơn, trước cuộc bầu cử vào ngày 3/11 của Mỹ”, Anna Rosenberg - Trưởng bộ phận châu Âu và Vương quốc Anh tại Công ty tư vấn Signum Global nói trong một lưu ý cho khách hàng.

Moritz Kraemer - cố vấn kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Acreditus cũng nói rằng, sẽ có một loạt các vấn đề cần giải quyết trong các cuộc đàm phán như tranh chấp về 5G, thuế kỹ thuật số và cách tiếp cận “nước Mỹ hàng đầu” của ông Trump. “Mặc dù cả hai bên tuyên bố rằng một thỏa thuận toàn diện là có thể trong năm nay, song tôi nghi ngờ về điều đó. Phía Mỹ sẽ bị cuốn hút bởi cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra còn phía Anh cũng đang vướng bận đàm phán với EU”, Kraemer cho biết qua email.

Khó có thỏa thuận toàn diện

Ngoài ra với áp lực thời gian để kết thúc một thỏa thuận trước cuối năm nay, các nhà phân tích không mong đợi bất cứ điều gì lớn lao tại thỏa thuận này. “Tôi không có nhiều kỳ vọng và không mong đợi một điều gì lớn lao sẽ xảy ra. Có cả những trở ngại chính trị và kỹ thuật đang cản trở một thỏa thuận thương mại toàn diện giữa hai bên”, Fred Erixon - một chuyên gia thương mại quốc tế của ECIPE có trụ sở tại Brussels nói với CNBC.

Erixon nói rằng, “mức độ lợi ích” từ một thỏa thuận thương mại với Mỹ không bù đắp được “mức độ mất mát khi rời khỏi EU vì các điều khoản thương mại tồi tệ”. Mặc dù vậy một thỏa thuận sơ khởi sẽ khiến cả hai bên có thể ghi được một số điểm chính trị và có được một số lợi ích kinh tế nhỏ, song đó có lẽ là tất cả những gì họ có thể mong muốn, ông nói thêm.

Niclas Poitiers - một chuyên gia nghiên cứu và chuyên gia thương mại tại Công ty tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels nói với CNBC rằng, không thể bù đắp cho tác động kinh tế của Brexit bằng một thỏa thuận thương mại với Mỹ.

“Cho đến nay, thị trường chung EU là mối quan hệ thương mại toàn diện nhất trên thế giới và có quy mô tương tự như thị trường Mỹ. Hơn nữa, vị trí địa lý và chuỗi giá trị tích hợp đóng một vai trò quan trọng, cũng như các lĩnh vực chuyên môn hóa”, ông nói qua email và nhấn mạnh thêm rằng cả Mỹ và Anh đều cạnh tranh khá gay gắt trong lĩnh vực dịch vụ.

Anh đã rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 31/1 và đang trong giai đoạn chuyển tiếp dự kiến kéo dài đến hết tháng 12 năm nay. Trong giai đoạn này Anh có thể đàm phán các thỏa thuận thương mại với các quốc gia khác, nhưng những thỏa thuận này chỉ có thể có hiệu lực sau khi chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp.

Năm 2018, tổng thương mại của Anh với EU đạt 641,9 tỷ bảng Anh (831,02 tỷ USD). Trong khi tổng thương mại của Anh với tất cả các quốc gia ngoài EU chỉ nhỉnh hơn một chút, ở mức 657,2 tỷ bảng. Bởi vậy, sau khi rời EU, Chính phủ Anh đang nỗ lực tìm kiếm các thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia để bù đắp cho việc rời khỏi EU. Hiện tại, Vương quốc Anh đang đàm phán với Canada, Mexico và Ukraine...

Rõ ràng việc đạt được thỏa thuận với Mỹ sẽ có tác động lớn hơn với mức độ thương mại hiện tại giữa hai bên. Nếu tính riêng rẽ từng quốc gia thì trong năm 2018, Mỹ đứng đầu danh sách các đối tác thương mại của Anh, với tổng lưu lượng thương mại là 190,5 tỷ bảng Anh (tương đương 246,91 tỷ USD); kế đó là Đức, Hà Lan và Pháp.