Liệu Fed có ngừng giảm lãi suất trong năm nay?

Theo H.Thủy/bnews.vn

Các quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã không còn mang nhiều yếu tố bất ngờ khi hầu như giới đầu tư đều đoán trúng mỗi lẫn Fed tăng hay giảm lãi suất chuẩn.

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC.Nguồn: AFP/TTXVN
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC.Nguồn: AFP/TTXVN

Đó có thể là lý do tại sao các thị trường không phản ứng quá mạnh mẽ trước động thái giảm 25 điểm cơ bản của Fed vào ngày 18/9, dù đây là lần cắt giảm thứ hai trong vòng chưa đầy hai tháng sau khi ngân hàng trung ương này từng không có động thái tương tự trong vòng 10 năm.

Hiện lãi suất liên bang nằm trong biên độ 1,75 - 2%, quay lại mức của một năm trước. Nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng tương lai chính sách của Fed không hẳn là hoàn toàn đã sáng tỏ. Những thông tin mà giới quan sát thu thập được trong tuyên bố mới nhất của Fed cho thấy chính nội bộ Fed vẫn không hoàn toàn chắc chắn đây sẽ là lần cắt giảm cuối cùng trong năm 2019 hay sẽ còn một đợt cắt giảm khác nữa.

* Triển vọng kinh tế Mỹ chưa quá ảm đạm

Trong phiên giao dịch ngày 18/9, chứng khoán Mỹ đã giảm điểm sau khi có thông tin Fed đã hạ lãi suất như dự báo của giới thị trường. Nhưng sau đó, các chỉ số đã phục hồi phần nào mức mất điểm hồi đầu phiên khi Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra đánh giá khá lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ tại cuộc họp báo sau đó.

Đóng cửa phiên 18/9, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng nhẹ 0,1% và chốt ở mức 27.147,12 điểm; chỉ số S&P 500 không có nhiều thay đổi và kết thúc ở mức 3.006.71 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 0,1% xuống 8.177,39 điểm.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Powell đã ghi nhận những dấu hiệu yếu kém nhìn chung của nền kinh tế, bao gồm lạm phát ở mức thấp và tâm lý bất ổn của các doanh nghiệp xung quanh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.  Ngoài ra, đà tăng trưởng toàn cầu suy yếu cùng các rủi ro địa chính trị như Brexit vẫn chưa được giải quyết đã khiến các công ty hạn chế đầu tư vào hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, Fed vẫn nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm nay, từ mức 2,1% đưa ra hồi tháng Sáu lên 2,2% trong báo cáo mới nhất. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp nhất của gần 50 năm là 3,7% trong năm 2019 và 2020, trong khi lạm phát sẽ vẫn chưa đạt được mục tiêu 2% do Fed đề ra khi dự kiến chỉ khoảng 1,5% trong năm nay và tăng lên 1,9% vào năm 2020.

Không khó để nhận ra rằng khi liên tiếp thực hiện hai đợt cắt giảm lãi suất trong vòng hai tháng, Fed đang nỗ lực bảo vệ nền kinh tế Mỹ trước những “cơn gió ngược” đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đà giảm tốc ở châu Âu và châu Á.

Ông Valentin Haddad, một chuyên gia tài chính tại Trường Quản lý UCLA Anderson, cho rằng Fed chỉ đang cố gắng đảm bảo rằng kinh tế Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái. Ông nhận định đối với hầu hết các cá nhân, việc cắt giảm lãi suất là một điều tốt khi nó sẽ giữ lãi suất thế chấp mua nhà và các chi phí đi vay khác ở mức thấp hơn.

* Sự chia rẽ của Fed về tương lai chính sách tiền tệ

Sự chia rẽ liên quan đến vấn đề lãi suất của Fed đang ngày càng trở nên rõ ràng. Báo cáo sơ bộ mới nhất được công bố ngày 18/9 cho thấy, có 5 thành viên cho rằng Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) nên giữ lãi suất ở mức từ 2 - 2,25% như trước đó, 5 người khác chấp thuận việc cắt giảm 25 điểm cơ bản nhưng muốn giữ lãi suất ở mức hiện tại trong suốt phần còn lại của năm 2019, còn 7 người còn lại ủng hộ việc cắt giảm lãi suất ít nhất một lần nữa trong năm nay.

Sự chia rẽ này phản ánh những khó khăn mà các quan chức Fed gặp phải khi họ vừa đang phải đối phó với những số liệu kinh tế không lạc quan như dự kiến, vừa phải chịu áp lực mạnh mẽ từ Tổng thống Donald Trump.

Giới quan sát cho rằng Fed không muốn tỏ ra “yếu thế” trước áp lực chính trị hoặc tạo điều kiện cho Tổng thống Trump có thêm những động thái thương mại khó lường hơn nữa. Nhưng đồng thời ngân hàng trung ương này cũng không thể ngồi yên trước những tác động từ căng thẳng thương mại cùng tình trạng yếu đi của nền kinh tế toàn cầu.

Ông Powell nhấn mạnh trong bài phát biểu rằng, các nghiên cứu cho thấy Fed không nên chờ đợi cho đến khi nền kinh tế sụp đổ với mới hành động. Tuy nhiên, lãi suất chuẩn của Fed đã ở mức thấp lịch sử và các nhà phân tích cũng lo ngại việc tiếp tục hạ thấp lãi suất có thể gây ra tình trạng bong bóng trên thị trường chứng khoán và các thị trường tài chính khác.

Theo giới chuyên gia, yếu tố lớn nhất chống lại việc cắt giảm lãi suất có thể đơn giản là nền kinh tế Mỹ không có nhu cầu về các biện pháp kích thích hơn nữa. Mặc dù các chỉ số lợi suất trái phiếu đang nhấp nháy màu đỏ, nhưng có rất ít dấu hiệu thực sự vững mạnh cho thấy nền kinh tế Mỹ đang gặp rắc rối.

Tăng trưởng đã chậm lại từ năm ngoái nhưng vẫn ở tốc độ tốt, chủ yếu nhờ vào thị trường lao động vững chắc và tăng lương ổn định hỗ trợ cho hoạt động tiêu dùng mạnh mẽ. Kể cả những lĩnh vực đang trì trệ như chế tạo và xây dựng cũng cho thấy dấu hiệu phục hồi.

Việc nối lại các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh cũng như giọng điệu ít gay gắt hơn giữa hai bên cũng ủng hộ quan điểm rằng việc cắt giảm lãi suất bổ sung có thể không cần thiết. Bên cạnh đó, thị trường vẫn có niềm tin rằng giá dầu sẽ tiếp tục đi lên và lạm phát sẽ đạt mức mục tiêu 2%.

Tuy nhiên, không ai, có lẽ thậm chí ngay cả Fed, có thể chắc chắn rằng chính sách lãi suất của ngân hàng này sẽ ra sao trong những tháng tới. Có quá nhiều yếu tố không chắc chắn tồn tại, trong đó đáng chú ý nhất là hậu quả của các cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump khởi xướng.